Người phụ nữ ấy đã 72 lần hiến máu, số máu cho đi ước tính gấp ít nhất 4 lần lượng máu hiện có trong cơ thể chị. Đây là điều phi thường mà không phải ai cũng làm được. Thế nhưng, khi được hỏi về việc hiến máu cứu người, người phụ nữ ấy chỉ nhẹ nhàng và chân thành nói: “Tôi chỉ là người bình thường, chuyện của tôi cũng bình thường như bao người khác!”. Người phụ nữ đó là chị Trần Thị Mai, sinh năm 1966, là Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ kiêm Phó Chủ tịch Hội phụ nữ phường Cam Nghĩa, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa.Lần đầu tiên chị Mai hiến máu tình nguyện là năm 34 tuổi, khi chị chăm cha đẻ nằm bệnh viện. Cùng phòng với cha chị là một cụ già rất tiều tụy, chỉ còn da bọc xương. Cụ mắc bệnh hiểm nghèo, bắt buộc phải được truyền máu mới sống được. Nhưng vì hoàn cảnh quá khó khăn, không có tiền mua máu nên cụ đã ra đi trong sự đau đớn của gia đình. Chứng kiến cái chết đáng tiếc ấy, suốt đêm đó chị không sao ngủ được và câu hỏi “mình phải làm điều gì để giúp những người khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo?” cứ đeo bám chị .
Chị Trần Thị Mai, người đã 72 lần hiến máu cứu người. Ảnh: baodientu.chinhphu.vn. |
Tình cờ một hôm, cô Bí thư đoàn phường có đến nhà vận động chị đi hiến máu tình nguyện. Vậy là chẳng cần suy nghĩ nhiều, chị gật đầu đồng ý. Quyết định này ngay lập tức gặp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phía gia đình. Mẹ là người gây áp lực nhất cho chị, bà từng tuyên bố “Người ta phải mất tiền mua máu, mày có lại đem đi!”. Còn chồng chị lại tỷ tê “Em mới sinh con một lần đã rất khó khăn, nếu đi hiến máu sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và cả chuyện sinh nở sau này…”.
Qua được áp lực từ gia đình, chị cũng dũng cảm vượt qua cả những lo lắng của bản thân trong lần đầu tiên đi hiến máu. Hiến lần thứ nhất, thấy sức khỏe bình thường chị lại tiếp tục hiến lần hai, lần ba... Tới lần thứ 15, gia đình không còn phản đối gay gắt; song mãi tới năm 2007 khi biết chính chị là người hiến máu cho mẹ làm phẫu thuật do bị gẫy xương đùi, mọi người mới hoàn toàn ủng hộ chị. Tình cảm gia đình cũng từ đó thêm bền chặt.
Trong 72 lần hiến máu của chị có cả những lần hiến tiểu cầu và hiến máu khẩn cấp. Ngoài lần hiến khẩn cấp cho mẹ, chị cũng nhớ lần hiến máu trực tiếp năm 2012 cho một em gái sống cùng phường, em Nguyễn Thị Thùy Trang, sinh năm 1986. Trang bị tim bẩm sinh, cần mổ gấp nếu không em sẽ tử vong. Vì quá nghèo nên gia đình em đã tới xin sự hỗ trợ kinh phí từ Hội Chữ thập đỏ phường, nơi chị làm chủ tịch. Lúc đó tính mạng của em Trang đã rất nguy kịch, chị nhanh trí quyết định sẽ hỗ trợ em bằng máu.
Biết được tin từ viện là Trang cần 4 đơn vị máu và phải là nhóm máu O, ngay lập tức chị huy động thêm 3 chị em nữa cùng mình vào Thành phố Hồ Chí Minh thử máu. Kết quả cả 4 người đều đủ điều kiện để truyền máu trực tiếp. Một tuần sau đó, ca mổ thành công tốt đẹp. Nụ cười chợt hiện trên môi chị khi nói về sức khỏe của Trang. “Trang hiện giờ sức khỏe rất tốt, đã có gia đình và một cháu trai 6 tháng tuổi”.
Hiến máu tình nguyện là một hành động nhân đạo, để cứu những người có hoàn cảnh khó khăn và chị sẽ hiến đến bao giờ không còn sức nữa thì thôi.
