Người lái đò trên sông Sê Pôn

Đã nhiều năm nay, già làng Hồ Ray, 76 tuổi, ở bản Ra Man, xã Xy, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị thường xuyên chèo đò miễn phí phục vụ bà con sống ở hai bờ qua lại sông biên giới Sê Pôn. Nhờ chuyến đò nghĩa tình của ông mà nhân dân hai bên biên giới dễ dàng thăm nom, trao đổi hàng hóa, tăng thêm tình đoàn kết, hữu nghị...

Ông Hồ Ray sinh ra ở vùng đất biên giới Quảng Trị, tuổi thơ quanh năm tắm nước dòng Sê Pôn, khi trưởng thành trong cảnh đất nước chiến tranh, ông tình nguyện lên đường tham gia quân đội đánh giặc. Hòa bình lập lại, ông trở về quê hương bị bom đạn cày xới tan hoang. Với quyết tâm xây dựng lại bản làng, ông cùng bà con dồn công sức để cải tạo đất đai.

Tuy tuổi đã cao nhưng hàng ngày ông Hồ Ray vẫn chèo đò để con em của bản Ra Man (Việt Nam) và bản Ổi (CHDCND Lào) xích lại gần nhau. Ảnh: Vân Anh

Trải qua môi trường quân đội, với sự hiểu biết, bản tính cương trực, nói đi đôi với làm, ông được bà con dân bản tin yêu. Khi xã Xy được thành lập, ông được bầu giữ nhiều chức vụ của địa phương biên giới. Trong quá trình công tác, ông luôn tích cực cùng với bộ đội biên phòng bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, chăm lo cuộc sống cho đồng bào. Khi đến tuổi nghỉ hưu, thay vì an hưởng tuổi già, ông Hồ Ray lại dồn sức xây dựng các mô hình kinh tế hộ gia đình để bà con dân bản học tập, làm theo. Thành công trong chăn nuôi, phát triển kinh tế, ông có điều kiện giúp đỡ các gia đình nghèo trong bản. Ông cho bà con mượn tiền mua thuốc khi ốm đau, mua cây, con giống để phát triển sản xuất.

Tuy nhiên, điều khiến ông trăn trở nhiều nhất là tình cảm của bà con hai bản biên giới Ra Man (Việt Nam) và Ổi (CHDCND Lào) còn có sự cách trở bởi con sông Sê Pôn. Họ chưa giúp đỡ được nhau nhiều, đặc biệt trong điều kiện bản Ổi cách xa trung tâm hành chính của nước bạn, rất khó khăn khi có người đau ốm, cũng như giao lưu trao đổi hàng hóa. Với quyết tâm thắt chặt tình đoàn kết giữa nhân dân hai bản cùng nhau bảo vệ đường biên, mốc giới chung, ông Hồ Ray tình nguyện làm người kết nối.

Từ những chuyến thăm hỏi, giao lưu, tình cảm nhân dân hai bản nảy nở, gắn bó. Để xóa sự cách biệt về khoảng cách, ông Hồ Ray đã tự nguyện bỏ tiền túi sắm đò chở dân bản hai bên biên giới qua sông. Con thuyền của ông Hồ Ray, sự chân thành gắn kết của ông mà người dân hai bản có điều kiện gặp gỡ, trò chuyện với nhau nhiều hơn. Khi mọi khoảng cách được xóa bỏ, nhân dân hai bản biên giới mạnh dạn giao lưu, trao đổi nông lâm sản, hỗ trợ giống cây trồng, giúp đỡ ngày công khi vào vụ mùa. Còn nhớ, mấy năm trước, khi một số hộ dân ở bản Ổi nước bạn bị hỏa hoạn thiêu cháy nhà, bà con bản Ra Man cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tam Thanh đã góp gạo và các nhu yếu phẩm cần thiết mang sang giúp đỡ.

Từ tình cảm chân thành, sâu lắng giữa nhân dân của hai bản, nhiều đôi trai gái của Ra Man và Ổi đã nên duyên vợ chồng. Nhiều gia đình của hai bản trở thành thông gia. Thế nhưng, hành trình để những đôi bạn trẻ của hai bản nên duyên vợ chồng cũng gặp phải không ít chông gai. Bởi ban đầu, họ cũng e ngại chuyện kết hôn xuyên biên giới, lo cảnh ly hương, không hiểu tường tận phong tục, tập quán nước bạn, thủ tục đăng ký kết hôn giữa các đôi nam nữ Việt - Lào còn khá phức tạp. Chính Hồ Ray cũng là người tiên phong, kết nối để những đôi bạn trẻ của bản Ra Man và Ổi mạnh dạn xích lại gần nhau. Bởi gia đình ông Hồ Ray vốn có đông con và người con trai thứ hai của ông đem lòng yêu một cô gái bản Ổi. Ban đầu, con trai ông cũng không dám nói với bố vì sợ bị ngăn cấm như các cặp trai gái khác. Song khi biết chuyện, Hồ Ray lại rất ủng hộ tình cảm của các con.

Ông hướng dẫn để các con lo các thủ tục pháp lý kết hôn theo đúng qui định của pháp luật hai nước. Đám cưới của anh Hồ Chia (con trai ông Hồ Ray) với chị Hồ Thị Luôn, một công dân của bản Ổi diễn ra là bước ngoặt quan trọng để các đôi trai gái của hai bản biên giới có cơ hội được đến với nhau. Họ đang sinh ra những đứa con khỏe mạnh, mang dòng máu của hai dân tộc anh em Việt - Lào. Từ nền móng mà ông Hồ Ray tạo dựng, cùng với chủ trương lớn của hai Nhà nước, năm 2009, hai bản Ra Man và Ổi đã chính thức tổ chức kết nghĩa. Đây là cơ sở pháp lý để bà con dân bản hai bên tiếp tục phát triển tình đoàn kết hữu nghị bền vững, cùng nhau bảo vệ đường biên giới chung.

Giờ đây, tuy tuổi đã cao, nhưng ông Hồ Ray vẫn luôn cảm thấy hài lòng với công việc của mình, là người chèo đò miễn phí qua dòng sông biên giới Sê Pôn để bà con hai bản có điều kiện giúp đỡ lẫn nhau, tăng thêm tình đoàn kết, hữu nghị bao đời.
PV
Cô lái đò bên dòng Thạch Hãn
Cô lái đò bên dòng Thạch Hãn

Cuộc chiến 81 ngày đêm (từ 28/6 đến 16/9/1972) ở Thành cổ Quảng Trị là khúc ca bi tráng, vang mãi trong chiến thắng hào hùng của dân tộc ta trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN