Bên cạnh niềm vui hân hoan, náo nức chờ đón Tết Nguyên đán của người dân Việt Nam, rất nhiều người nước ngoài đang sinh sống và làm việc trên đất nước hình chữ “S” cũng đang tất bật chuẩn bị để cùng đón Tết cổ truyền của người Việt.
Thích phong tục Việt
Mỗi người nước ngoài đến Việt Nam đều có một cảm nhận về Tết theo cách riêng của mình, nhưng nét chung nhất là họ cảm thấy rất ấn tượng, thích thú bởi những phong tục truyền thống được người dân lưu giữ trong ngày Tết.
Vợ chồng ông Herve Fayet rất thích mua sắm các loại hoa và quả để chuẩn bị cho ngày Tết cổ truyền của Việt Nam. |
Hòa trong dòng người đổ ra khắp các ngả đường đang đua nhau đi mua sắm đồ Tết, trang hoàng nhà cửa, anh Torino Osvalto (quốc tịch Italia), đã có 4 năm sinh sống và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh, cũng đang háo hức chuẩn bị đón Tết. Bốn năm ở Việt Nam, anh đều có những trải nghiệm Tết ở khắp 3 miền. Tết Quý Tỵ năm nay, anh sẽ ăn Tết cùng mọi người ở TP Hồ Chí Minh. Để chuẩn bị, anh cùng bạn bè đi chợ sắm Tết, dọn dẹp, trang trí nhà cửa bằng những cành mai vàng và nấu những món ăn truyền thống của người Việt.
Anh Torino Osvalto chia sẻ: “Đi du lịch vào đúng dịp Tết cổ truyền, tôi thấy trong những ngày này, các gia đình Việt ai cũng bày bánh chưng, bánh tét để cúng tổ tiên; còn trẻ con, ông bà được mọi người mừng tuổi đầu năm… Tôi thấy rất hay và thích thú. Tôi đã quyết định ở lại Việt Nam ăn Tết để có dịp hưởng không khí đi mua sắm đồ chuẩn bị đón Tết cổ truyền của các bạn”.
Có thể nói, Tết cổ truyền của người Việt với những sắc thái rất riêng, cùng với bản tính nồng hậu, mến khách và thân thiện của người Việt Nam đã khiến không ít các bạn sinh viên nước ngoài không cảm thấy buồn, nhớ gia đình trong khoảnh khắc đón chào năm mới. Đối với cô sinh viên Choi Jiwon (quốc tịch Hàn Quốc) đang theo học Tiếng Việt tại trường Đại học Khoa học - Xã hội và nhân văn TP Hồ Chí Minh, điều thú vị và để lại ấn tượng nhất đối với cô là tục xông đất và cách người Việt đón người xông đất. “Theo truyền thống của người Việt, người xông đất được xem là người sẽ mang lại tài lộc và may mắn cho gia đình trong cả năm. Sáng mùng một Tết năm 2012, khi tôi bước vào nhà người bạn, mọi người cùng đứng dậy chào đón, nhận lời chúc của tôi một cách trân trọng và cũng chúc lại tôi rất chân tình. Tôi thấy lòng mình ấm áp lạ thường vì mọi người cư xử với tôi rất gần gũi, thân mật như người trong một gia đình, điều này đã làm tôi vơi đi nỗi nhớ gia đình mình ” - Jiwon tâm sự.
Hòa vào truyền thống Việt
Khác với cảm nhận về Tết truyền thống Việt Nam của Osvalto và Jiwon, ông Herve Fayet - giảng viên Viện Trao đổi văn hóa với Pháp sinh sống ở Việt Nam đã hơn 20 năm, lại thích cùng vợ đi sắm đồ Tết. Do khá am hiểu phong tục truyền thống của người Á Đông nên để chuẩn bị đón Tết, ông thường cùng vợ đi mua sắm những loại trái cây đặc trưng của ngày Tết và nấu những món ăn truyền thống của người miền Nam. Mặt khác, ông Herve còn thích hình ảnh người Việt tất bật ngược xuôi đón Tết. Bởi ông biết người Việt thường dành dụm tất cả những gì đẹp nhất, thiêng liêng nhất cho ngày Tết.
Ông Herve Fayet đang phụ bà Camy Fayet làm những món ăn truyền thống trong ngày Tết phương Nam. |
Ông Herve Fayet cho biết: “Theo phong tục của người miền Nam, mâm ngũ quả trưng bày trong ngày Tết thường có đầy đủ các loại như dừa, đu đủ, mãng cầu, sung, xoài với ngụ ý cầu mong sự đầy đủ, sung túc. Vì vậy, năm nào mâm ngũ quả nhà tôi cũng bày các loại trái cây này. Ngoài ra, tôi rất thích tự tay mình dán những lời chúc phúc lên những quả bưởi hay những chiếc bánh chưng bày trên bàn thờ. Bởi tôi thực sự tin rằng, việc làm của tôi với tất cả thành tâm sẽ mang lại nhiều may mắn cho cả gia đình trong năm mới”.
Đối với bà Camy Fayet, vợ ông Herve Fayet, bà luôn muốn chuẩn bị cho gia đình một cái Tết thật ấm áp và theo đúng truyền thống của người Việt Nam. Do đó, trong dịp Tết này bà sẽ lựa chọn từng loại quả tươi, các loại hoa thật đẹp để bày trên bàn thờ hay lựa chọn các loại rau xanh, thịt lợn…, để chuẩn bị cho bữa cơm ngày Tết. “Trong dịp lễ đặc biệt này, trên mâm cỗ của gia đình tôi sẽ có đủ những món ăn truyền thống của miền Nam như thịt kho tàu, canh khổ qua và dưa giá. Khi làm những món ăn này, tôi mong chồng tôi, người luôn biết trân trọng những giá trị truyền thống, được tận hưởng trọn vẹn không khí Tết của Việt Nam. Ngoài ra, trong những ngày thường, chúng tôi phải bận rộn làm việc và lo cho cuộc sống gia đình nên không có thời gian nghỉ ngơi, nhưng trong những ngày Tết, tất cả công việc đều được gác lại để chúng tôi có thời gian làm nhiều thứ như nghỉ ngơi và chăm sóc gia đình, cùng trò chuyện chia sẻ những chuyện đã xảy ra trong một năm và nhất là được thoải mái chuẩn bị đón Tết theo phong tục Việt Nam” - bà Camy Fayet cho biết.
Bài và ảnh: Hoàng Tuyết