Giờ đây khi tuyên truyền về hiến máu, chị dùng chính kinh nghiệm, trải nghiệm của mình để thủ thỉ, thuyết phục mọi người: “Hiến máu, điều đầu tiên mình được đó là được điều tra sức khỏe, được xét nghiệm để biết mình không bị viêm gan A,B,C và ký sinh trùng sốt rét, kể cả là HIV nữa. Quan trọng là hiến máu giúp sàng lọc máu cũ, sản sinh máu mới, làm cho cơ thể khỏe mạnh hơn. Sau 72 lần hiến máu, mình thấy sức khỏe bình thường. Da dẻ đẹp hơn so với trước, mịn màng và bớt nám nhiều, cũng bớt đi bệnh nhức đầu. Một điều quan trọng nữa, mình tham gia hiến máu là góp phần vào công tác chăm sóc sức khỏe cho mọi người trong đó có cả những người thân yêu của mình. Đó là động lực để cho mình tham gia hiến máu và ngày càng hiến máu nhiều hơn”. Từ những câu nói chân thành ấy, hai năm trở lại đây, trung bình một năm chị đã vận động được gần 200 người cán bộ, hội viên tham gia hiến máu. Trong gia đình chị có chồng, chị gái, em trai cũng cùng tham gia hiến máu.
Bên cạnh đó, chị cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Hội Chữ thập đỏ thành lập các câu lạc bộ nhóm máu A, AB; những người hiến máu khẩn cấp và hiến huyết tương giàu tiểu cầu. Các câu lạc bộ này hoạt động theo tiêu chí sẵn sàng cho máu bất kể ngày đêm. Điều này cũng góp phần tạo ra con số thống kê khá ấn tượng: từ năm 2012 đến nay, phường Cam Nghĩa đã vận động được 150 đơn vị máu, vượt chỉ tiêu được giao, góp phần điều trị và cấp cứu kịp thời cho nhiều bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Hiến máu có lẽ là cơ sở ban đầu giúp người phụ nữ trẻ tuổi, nhân hậu ấy đi đến một quyết định mạnh bạo - hiến xác.
Chị hồ hởi: “Mình được đi dự các lớp tập huấn về công tác nhân đạo, nghe đài, đọc báo thấy Việt Nam bây giờ có nhiều người bị căn bệnh hiểm nghèo, chỉ có thể sống khi được ghép mô hoặc các bộ phận như tim, phổi… Hơn nữa, con người sinh ra không vĩnh cửu, chết là trở về với cát bụi, nên mình muốn sau khi qua đời có thể chia sẻ nỗi đau, sự bất hạnh của những người khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo”. Bởi vậy chị đã tìm hiểu, rồi đăng ký tham gia hiến xác tại Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh.
“Nhiệt tình, có tấm lòng nhân hậu, sống nghĩa tình, biết yêu thương giúp đỡ người khó khăn…” là những ngôn từ đẹp đẽ mà Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh Khánh Hòa, Nguyễn Thị Nhung và nhiều người dân trong vùng dành để nói về chị Trần Thị Mai. Điều này cũng thật dễ hiểu khi biết chị cũng tích cực tham gia hoạt động từ thiện, xã hội. Chị thường phối hợp với các chi hội, tổ dân phố tổ chức nhiều hoạt động trợ giúp người có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em mồ côi, bị khuyết tật, trẻ em nhiễm HIV, người lang thang cơ nhỡ, người già neo đơn không nơi nương tựa hoặc những người bị bệnh hiểm nghèo, tai nạn đột xuất, nạn nhân chất độc da cam…
Bếp ăn tình thương Bệnh viện Cam Ranh cũng là nơi chị thường xuyên lui tới giúp đỡ, ủng hộ kinh phí hàng năm. Bên cạnh đó, chị Mai còn vận động hội viên phụ nữ, chữ thập đỏ mua chổi, tăm ủng hội Hội Người mù thành phố Cam Ranh; quyên góp ủng hộ đồng bào bão lụt miền Trung; gây quỹ giúp đỡ phụ nữ có chồng công tác ở huyện đảo Trường Sa có hoàn cảnh khó khăn; ủng hộ quần áo, sách vở, lương thực, thực phẩm cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, chị từng tham mưu cho hai hội Phụ nữ và Chữ thập đỏ phường nhận đỡ đầu 3 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Bản thân chị cũng nhận đỡ đầu cháu Nguyễn Văn Khánh (Tổ dân phố Hòa Bình) và cháu Trần Thúy Hằng (Tổ dân phố Nghĩa Quý) - hai trẻ mồ côi, bị bệnh hiểm nghèo…
Với những nỗ lực không mệt mỏi, chị Trần Thị Mai đã được các cấp, ngành tặng nhiều bằng khen, giấy khen. Đặc biệt, chị vừa vinh dự đại diện cho tỉnh Khánh Hòa tham dự Lễ vinh danh 100 người hiến máu tiêu biểu Việt Nam năm 2014, tại Hà Nội.
Mỹ Bình