Gắn bó với khoa Nhiễm E, bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh 37 năm, điều dưỡng Nguyễn Kim Khang không còn xa lạ gì với những bệnh nhân điều trị tại khoa. Nhiều bệnh nhân cũ lâu ngày quay lại khoa khám bệnh đã bùi ngùi xúc động khi thấy điều dưỡng Khang mái tóc bạc gần hết nhưng vẫn còn cần mẫn làm việc, chăm sóc bệnh nhân tận tình, chu đáo.
Như phản xạ thông thường, họ nói với nhau: “Ông này ở phòng HIV nè!”. Rồi họ mừng rỡ tới hỏi chuyện “sao ông vẫn còn làm ở đây? Ông chưa nghỉ hưu sao? Tưởng ông chuyển đi chỗ khác làm rồi"… Nhận được những lời nói đó, điều dưỡng Khang lại cười từ tốn nói: “Tôi vẫn ở đây chứ có đi đâu đâu !”.
“Thót tim” với bệnh nhân nghiện
Sau khi ra trường vào năm 1980, chàng thanh niên Nguyễn Kim Khang về công tác tại khoa cấp cứu của bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, anh chỉ làm việc ở đây được một năm rồi đi nghĩa vụ quân sự. Sau 4 năm, anh Khang quay trở về bệnh viện Bệnh nhiệt đới tiếp tục công việc. Nhưng lần này, anh được đưa về làm việc tại khoa Nhiễm, đây được xem là khoa “đầu sóng, ngọn gió” của bệnh viện, nơi điều trị cho những bệnh nhân nhiễm các bệnh tiêu chảy, lao, viêm gan…
Rồi đến năm 1990, khoa Nhiễm E của bệnh viện “nổi tiếng” hơn khi tại đây phát hiện và điều trị cho bệnh nhân bị nhiễm HIV đầu tiên tại Việt Nam. Điều dưỡng Khang nhớ lại, khi phát hiện người đầu tiên bị nhiễm HIV ai cũng xôn xao, bàn tán và sợ sệt, thậm chí nhiều người không dám vào phòng thăm bệnh nhân. Hay khi nghe có người thân bị nhiễm HIV, nhiều người đã bỏ đi, không dám tới gần.
Khi chúng tôi hỏi: “Lúc nghe nói về căn bệnh này, anh có sợ không?”. Điều dưỡng Khang nói: “Nghe có người bị nhiễm HIV, tôi cũng thấy bệnh này lạ, tò mò tìm hiểu. Khi chăm sóc bệnh nhân nhiễm HIV một thời gian, tôi thấy việc chăm sóc bệnh nhân này cũng giống như những bệnh khác. Tôi không sợ bị lây nhiễm HIV vì HIV không dễ lây nhiễm như nhiều người tưởng. Tuy nhiên, để tránh bị lây nhiễm thì nhân viên y tế cần phải tuân thủ đúng quy trình vì càng về sau, những người nhiễm HIV sẽ xuất hiện những bệnh nhiễm trùng cơ hội, kèm theo lao, hay phổi… Đây là căn bệnh dễ lây nhiễm hơn HIV. Nhưng với không gian rộng, thoáng nên chúng tôi cũng phần nào giảm bớt nguy cơ bị lây hơn”, điều dưỡng Khang chia sẻ thêm.
Kể về kỉ niệm và trải nghiệm nhớ nhất của ông, điều dưỡng Khang cho biết đó là lần đầu tiên nếm trải cảm giác bị kim tiêm đang tiêm cho bệnh nhân nhiễm HIV đâm thẳng vào tay. Theo điều dưỡng Khang, dù đã tuân thủ đúng quy trình, phòng chống lây nhiễm nhưng những nhân viên y tế làm việc tại đây đều khó tránh khỏi đôi lần phải uống thuốc phơi nhiễm, không phải vì họ bất cẩn mà vì đặc thù.
Đó là khi điều dưỡng Khang phải tiêm thuốc cho bệnh nhân, nhưng bệnh nhân này đang lên cơn nghiện nên dù đã tìm rất nhiều chỗ nhưng vẫn không thể tìm thấy ven. Bằng kinh nghiệm của bản thân, cuối cùng anh tìm được ven trên trán bệnh nhân. Tuy nhiên, đang trong lúc tiêm thuốc, bất ngờ bệnh nhân này giãy giụa mạnh khiến cây kim đang tiêm cho bệnh nhân bật ra đâm thẳng vào tay ông. Theo điều dưỡng Khang, những bệnh nhân bị nhiễm HIV được đưa đến điều trị chỉ có một số ít là lây từ vợ chồng hoặc quan hệ không an toàn, còn đa phần là do tiêm chích ma túy, dân giang hồ. Những người này thường ít có sự hợp tác với bệnh viện, hay giãy giụa nên việc lấy ven, lấy máu cũng khó hơn bình thường.
“Cũng may, cây kim cánh bướm lực đâm nhẹ, không bị chảy máu. Dù đã cố gắng bình tĩnh xử lý và tự trấn an mình là không sao, không dễ lây nhiễm nhưng tôi cũng rất lo lắng vì thời điểm đó chưa có thuốc phòng phơi nhiễm. Thật may, tôi đã không bị sao”, điều dưỡng Khang chia sẻ thêm.
Hay một lần khác anh đang lấy máu cho bệnh nhân thì bệnh nhân lại lên cơn nghiện làm rách bao tay và đâm vào tay. Lúc này, may mắn là Việt Nam đã có thuốc phòng phơi nhiệm (ARV) và anh đã phải uống thuốc 1 tháng. Điều dưỡng Khang cười nói tiếp: “Nhờ thường xuyên tiêm cho những bệnh nhân nghiện mà tay nghề cứng hơn”.
"Không những thế, mỗi lần bệnh nhân lên cơn nghiện, nhân viên y tế ở đây là người phải gánh chịu đầu tiên. Điều dưỡng Khang nhớ lại, có một lần bệnh nhân lên cơn nghiện đã đập phá kính và cầm miếng kính bị bể rượt đuổi nhân viên y tế, phải mất một thời gian rất lâu bảo vệ mới có thể khống chế được bệnh nhân này. Hay có lần bệnh nhân lên cơn nghiện bỏ chạy leo lên bồn nước, nóc nhà, sợ có chuyện gì anh lại phải chạy theo bệnh nhân lên tận nóc nhà để đưa họ xuống… Đó là chuyện thường xuyên xảy ra ở khoa Nhiễm E”, điều dưỡng Khang kể lại.
Bệnh nhân là động lực gắn bó với nghề
Nói về vui buồn của nghề, điều dưỡng Khang chia sẻ, có những lần phải thức trắng đêm cùng bệnh nhân do bệnh trở nặng. Ông phải quay cuồng theo dõi từng nhịp thở cho đến huyết áp bệnh nhân rồi hút đàm, tiêm hay phải lau mình cho bệnh nhân… Thân xác mệt mỏi, nhưng khi thấy bệnh nhân tỉnh lại thì mọi mệt mỏi dường như tiêu tan hết, đó chính là niềm vui của một người điều dưỡng.
Thế nhưng, không ít lần ông cũng chạnh lòng vì bệnh nhân vừa được ông chăm sóc, tắm rửa đã không vượt qua căn bệnh, ra đi ít lâu sau đó. “Trải qua nhiều lần như vậy mãi, rồi tự nhiên tôi thấy mình “chai sạn” đi, không còn quá nặng lòng nữa và nghĩ rằng mình đã làm hết sức có thể, rồi tiếp tục tập trung vào chăm sóc những bệnh nhân đang tiếp tục chiến đấu với HIV”, điều dưỡng Khang cố kìm cảm xúc của mình chia sẻ.
Theo điều dưỡng Khang, công việc của những nhân viên y tế ở đây không chỉ chăm sóc về thể xác mà còn cả về tinh thần cho họ. Đó mới là một liều thuốc hữu ích giúp họ chiến đấu với con vi rút này. Ông chợt nhớ lại và kể, có một chàng thanh niên đang làm cho một công ty Nhật với tương lai tươi sáng, anh phát hiện mình bị nhiễm HIV, tinh thần suy sụp và anh phải nằm thở máy điều trị ở phòng bệnh nặng, tưởng chừng như khó qua khỏi. Lúc đó, điều dưỡng Khang đã thường xuyên tới chia sẻ và động viên, sau một thời gian ngắn chàng thành niên nay đã vực dậy, sức khỏe dần hồi phục và được xuất viện.
Công việc vất vả, nguy hiểm nhưng điều dưỡng Khang chưa bao giờ nghĩ mình sẽ nghỉ việc để chuyển qua một đơn vị khác nhàn hơn, bớt nguy hiểm hơn, kiếm được nhiều tiền hơn... Đối với điều dưỡng Khang, những bệnh nhân nhiễm HIV luôn là động lực để ông tiếp tục gắn bó với nơi này. Điều khiến ông đau lòng nhất chính là những đứa bé vừa được sinh ra đã phải mang con vi rút này trong người hay những người chồng, người vợ lây cho nhau mà không biết. Hay khi biết mình bị nhiễm HIV, bị gia đình và người thân từ bỏ, họ sợ mang tai tiếng cho gia đình, tìm mọi cách để tự tử.
Với điều dưỡng Khang, những người chẳng may bị mắc phải vi rút HIV chỉ là một tai nạn mà họ không muốn xảy ra. Để gắn bó được với công việc này, đòi hỏi người điều dưỡng phải có tâm và cũng phải biết bảo vệ sức khỏe cho mình bằng cách tuân thủ đúng quy trình của ngành.