Nguyên nhân của các vụ TNGT chủ yếu là do ý thức chủ quan của người tham gia giao thông, coi thường quy định pháp luật giao thông, mà người lớn chiếm phần lớn. Mặc dù Luật Giao thông đường bộ và các quy định pháp luật về giao thông đã được tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng, tuy nhiên TNGT do nguyên nhân trên vẫn diễn biến phức tạp, trong đó, trẻ em đều là nạn nhân cho ý thức chủ quan của người lớn.
Còn theo báo cáo độc lập của Quỹ phòng chống thương vong châu Á, sau 10 năm thực hiện quy định pháp luật về mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy (2007 - 2017) đã kéo giúp giảm trên 15.300 người chết do TNGT, trên 500.000 ca chấn thương đầu, trong đó số lượng trẻ em tử vong chiếm tỷ lệ không nhỏ. Tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, TNGT liên quan đến trẻ em và nạn nhân TNGT là trẻ em có xu hướng gia tăng trong giai đoạn 2011 - 2016; xảy ra 70 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng làm 224 người chết, bị thương 207 người.
Trước thực tế này, năm 2018, Uỷ ban ATGT Quốc gia đã đề xuất lựa chọn chủ đề “ATGT cho trẻ em”, lấy trẻ em là mục tiêu và là động lực xây dựng văn hoá giao thông cho toàn xã hội; tiếp tục xác định mục tiêu kéo giảm tai nạn giao thông từ 5 - 10% về cả số vụ, số người chết, số người bị thương do TNGT; giảm tỷ lệ thương vong do TNGT đối với trẻ em 10% so với năm 2017; kéo giảm ùn tắc giao thông trên các trục chính và tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Giáo dục ATGT cho trẻ em từ trên ghế nhà trường là nhiệm cụ trọng tâm của ngành Giáo dục. |
Vì vậy, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu các cơ quan thành viên Uỷ ban ATGT Quốc gia và Ban ATGT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần tập trung thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 4/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa; Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 24/8/2011 của Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự, ATGT và các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, tập trung thực hiện các nhóm nhiệm vụ như: Hoàn thiện thể chế về bảo đảm trật tự ATGT, đặc biệt khẩn trương sửa đổi Luật Giao thông đường bộ 2008, các văn bản pháp luật liên quan tới ATGT cho trẻ em; thực hiện giáo dục ATGT chính khoá cả 3 cấp học phổ thông; xây dựng văn hoá giao thông trong Thanh, Thiếu niên, Thiếu nhi với tinh thần “Tính mạng con người là trên hết”; duy trì tháng cao điểm ATGT cho học sinh đến trường – tháng 9 và các mô hình "Đoạn đường em chăm", "Em yêu đường sắt quê em", “Cổng trường ATGT”...
Triển khai các nhiệm vụ Năm ATGT 2018, Bộ GTVT và các Ban ATGT tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quán triệt nhiệm vụ đến từng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; gắn trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu với kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan, đơn vị thực thi công vụ, trước hết là chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành vận tải; điều khiển giao thông; giám sát, phát hiện và xử lý vi phạm về trật tự ATGT và phát động phòng trào người lớn nêu gương về văn hoá giao thông cho trẻ nhỏ ngay từ đầu năm.
Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai bộ tài liệu “Văn hóa giao thông” cho học sinh tiểu học, trung học cơ sở đến các sở giáo dục và đào tạo; phối hợp với Ủy ban ATGT Quốc gia và các đơn vị liên quan tổ chức các cuộc thi “Giao thông học đường” năm học 2018 - 2019 cho học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông; hoàn thành xây dựng chương trình giáo dục ATGT cho toàn bộ các cấp học từ mầm non đến Trung học phổ thông, triển khai đồng bộ từ năm học 2018 – 2019, báo cáo kết quả với Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ.