Đại diện cơ quan quản lý nhà nước về chăn nuôi thừa nhận, từ năm 2011 đến nay, tình hình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi có xu hướng tăng lên so với các năm 2009 - 2010. Việt Nam cần vài năm nữa để có thể kiểm soát được chất lượng thức ăn chăn nuôi, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Câu chuyện sử dụng chất tăng trọng, tạo nạc độc hại trong chăn nuôi lợn phát hiện tại tỉnh Đồng Nai đã nhanh chóng tác động đến ngành chăn nuôi của cả nước. Người tiêu dùng thì lo lắng, nghi ngại mỗi khi ra chợ lựa chọn thực phẩm, còn những người chăn nuôi chân chính thì méo mặt vì bị “con sâu làm rầu nồi canh”.
Chăm sóc đàn lợn sinh sản ở phường An Phú, thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam). Ảnh: Đình Huệ - TTXVN |
Bà Phạm Thị Lan ở Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội cho biết, từ khi nghe tin thịt lợn có chứa chất tạo nạc độc hại, bà cẩn trọng hơn mỗi khi đi chợ mua thịt. Tuy nhiên, cách đề phòng duy nhất mà bà Lan cũng như nhiều người nội trợ có thể làm được là lựa chọn miếng thịt có màu sắc không quá bắt mắt, tỷ lệ nạc so với mỡ không quá chênh lệch một cách bất thường... Bởi nhiều ý kiến cho rằng, con lợn siêu nạc do nhiễm chất tăng trọng, tạo nạc thì miếng thịt sẽ có một số biểu hiện dễ nhận biết như bì mỏng, tỷ lệ nạc nhiều, ít hoặc hầu như không có mỡ. Ngoài ra, còn có màu sắc đỏ khác thường rất bắt mắt. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo việc nhận biết thực phẩm sạch hoàn toàn không thể chỉ dựa vào cảm quan. Rõ ràng, gánh nặng của người nội trợ không hề nhỏ, trong khi sức khỏe của người tiêu dùng vẫn phải phó mặc cho sự may rủi, một khi thị trường chưa loại bỏ được chất cấm sử dụng trong chăn nuôi.
Cũng vì trắng đen lẫn lộn, thật giả khó phân biệt mà bản thân những người chăn nuôi chân chính cũng trở thành nạn nhân khi “đồng nghiệp” của mình còn vì hám lợi trước mắt mà sử dụng chất cấm thúc đẩy tăng trọng, tạo nạc để đưa thực phẩm “bẩn” ra thị trường. Câu chuyện của một trang trại ở Hưng Yên là một ví dụ. Trung bình mỗi tháng, trang trại này cung cấp khoảng 50 tấn lợn thịt cho các lò mổ ở Hà Nội - nơi mà cơ quan chức năng xác nhận, hầu như không phát hiện chất cấm qua các đợt kiểm tra gần đây. Anh Hà - chủ trang trại cho biết, ngay khi câu chuyện người chăn nuôi ở Đồng Nai sử dụng chất tăng trọng tạo lợn siêu nạc được thông tin vào cuối tháng 2 thì đến đầu tháng 3, trang trại anh bị ảnh hưởng. Cụ thể, lượng lợn xuất chuồng sụt giảm trông thấy, giá cả cũng giảm từ 5 đến 7 giá, tức giảm khoảng từ 500.000 đến 700.000 đồng đối với một con lợn 100 kg.
Ông Nguyễn Xuân Dương - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi - Bộ NN&PTNT, cũng cho rằng, hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi không chỉ làm ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng mà còn làm tổn hại đến ngành chăn nuôi và trong lâu dài thì người chăn nuôi không thể tồn tại được nữa, người buôn bán cũng không biết bán cho ai và thị trường chăn nuôi của chúng ta sẽ là thị trường nhập khẩu, điều này rất nguy hiểm.
Cũng theo ông Dương, nếu như năm 2009 - 2010, việc phát hiện sử dụng chất cấm trong chăn nuôi chỉ có vài vụ lẻ tẻ thì từ năm 2011 đến nay, xu hướng sử dụng chất cấm có tăng lên với những hình thức ngày càng tinh vi và khó kiểm soát. Theo đó, chất cấm được phát hiện nhiều nhất là Salbutamol thuộc nhóm Betaagonist, đây là chất được dùng trong y tế để trị bệnh hen suyễn. Còn trong ngành chăn nuôi, Salbutamol bị cấm sử dụng tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Người ăn phải thực phẩm nhiễm Salbutamol có thể dẫn tới một số bệnh về thần kinh, tim mạch, run cơ, co cơ và thậm chí là ung thư. Tuy nhiên, do hám lợi trước mắt mà một số kẻ đã sử dụng chất cấm này nhằm giúp lợn tăng trọng nhanh hơn, tích nạc nhiều hơn và làm cho thịt lợn có màu sắc bắt mắt, đánh lừa cảm giác của người tiêu dùng.
Đại diện ngành chăn nuôi cũng cho biết, chế tài xử phạt những hành vi sử dụng chất cấm đã có, song khó khăn nhất hiện nay là làm sao phát hiện được hành vi này. Trong khi cả nước mới có gần 20.000 cơ sở chăn nuôi tập trung theo quy mô công nghiệp thì có tới gần 7 triệu hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, việc kiểm soát tới từng hộ là rất khó khăn. Rõ ràng, vấn đề không chỉ là việc kiểm soát các cơ sở chăn nuôi mà mấu chốt là công tác kiểm soát quá trình lưu hành các chất cấm này trên thị trường. Để làm được điều này, theo đại diện Bộ NN&PTNT, ngoài vai trò của Bộ này còn cần sự vào cuộc của Bộ Công Thương và Bộ Công an. Ông Nguyễn Xuân Dương nhận định, kinh nghiệm của Thái Lan cho thấy, nước này mất 5 năm “tuyên chiến” với Salbutamol mới kiểm soát được chất này, có thể Việt Nam cũng phải mất một khoảng thời gian như vậy để loại được các chất cấm sử dụng trong chăn nuôi. Tất nhiên, với điều kiện cả xã hội cùng nhận thức được và lên án hành vi sử dụng chất cấm gây tổn hại sức khỏe cộng đồng.
Khánh Phong