Tại Long An, qua khảo sát của phóng viên, người dân chấp hành nghiêm túc; nhiều hàng quán đã đóng cửa tạm nghỉ tránh dịch, không tụ tập đông người. Tại các chợ trên địa bàn thành phố Tân An, hoạt động mua bán vẫn diễn ra, cung cấp đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu cuộc sống như lương thực, thực phẩm... nhưng vẫn bảo đảm các quy định về phòng, chống dịch bệnh. Trên các tuyến đường trên địa bàn thành phố Tân An, lượng xe lưu thông giảm so với ngày thường.
Chị Nguyễn Lê Thị Trường An, ngụ tại Phường 4, thành phố Tân An cho biết, chị đã chủ động mua thức ăn, đồ dụng sinh hoạt hàng ngày từ chiều 31/3. Chị đã vận động gia đình, người thân nếu có việc đi ra ngoài, phải cẩn thận đeo khẩu trang, tránh tụ tập đông người. “Khi mọi người đều có ý thức bảo vệ bản thân mình và chung tay gìn giữ cho cả cộng đồng, tôi tin Việt Nam sẽ sớm vượt qua đại dịch này”, chị Trường An tin tưởng.
Các chợ, siêu thị, cửa hàng tiện ích kinh doanh dịch vụ, hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn Long An vẫn duy trì hoạt động bình thường sau 0 giờ ngày 1/4, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An, cho biết, để chủ động nguồn hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An đã dự trữ lượng hàng hóa ước giá trị trên 750 tỉ đồng. Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cam kết đảm bảo đủ cung cầu hàng hóa, giá cả các mặt hàng thiết yếu luôn ổn định.
Hiện các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã dự trữ trên 160 ngàn tấn gạo, 3,3 triệu gói mì, 24 tấn rau củ quả, 74 tấn thịt heo, 153 tấn thịt gà, 11 triệu quả trứng, 176 ngàn lít dầu ăn, gần 7 triệu lít xăng dầu, gần 100 ngàn chiếc khẩu trang kháng khuẩn, gần 250 ngàn lít nước uống đóng chai... đủ đáp ứng nhu cầu của người dân trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19. Sở Công Thương đang phối hợp Cục Quản lý thị trường tỉnh, UBND các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, không để phát sinh tình trạng đầu cơ, găm hàng, trục lợi, gây ảnh hưởng đến lợi ích người dân.
Còn tại Kiên Giang, trong ngày đầu thực hiện cách ly toàn xã hội, khu vực trung tâm thành phố Rạch Giá, lưu lượng tham gia giao thông của các phương tiện giảm hẳn so với ngày thường. Các quán ăn, nhà hàng, cửa hiệu… hầu hết đã đóng cửa. Tuy vậy, khu vực chợ trung tâm Rạch Giá 30/4 (phường Vĩnh Thanh), chợ Rạch Sỏi và một số chợ rải rác tại các phường trong thành phố còn khá tấp nập. Nhiều người dân tranh thủ đi chợ để mua đồ ăn tươi, đảm bảo sức khỏe cho gia đình.
Các tuyến đường chính như Nguyễn Trung Trực, Lạc Hồng, Ba Tháng Hai có treo nhiều băng rôn, áp phích in khẩu hiệu tuyên truyền để mọi người cùng chung tay phòng, chống dịch COVID-19, vì sức khỏe cộng đồng.
Theo ghi nhận, đa số người dân ở thành phố Rạch Giá và vùng phụ cận đều chấp hành tốt Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện cách ly toàn xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn hiện tượng một số người dân chưa đeo khẩu trang khi đi ra đường, tụ tập đông người nơi công cộng, chưa đảm bảo khoảng cách ít nhất 2 m khi giao tiếp. Một số quán cà phê vẫn mở cửa, nhiều nhất ở khu vực gần Bến xe Kiên Giang (phường Rạch Sỏi), dọc Quốc lộ 61 thuộc xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành. Lực lượng chức năng phòng, chống dịch COVID-19 của địa phương phải vào từng quán để trực tiếp yêu cầu chủ quán đóng cửa…
Tại Bình Phước, ghi nhận của phóng viên tại thành phố Đồng Xoài (Bình Phước) vào sáng 1/4, nhiều tuyến đường trục chính như Quốc lộ 14, đường ĐT.741, đường Hùng Vương, Trần Hưng Đạo, Võ Văn Tần… phương tiện người dân đi lại giảm đến 70 - 80%. Người dân hầu hết đều chấp hành việc ở nhà, hạn chế đi ra đường. Các quán cà phê, quán ăn, hộ kinh doanh dịch vụ hầu hết đều đóng cửa, một số ít chuyển qua hình thức giao hàng tận nhà. Cơ bản chấp hành nghiêm theo quy định.
