Người lao động hạnh phúc với mô hình làm việc mới thời hậu đại dịch

Hơn hai năm sau đại dịch, nhiều người đã kiệt sức, bỏ việc hoặc đang vật lộn để kiếm sống vì mức lạm phát cao kỷ lục khiến tiền lương của họ bị hao mòn. Tuy nhiên, thời gian qua, hàng nghìn người lao động ở Vương quốc Anh đã được thử nghiệm lịch trình làm việc bốn ngày/tuần mà không bị cắt giảm lương, có thể giúp mở ra một kỷ nguyên làm việc mới.

Chú thích ảnh
Công nhân làm việc tại ga tàu hỏa ở London, Anh, ngày 18/1/2021. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Cho đến nay, đây là cuộc thử nghiệm quy mô lớn nhất thế giới về mô hình một tuần làm việc bốn ngày. Một số người lao động cho biết họ cảm thấy hạnh phúc hơn, khỏe mạnh hơn và làm tốt hơn công việc của họ.

Lisa Gilbert, một quản lý mảng dịch vụ cho vay tại ngân hàng Charity Bank, một nhà cung cấp các khoản cho vay từ thiện ở phía Tây Nam nước Anh, nói: "Tôi thực sự có thể tận hưởng cuối tuần của mình vì bây giờ tôi đã có thứ Sáu để làm việc nhà và những việc khác, hoặc nếu tôi muốn đưa mẹ đi dạo, tôi có thể làm điều đó ngay bây giờ mà không phải cảm thấy tội lỗi vì đã không đủ thời gian dành cho mẹ". 

Gilbert hiện đang phải chăm sóc cho con trai và cha mẹ già. Việc có thêm ngày nghỉ mỗi tuần có nghĩa là cô ấy có thể dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, thay vì phải nói “xin lỗi, không thể” mỗi khi họ cần cô ấy vào những dịp cuối tuần.

Chương trình thí điểm làm việc 4 ngày/tuần kéo dài 6 tháng với sự cam kết của 3.300 lao động tại 70 công ty về việc chỉ làm 80% thời gian làm việc mỗi tuần so với thông thường và giữ nguyên mức lương hiện tại, đổi lấy họ phải duy trì 100% năng suất làm việc.

Chương trình đang được điều hành bởi tổ chức phi lợi nhuận 4 Ngày làm việc mỗi tuần Toàn cầu, tổ chức tư vấn Autonomy và Chiến dịch 4 Ngày làm việc mỗi tuần ở Vương quốc Anh với sự hợp tác của các nhà nghiên cứu từ Đại học Cambridge, Đại học Oxford và trường Cao đẳng Boston.

Các nhà nghiên cứu sẽ đo lường tác động của mô hình làm việc mới đối với năng suất, sự bình đẳng giới, môi trường cũng như mức độ hạnh phúc của người lao động. Vào cuối tháng 11 tới, các công ty tham gia thử nghiệm có thể quyết định có tiếp tục áp dụng lịch trình làm việc mới hay không.

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi không phải là không có những trục trặc.

Samantha Losey, Giám đốc điều hành của Unity, một công ty quan hệ công chúng ở London cho hay, tuần đầu tiên áp dụng lịch trình làm việc mới "thực sự hỗn loạn" khi nhóm của cô ấy không được chuẩn bị để bàn giao công việc trong thời gian ngắn hơn.

Dù vậy, cô và các đồng nghiệp của mình đã nhanh chóng tìm ra cách để thích nghi. Giờ đây, công ty đã cấm tất cả cuộc họp nội bộ kéo dài hơn năm phút, giữ tất cả các cuộc họp với khách hàng trong giới hạn 30 phút và đã giới thiệu hệ thống "đèn giao thông" để ngăn chặn những xáo trộn không cần thiết. Cụ thể, đồng nghiệp bật đèn trên bàn làm việc của họ và đặt nó ở màu xanh lá cây nếu họ vui vẻ nói chuyện, chọn màu hổ phách nếu họ đang bận nhưng vẫn sẵn sàng tiếp chuyện, và 'màu đỏ' nếu họ không muốn bị làm gián đoạn khi đang tập trung.

Đến tuần thứ tư, Losey cho biết, nhóm của cô đã đạt được thành công trong việc áp dụng lịch trình làm việc rút ngắn, nhưng họ thừa nhận "hoàn toàn có khả năng" khôi phục lịch trình năm ngày làm việc/tuần nếu năng suất làm việc giảm trong quá trình sáu tháng thử nghiệm.

Từ năm 2015 đến năm 2019, Iceland đã đưa 2.500 lao động khu vực công vào hai đợt thử nghiệm lịch trình 4 ngày làm việc/tuần. Điều quan trọng là những thử nghiệm đó không tìm thấy sự sụt giảm năng suất mà lại có sự gia tăng đáng kể về mức độ hạnh phúc của nhân viên.

Kết quả này đã vượt quá sự mong đợi của mọi người. Thời gian làm việc rút ngắn đã tạo điều kiện cho nhiều người lao động thực hiện những sở thích mới, thực hiện những tham vọng lâu dài hoặc đơn giản là đầu tư nhiều thời gian hơn cho các mối quan hệ của họ.

Minh Trang (TTXVN)
'Chìa khóa' giúp phục hồi và phát triển toàn cầu hậu đại dịch COVID-19
'Chìa khóa' giúp phục hồi và phát triển toàn cầu hậu đại dịch COVID-19

Hai nền tảng gồm Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) cùng Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có thể giúp thúc đẩy hoạt động thương mại toàn cầu nhộn nhịp trở lại, cũng như đóng góp vào một tương lai bền vững hơn của thế giới sau đại dịch COVID-19. Đây là nhận định của các tác giả bài viết đăng tải trên tờ Australia Financial Review số ra mới đây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN