Người mua ve chai 'trúng' 5 triệu yen được hưởng trọn số tiền?

Trong vụ việc hy hữu người mua ve chai mua được chiếc thùng bên trong có nhiều tiền Nhật, không chỉ cuộc sống vốn bình dị của người nhặt được tiền đảo lộn mà tranh luận về tính pháp lý, sở hữu hợp pháp số tiền “trời ban” cũng “nảy lửa”.

Nỗi khổ của người được lộc trời ban

Cách đây vài năm, vợ chồng cụ Nguyễn Văn Hết ở hẻm 341, đường Lạc Long Quân (P.5, Q.11, TPHCM) trúng độc đắc 7,6 tỷ đồng. Cả một đời lam lũ, sống trong khốn khó, đến khi gần đất xa trời, ăn không nổi, nuốt không trôi thì vợ chồng cụ bỗng dưng trúng độc đắc. Cuộc sống của vợ chồng cụ từ đó niềm vui chưa tới nỗi lo toan đã xâm chiếm khi hàng ngày, rất nhiều người lạ đến xin tiền. Không những thế, lâu nay vợ chồng cụ sống đơn thân thì giờ đây con cháu, hậu duệ… cứ ùn ùn kéo về để nhận là người thân, máu mủ, ruột rà. Cụ bà mất, cụ ông không còn minh mẫn. Số tiền tỷ phút chốc hóa phù du.

Những ngày gần đây, lại thêm một vụ “lộc trời ban” xảy ra ở tại một căn nhà, nơi trú ngụ của hơn 10 con người xa xứ mua bán ve chai đang thuê trọ ở hẻm 84, đường Trần Văn Quang (P.10, Q.Tân Bình). Không trúng độc đắc như cụ Nguyễn Văn Hết, vợ chồng anh chị Trịnh Minh Vương (36 tuổi) - Huỳnh Thị Ánh Hồng (34 tuổi, quê Quảng Ngãi) bất ngờ nhặt được một khoản tiền mà cả đời mơ cũng không thấy khi anh chị đập cái hộp sắt cũ mua được.

Chị Hồng nhớ lại, tháng 11/2013, chị mua cái tủ sắt cũ với giá 100 ngàn đồng từ một người đàn ông khoảng 40 tuổi ở đâu góc đường Âu Cơ – Trần Văn Quang (Q.Tân Bình) mà chị không nhớ cụ thể địa chỉ. Như mọi khi, chị mang về quẳng cái tủ trong mớ thứ lỉnh kỉnh ve chai chờ ngày “xuất xưởng”. 14 năm xa xứ để buôn bán ve chai, chị Hồng đâu có nghĩ đến ngày mình phải đối diện “lộc trời ban” và muôn vàn rắc rối.

Vợ chồng chị Hồng chia sẻ câu chuyện nhặt được tiền Nhật


Hôm 21/3, chị Hồng đem cái tủ sắt ra đầu hẻm đập để bán sắt vụn. Nào ngờ trong cái tủ sắt rơi ra một hộp gỗ. Những tờ tiền lạ mắt trong hộp bung ra, bay tứ tung. Chị Hồng không biết tiền thật hay tiền giả, vì cả đời chị có biết tờ tiền yen của Nhật Bản là gì đâu. Chị đem cho những người xung quanh vài tờ để làm… kỷ niệm mà không hề biết giá trị của nó.

Một lát sau bỗng có hàng chục người lạ ùn ùn kéo đến căn nhà trọ. Hoảng quá, vợ chồng chị ôm tiền vào nhà đóng kín cửa. Hay chuyện, công an phường mời vợ chồng chị lên làm việc. Để an toàn cho mình, chị Hồng đã chuyển toàn bộ số tiền cho công an phường niêm phong chờ hướng xử lý. Tổng số tiền trong hộp gỗ mà chị Hồng phát hiện là 520 tờ mệnh giá 10.000 yen, tương đương 1 tỷ Việt Nam đồng.

Những ngày qua, con hẻm 84 Trần Văn Quang không ngớt lời bàn tán. Sự việc càng xôn xao hơn khi nhiều người quan tâm, tranh luận, liệu chị Hồng có được sở hữu số tiền trong hộp gỗ mà chị mua hay không? Phía gia đình có ý kiến như thế nào?

Với vẻ mặt thất thần, chị Hồng cho biết, mấy ngày nay chị mất ăn mất ngủ vì có quá đông người đến hỏi thăm. Nhiều kẻ lạ mặt cứ lởn vởn trước nhà khiến chị lo lắng cho sự an toàn của gia đình. “Từ trước đến giờ mới thấy được số tiền lớn đến như thế nhưng cái gì không phải của mình thì nên trả nó về chủ thật sự của nó để mình đổi lấy sự yên bình, thảnh thơi”, chị Hồng thở dài.

Còn anh Vương thì tâm sự rằng: “Mong mỏi lớn nhất của tôi là công an công an xử lí sớm để vợ chồng tôi còn yên tâm làm ăn mua bán, chứ mấy ngày nay, mệt mỏi và lo lắng vô cùng. Nếu được chia tiền này thì tôi sẽ gửi cho những người buôn bán ve chai với vợ chồng tôi một ít vì cuộc sống của ai cũng khổ. Số còn lại, tôi gửi về quê cho con cái học tập để có cái chữ thoát nghèo”.

Có quyền thụ hưởng hết?

Tranh luận về việc thụ hưởng số tiền 10.000 yen Nhật như thế nào cũng “bùng nổ” trong những ngày qua.

Theo quy định của Bộ luật Dân sự, người nhặt được tài sản không được quyền chiếm hữu mà phải có nghĩa vụ giao trả nếu biết thông tin liên hệ của chủ sở hữu hay người quản lý hợp pháp. Trường hợp, người nhặt không biết được thông tin chủ nhân tài sản thất lạc thì phải thông báo và giao nộp vật đó cho Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan chức năng gần nhất để công khai thông tin cho chủ sở hữu nhận lại.

Sau một năm, kể từ ngày thông báo công khai về tài sản nhặt được mà không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận, nếu vật đó có giá trị đến 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định thì vật đó sẽ thuộc sở hữu của người nhặt được. Nếu giá trị của vật vượt quá 10 tháng lương tối thiểu thì sau khi trừ đi chi phí bảo quản, người nhặt sẽ được hưởng giá trị bằng 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định cộng với 50% giá trị của phần vượt quá; phần giá trị còn lại sẽ thuộc Nhà nước.

Quá nhiều người lạ mặt cứ lởn vởn trước nhà khiến vợ chồng chị Hồng "ăn không ngon, ngủ không yên"


Tuy nhiên, trao đổi với PV Dân trí, luật sư Nguyễn Văn Trường – Văn phòng Luật sư Trường, Đoàn Luật sư TPHCM - lại có góc nhìn khác khi cho rằng vợ chồng chị Hồng có quyền thụ hưởng hết số tiền trên.

Luật sư Trường khẳng định, sẽ không có sự phân chia phầm trăm nào cả từ số tiền 5 triệu yen. Hoặc là tìm được chủ sở hữu thật sự của hộp gỗ có số tiền 5 triệu yen trên, hoặc là vợ chồng người thu mua ve chai hưởng trọn toàn bộ số tiền này.

Luật sư Trường cho biết, theo quy định, vợ chồng chị Hồng đã đúng. Và theo tình thì chị Hồng rất thật thà cũng như đầy lòng tự trọng khi giao nộp số tiền đã nhặt được cho cơ quan công an. Ở đây, dù chị Hồng đã bỏ ra 100 ngàn đồng để mua lại cái thùng sắt có chứa 5 triệu Yên, nhưng số tiền này không nằm trong giao dịch mua bán đó. Đơn giản, nếu người đàn ông bán cái thùng sắt cho chị Hồng biết có 5 triệu Yên bên trong, chắc chắn họ sẽ không bán.

Vì vậy, trong trường hợp này có thể xem 5 triệu Yên đó là tiền mà chị Hồng nhặt được. Đã là tài sản nhặt được, chị Hồng phải có trách nhiệm giao lại cho cơ quan có thẩm quyền. Tất nhiên, nếu không bị ai phát hiện số tiền trên, chị Hồng im lặng đem ra đổi và thu giữ thì đó sẽ là chuyện riêng, chỉ có “chị biết và cái thùng sắt biết”. Nên ở đây, tính trung thực và lòng tự trong của người mua ve chai đáng để khen ngợi.

“Khi chủ sở hữu (nếu có) của 5 triệu yen đó chứng minh được số tiền này là của họ. Họ có quyền cho vợ chồng chị Hồng bao nhiêu là quyền của họ. Theo suy đoán của tôi, khả năng chị Hồng thụ hưởng toàn bộ số tiền này là rất cao. Vì có vẻ chủ sở hữu thật sự của 5 triệu yen này đã quên (hay có thể đã về Nhật).

Nên sau một năm, cơ quan có thẩm quyền loan tin, không có người xác nhận là chủ sở hữu của khối tài sản này, thì 5 triệu yen sẽ thuộc về gia đình chị Hồng. Cho đến giờ, vẫn chưa có luật định về việc đóng thuế khi nhặt được của rơi nên chị Hồng cũng không phải đóng thuế khi nhận số tiền này. Chắc chắn là không có cơ sở pháp lý trong việc chia chác này. Nếu có, chỉ là thỏa thuận giữa chị Hồng và người khác”, luật sư Trường khẳng định.


Theo Dantri.com.vn
Dọn rác nhặt được tiền tỉ

Trong lúc dọn đồ cũ trên gác xép của ngôi nhà mới mua, anh Josh Ferrin Desert (người thành phố Salt Lake, Mỹ) đã bị “sốc” khi nhặt được một chiếc hộp đựng đầy tiền.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN