Đó là ông Nguyễn Văn Tỵ - Đội trưởng Đội cấp cứu Chữ Thập đỏ sông Lô, hiện sống tại tổ 6, phường Tân Quang, thành phố Tuyên Quang. Hơn 20 năm qua, ông đã cùng với Đội cấp cứu Chữ Thập đỏ sông Lô cứu sống 60 người; tìm kiếm, vớt xác và khâm liệm cho gần 500 người; mò vớt được 3 ô tô, 5 tàu, thuyền máy, hàng trăm xe máy cùng nhiều tài sản trị giá hàng tỷ đồng của nhân dân bị nước lũ cuốn trôi... Với những thành tích trong cứu hộ, cứu nạn, ông đã được Hội Chữ Thập đỏ Quốc tế vinh danh và có tên trong danh sách hơn 100 tình nguyện viên tiêu biểu nhất thế giới; 2 lần được công nhận danh hiệu Chiến sỹ thi đua Chữ Thập đỏ Toàn quốc.
Ông Nguyễn Văn Tỵ (bên phải) đang trao đổi với lãnh đạo thành phố Tuyên Quang về phương án tìm kiếm người mất tích. |
Năm nay, bước sang tuổi 70, nhưng với dáng người cao khỏe, săn chắc, ông Tỵ trông trẻ và khỏe hơn nhiều so với tuổi của mình. Trong vụ đắm thuyền kinh hoàng trên sông Lô, địa phận phường Hưng Thành, thành phố Tuyên Quang (tỉnh Tuyên Quang) làm 9 người chết xảy ra trung tuần tháng 1 năm 2011, tất cả mọi người dân tỉnh Tuyên Quang đã phải nể phục kính trọng, ông già 70 tuổi này. Trong cái rét cắt da, cắt thịt ông đã "đằm mình" trong dòng sông Lô băng giá gần 1 tuần để tìm kiếm những nạn nhân mất tích.
Ông Tỵ tâm sự: “Hằng năm, vào mùa lũ, sông Lô trở nên rất hung dữ, cướp đi sinh mạng của hàng chục người. Chính vì vậy, năm 1988, tôi đã quyết định đứng ra thành lập Đội cấp cứu Chữ Thập đỏ sông Lô. Đó cũng là tổ chức cứu hộ tự nguyện trên sông đầu tiên ở Việt Nam”.
Cũng theo ông Tỵ, khi mới thành lập, Đội cấp cứu Chữ Thập đỏ sông Lô đã gặp rất nhiều khó khăn, do quan niệm của người dân, nhất là những người làm nghề chài lưới rằng sẽ gặp phải điều rủi nếu cứ chăm chăm vào việc "cướp cơm" của hà bá. Nhưng rồi với cái tâm trong sáng và lý lẽ “đã làm phúc thì chẳng phải sợ chuyện gì”, ông đã thuyết phục được 33 người, trong đó có nhiều người là dân vạn chài, đã "bước qua lời nguyền" để làm công việc cứu người gặp nạn.
Anh Hà Thanh Bình, một thành viên Đội cấp cứu Chữ Thập đỏ sông Lô nhớ lại vụ tìm kiếm 2 nạn nhân ở bến đò khách huyện Chiêm Hóa, xảy ra cách đây 17 năm. Lần ấy cả đội gần 1 tuần lễ lặn ngụp dưới nước, hai bên bờ chật cứng người thân và người dân đứng trông ngóng, theo dõi. Nhiều lần lặn xuống nước tìm mò không thấy nạn nhân đứt hơi, kiệt sức... Không những vậy, anh Tỵ còn tý mất mạng, khi lặn xuống tìm kiếm nạn nhân do dây dẫn của bình ôxy vướng vào đá bị đứt, anh Tỵ đã bị bất tỉnh dưới nước, rất may anh em trong đội kịp kéo lên, đưa đi viện cấp cứu...
Xác định đối với thiên tai, lũ lụt, công tác phòng, chống là chính, vì vậy, cùng với công tác cứu hộ, cứu nạn, từ năm 2003 đến nay, ông Tỵ cùng với Đội cấp cứu Chữ Thập đỏ sông Lô đã tổ chức được gần 100 lớp bơi lội, cứu đuối cho hàng nghìn người dân; cấp hàng trăm cặp sách liền áo phao cứu sinh miễn phí cho các em học sinh phải đi học bằng thuyền, đò tại các huyện, thành trong tỉnh Tuyên Quang, góp phần bảo đảm an toàn cho các em nhỏ trên đường đi học, nhất là trong mùa lũ.
Ông Trần Khắc Ngọc, Chủ tịch UBND phường Tân Quang, thành phố Tuyên Quang cho biết: Trong những năm qua, hoạt động tình nguyện của ông Tỵ và những thành viên Đội đội cứu hộ là rất đáng trân trọng. Ông Tỵ và các thành viên trong đội luôn ứng trực trước những diễn biến trong mùa mưa lũ, đảm bảo di dời an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân. Còn bà Vũ Thị Bích Việt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang vui mừng cho biết: Mặc dù hoạt động với tinh thần tự nguyện, nhưng ông Tỵ và các thành viên Đội cấp cứu Chữ Thập đỏ sông Lô hoạt động rất nhiệt tình. Ông Tỵ đang là tấm gương sáng của địa phương về thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Bài và ảnh: Vũ Quang Đán