Tại chợ Đồng Xoài, khoảng 11 giờ cùng ngày, thời gian cao điểm người dân đi chợ nhưng lượng người và phương tiện giảm đến 50% so với thường ngày. Sau khi có Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, UBND thành phố Đồng Xoài đã hoãn các cuộc họp còn lại trong tuần này để tập trung cao độ trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Theo chân Đoàn kiểm tra liên ngành của phường Tân Bình (thành phố Đồng Xoài), phóng viên ghi nhận vẫn còn một số ít quán cà phê, quán ăn mở cửa và có khách sử dụng tại quán. Các lực lượng liên ngành của phường Tân Bình đã đề nghị tất cả khách tại quán tính tiền, rời khỏi quán trở về nhà, không tụ tập đông người. Các hàng quán phải chấp hành nghiêm việc đóng cửa quán trong 15 ngày.
Tại Phú Yên, ghi nhận của phóng viên TTXVN, các bãi biển Nguyễn Huệ, Điện Biên Phủ, Nguyễn Văn Cừ, Trần Phú, khu vực trung tâm thành phố Tuy Hòa vào sáng sớm và chiều 1/4 vắng bóng người dân và du khách tập thể dục, tắm biển. Người dân thực hiện nghiêm theo quy định, không tập trung từ hai người trở lên ngoài công sở. Những ngày trước đó, các bãi biển này vốn đông nghịt người tập trung đến để vui chơi, tập luyện thể dục thể thao, tắm biển, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Nhiều người dân thành phố lựa chọn tập thể thao tại nhà, hoặc chuyển qua đạp xe đạp trên các tuyến đường, đi bộ tại quảng trường 1/4, có đeo khẩu trang để tránh nguy cơ lây nhiễm. Dọc tuyến đường Độc Lập, công viên biển thành phố Tuy Hòa, các chiến sỹ Công an, Biên phòng, lực lượng dân quân cùng chính quyền các xã, phường khu vực ven biển duy trì các chốt trực từ 4 giờ 30 phút, sử dụng loa phóng thanh tuyên truyền, nhắc nhở đối với những người dân vẫn còn theo “thói quen” xuống tắm biển mỗi ngày.
Các cơ quan, công sở của tỉnh Phú Yên đã thực hiện cho một bộ phận cán bộ, nhân viên làm việc online ở nhà, chỉ khi có công việc cần thiết mới đến công sở. Các tuyến phố chính trung tâm thành phố Tuy Hòa như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ, Trường Chinh, Lê Duẩn vắng vẻ hơn ngày thường. Các cửa hàng, hộ dân kinh doanh mặt hàng không thiết yếu đã tạm dừng đóng cửa. Nhiều cửa hàng bán đồ ăn, cung cấp đồ uống trên các tuyến đường Trần Phú, Lý Tự Trọng, Hùng Vương trước đây đã chuyển sang hình thức bán hàng online, hoặc cung cấp dịch vụ ship tận nơi cho khách có nhu cầu. Chợ Phường 7, chợ trung tâm thành phố Tuy Hòa chỉ còn các tiểu thương kinh doanh các mặt hàng thiết yếu (cá, thịt, rau, củ quả) phục vụ nhu yếu phẩm của người dân.
Ngày 1/4, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Phú Yên đã ban hành thông báo về việc dừng hoạt động tại các chốt kiểm soát dịch COVID-19 trên địa bàn. Thay vào đó, tỉnh Phú Yên có nhiều giải pháp kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ hơn.
Các chốt kiểm soát dịch dừng hoạt động từ 6 giờ ngày 1/4/2020; chuyển nhiệm vụ cung cấp danh sách người từ các địa phương khác đến Phú Yên cho Sở Giao thông Vận tải thực hiện và báo cáo hàng ngày cho cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19. Lực lượng Công an thường xuyên rà soát thông tin người từng đi qua vùng có dịch trong vòng 14 ngày về cư trú tại địa phương để thực hiện giám sát, theo dõi y tế và kịp thời cách ly khi cần thiết.
Các huyện, thị xã, thành phố thành lập các Tổ giám sát ở từng thôn, buôn, khu phố để thực hiện giám sát hàng ngày. Các đoàn thể chính trị - xã hội đẩy mạnh tuyên truyền để người dân cùng tham gia kiểm soát chặt chẽ những người từ các địa phương khác đến Phú Yên, đặc biệt là người đến từ địa phương đang có ổ dịch.
Trước đó, vào ngày 29/3, để chủ động kiểm soát, tăng cường biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, UBND tỉnh Phú Yên đã thành lập 7 chốt kiểm soát người và phương tiện tại các cửa ngõ ra vào địa bàn. Hàng nghìn hành khách, chủ yếu là từ các tỉnh phía Nam về quê Phú Yên đã thực hiện khai báo y tế.
Tính đến 17 giờ, ngày 1/4, Phú Yên chưa có người mắc COVID-19; có 5.440 người đang trong thời gian giám sát; 79 trường hợp được lấy mẫu xét nghiệm virus SARS-CoV-2 cho kết quả âm tính.