Mỗi khi nhắc đến ký ức về thời quân ngũ cách đây hơn 60 năm, nhất là trận đánh Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, ông Phan Văn Minh – nguyên chiến sỹ C33, Phòng hậu cần Sư đoàn 316, hiện đang sống tại tổ 35, phường Kim Tân, thành phố Lào Cai lại như trẻ lại. Ông kể, trong suốt chiến dịch 56 ngày đêm ấy, mặc dù không trực tiếp đào hào, kéo pháo cùng rất nhiều đồng đội, nhưng một mình ông với một chiếc xe đạp dã chiến đã không dưới 4 lần ra vào Điện Biên nắm nhu cầu quân lương, quân trang ngoài mặt trận rồi trở về hậu cứ báo tình hình để vận chuyển lương thực, nhu yếu phẩm tiếp tế cho bộ đội ngoài mặt trận.
Từ vùng quê nghèo xã Minh Quán, huyện Trấn Yên (Yên Bái), 18 tuổi, Phan Văn Minh nhập ngũ và được biên chế vào đại đội nông - binh thuộc Khu 10, sau này (năm 1949) đổi tên là Ban quân lương. Trước khi vào chiến dịch Điện Biên năm 1954, ông từng cùng đơn vị tham gia chiến dịch Lê Hồng Phong tiến về giải phóng Lào Cai. Sau này thành lập Sư đoàn 316, ông được biên chế vào đơn vị hậu cần chuyên lo đời sống cho bộ đội. Chưa đầy 3 tuổi quân, nhưng ông đã cùng sư đoàn Anh hùng đi suốt chiều dài từ Tây Bắc sang Đông Bắc tham gia các trận đánh lớn trong chiến dịch Đông Xuân 1953.
Đoàn dân công thồ hàng phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: TTXVN |
Sau khi thực dân Pháp bị thua đau trên các mặt trận và co cụm về phòng thủ tại Điện Biên Phủ, Phan Văn Minh vẫn như con thoi, khi thì chiếc xe đạp, lúc thì chạy bộ bám theo các cánh quan lập kho trạm cất giấu quân lương, quân trang và chuyển lệnh bí mật, khẩn cấp từ hậu phương vào mặt trận và ngược lại kịp phục vụ bộ đội có đủ sức khỏe và các điều kiện khác đánh địch. Cứ như thế, trong suốt chiến dịch Điện Biên, ông Minh như con thoi từ Đông Bắc sang Tây Bắc nhận lệnh và chuyền lệnh của trên tiếp tế cho chiến trường.
Ông Minh kể, công việc phía sau tuy thầm lặng nhưng cũng không kém phần nguy hiểm bởi những lần đi đường dài hàng vài trăm cây số như thế không tránh khỏi sự đụng độ với các ổ phục kích và máy bay, đạn pháo của địch. Kỷ niệm đáng nhớ nhất là khi ông cầm trong tay công lệnh khẩn của Sở chỉ huy từ hậu cứ Đông Bắc vào Điện Biên, đến đèo Pa Đin thì trời tối, ông và cả chiếc xe đạp lao xuống hố bom sâu, phải mất một lúc lâu nghe tiếng kêu, các cô thanh niên xung phong mới phát hiện đến kéo lên. Thoát khỏi hố bom tử thần, ông và chiếc xe đạp lại lào vào đêm, xuyên rừng vượt núi.
Ông cho biết, lúc ấy tiếng súng ngoài mặt trận ngày càng ác liệt như càng thôi thúc bước chân mình nhanh nhanh để chuyển lệnh đến chỉ huy ngoài mặt trận. "Vì vậy, dù có phải đi bộ xuyên rừng, leo dốc cả ngày đêm, nhưng tôi vẫn đi", ông Phan Văn Minh nói. Nhờ chuyển lệnh kịp thời mà hàng trăm tấn hàng từ hậu phương sau đó đã tập kết vào mặt trận trước ngày 1/5 để trong ngày chiến thắng 7/5, bộ đội ta ai cũng có bộ trang hục mới tươi vui và oai nghiêm đúng tư thế của người chiến thắng.
Không ai không phấn khởi khi được khoác trên mình bộ quân phục mới. Nhưng ít ai biết rằng, để có nó rất kịp thời như vậy, các chiến sỹ C33 hậu cần - trong đó có Phan Văn Minh đã phải xuyên rừng, vượt núi, dựng lán trại vận chuyển và bảo quản vất vả như thế nào.
Sau chiến dịch Điện Biên, năm 1957, Phan Văn Minh xuất ngũ về quê Minh Quán, Trấn Yên, Yên Bái. Trở về đời thường với cuộc sống ruộng nương. Phẩm chất người lính Cụ Hồ và người đảng viên luôn ngời sáng trong ông. Ông tham gia vận động bà con vào hợp tác xã, đấu tranh với những hủ tục lạc hậu, vận động con em đi học chống giặc dốt, giặc đói. Bản thân ông sau này cũng thoát ly gia đình vào lái xe cho cơ quan nhà nước, rồi làm cán bộ hành chính ở Bệnh viện tỉnh Yên Bái đến lúc nghỉ hưu. Ở môi trường công tác mới, ông luôn gương mẫu và hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, sống chan hòa với quần chúng.
84 tuổi đời, 64 tuổi Đảng, người cựu chiến binh Điện Biên Phủ năm xưa nhanh nhẹn và sống vui, sống khỏe bên con cháu. Ngày ngày ông Minh vẫn tự rèn luyện sức khỏe bằng chiếc xe đạp đạp đi quanh phố, vừa để tập luyện cho mình, vừa thăm các đồng đội, bạn bè, con cháu. Ông tâm sự, những cựu chiến binh chống Pháp còn sống trên đất Lào Cai không còn nhiều, người trực tiếp chiến đấu tại Điện Biên lại càng ít, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Riêng ông vẫn giữ được sức khỏe và sẽ là 1 trong số rất 20 người được Hội Cựu chiến binh tỉnh Lào Cai cho thăm lại chiến trường Điện Biên xưa vào dịp kỷ niệm 60 năm giải phóng sắp tới.
Lục Văn Toán