Người lính Điện Biên trên quê hương gang thép

Ông Nguyễn Ngọc Tăng, người chiến sĩ của Đại đoàn 308 anh hùng năm xưa, hiện trú tại phường Gia Sàng, thành phố Thái Nguyên. Năm nay ở độ tuổi 80, ông còn rất minh mẫn, khỏe mạnh và khí chất của người lính Điện Biên dường như vẫn còn vẹn nguyên. Từng chi tiết của trận đánh lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” tháng 5 năm 1954 nơi lòng chảo Điện Biên Phủ mà ông trực tiếp tham gia chưa lúc nào phai nhòa.


Ký ức hào hùng


Năm 1952, người thanh niên Nguyễn Ngọc Tăng đã xếp bút vở, tình nguyện gia nhập lực lượng Thanh niên xung phong tại huyện Phú Bình (Thái Nguyên). Vài tháng sau, từ lực lượng Thanh niên xung phong, ông Tăng chuyển sang Đại đội 225, Trung đoàn 88 thuộc Đại đoàn 308 - đại đoàn quân chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam do chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp đọc nhật lệnh thành lập. Giáp Tết năm 1954, khi Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, ông nhận lệnh đi Điện Biên và được phong làm Trung đội trưởng Trung đội 4, Đại đội 225. Trước khi hành quân lên Điện Biên, toàn bộ lực lượng tập hợp lại tại Phú Thọ cùng Sư đoàn Thủ đô, lúc đó, ông làm công tác huấn luyện được khoảng 2 tháng thì bắt đầu hành quân lên Điện Biên Phủ.


Ông Tăng điền viên tuổi già ở quê hương.


Ông kể: “Chúng tôi hành quân chủ yếu vào ban đêm, ngày thì nghỉ để tránh sự oanh tạc của giặc. Khi hành quân, mỗi anh em phải cõng trên lưng gần 15 kg gạo cùng súng và tư trang. Để quên mệt nhọc, đoàn quân vừa đi vừa hát “hò lơ”, có khi gặp đoàn văn công được nghe mấy bài rồi lại đi”. Dọc đường đi, đồng đội của ông bị những trận sốt rét, rồi quân giặc bắn, không ít người hi sinh, nằm lại trên những cánh rừng Tây Bắc. Nhưng không vì thế mà các chiến sĩ nản lòng, hàng đêm họ vẫn hành quân thần tốc từ 5 giờ chiều đến sáng. Chỉ khoảng 15 ngày sau, ông Tăng và các đồng đội đã lên tới Điện Biên.


Sư đoàn được phân công phụ trách phía tây lòng chảo Điện Biên Phủ, nhiệm vụ của ông Tăng và anh em là đào hào tiếp cận và khống chế sân bay Mường Thanh, ngăn chặn sự tiếp tế của địch cho cứ điểm. Thời gian đào hào là khoảng 2 tháng, đó là thời điểm nhiều mất mát nhất của trung đội. Hàng đêm, quân ta đào hào, dưới là mặt ruộng bùn quánh, trên là lửa đạn của địch, hôm nào cũng có đồng đội hi sinh. Trung đội của ông Tăng có khoảng 30 người, sau mỗi đêm đào hào, đến sáng, kiểm tra quân số có khi mất đến hơn một nửa. Có những đồng đội vừa vào đơn vị buổi sáng thì tối đã hi sinh, anh em chưa kịp biết tên nhau.


Mỗi lần giở lại những cuốn sách viết về Điện Biên Phủ, ông Tăng rất phấn chấn, những kỷ niệm về một thời oanh liệt lại hiện về.


Ngày 1/5/1954, đợt 3 của chiến dịch bắt đầu, trung đội của ông Tăng được lệnh phải đánh thắng cứ điểm 311A, đây cũng là kỉ niệm mà suốt thời gian qua ông không hề quên. Ông bồi hồi nhớ lại: “5 giờ chiều chúng tôi hành quân từ Bản Chày, phía tây Mường Thanh tiến về cứ điểm 311A. Trung đội tôi là thê đội 2 của mũi bộc phá cánh trái. 21 giờ lệnh phát hỏa, thê đội 1 đi trước căng hai mảnh dù trắng hai bên đánh dấu cho 15 chiến sĩ bộc phá ống xông lên, phá tan 12 lớp rào kẽm gai của địch. Đến lượt thê đội 2 tôi dẫn đầu 15 chiến sĩ bộc phá vuông xông lên cửa mở. Lúc này đạn pháo địch rót liên tiếp vào đột phá khẩu. Tôi hô “Trung đội 4 tiến lên” sau đó mắt tối sầm lại, chỉ còn nghe thấy tiếng súng và không biết gì nữa…”. Đêm hôm đó ông đã bị thương cả vào đầu, chân và tay, khi tỉnh dậy đồng đội cho biết Tiểu đoàn d332 đã đánh rất tốt, tiêu diệt và bắt sống toàn bộ địch ở cứ điểm 311A chỉ sau 30 phút, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã hoàn toàn bị tiêu diệt, chiến dịch Điện Biên của quân và dân ta đã toàn thắng… Niềm vui chiến thắng cứ dâng tràn, quên đi mọi đớn đau.


Sáng mãi tinh thần người lính Điện Biên


Sau trận đánh oanh liệt đó, ông Tăng trở thành thương binh hạng 4/4 và được cấp trên cử về vùng địch hậu với nhiệm vụ cải cách ruộng đất. Năm 1959, ông Tăng chuyển ngành từ quân đội về ngành lâm nghiệp Bắc Thái, sau đó làm Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bắc Thái… Ở cương vị nào, phẩm chất người lính Điện Biên - anh bộ đội Cụ Hồ luôn được giữ vững, giúp cho ông luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, huy hiệu “40 năm tuổi Đảng”. Năm 1990, ông về hưu nhưng vẫn tích cực tham gia hoạt động xã hội, cùng gia đình phát triển cơ sở kinh doanh sắt thép, tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương, giúp con cháu vươn lên làm giàu chính đáng...


Khi kinh tế gia đình ổn định, ông Tăng lại dành toàn bộ thời gian và thu nhập của mình cho công tác khuyến học, giúp đỡ con cháu trong dòng họ Nguyễn Ngọc có điều kiện học tập, vươn lên trong cuộc sống. Toàn bộ tiền lương thương binh của mình, ông đều dành hết làm phần thưởng, khuyến khích con cháu học tập. Hiện dòng họ của ông với hơn 40 hộ, trên 200 thành viên đã trở thành dòng họ khuyến học tiêu biểu của tỉnh Thái Nguyên.


Ông tâm sự: “Dù làm bất cứ công việc gì tôi cũng đều tâm niệm phải làm thật tốt, thật xứng đáng với danh hiệu người lính Điện Biên. Bản lĩnh của người lính Đại đoàn quân Tiên Phong luôn giúp tôi vượt mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình kể cả trong thời chiến cũng như trong thời bình và thời kỳ đất nước mở cửa phát triển kinh tế tư nhân…”



Bài và ảnh: Nguyễn Thị Lành

 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN