Thấy đây là hủ tục và cần bãi bỏ, chị Nguyễn Thị Đông, người phụ nữ Chăm ở xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) đã không ngần ngại vận động người dân bước qua những tục lệ tôn giáo khắc nghiệt để đồng bào hai đạo cùng hòa hợp sinh sống. Đấy chính là chị Nguyễn Thị Đông, người phụ nữ dám nghĩ, dám làm và đã xóa đi hủ tục ấy.
Đó chính là hủ tục khắc nghiệt đã kéo dài từ nhiều đời nay, gây không ít khó khăn cho tình cảm đôi lứa hai đạo. Chính từ "khuôn phép" khắc nghiệt ấy, nhiều đôi lứa đã rơi vào vòng luẩn quẩn, không tìm được lối thoát khi lỡ yêu đương.
"Trước đây, việc trai gái hai đạo có tình cảm và đi đến thân mật nhưng chẳng thể đến với nhau, nhưng tôi nghĩ, đã là người cùng thôn, cùng xóm và cùng một mảnh đất sinh sống với nhau hàng trăm năm, vậy tại sao lại không thể lấy nhau và chung sống với nhau?", chị Đông tâm sự. "Nghĩ rồi làm, tôi bỏ thời gian đi vận động từng nhà, đi thuyết phục hết các sư cả trong làng và kể cả một số già làng, chức sắc đạo Bàlamôn. Ban đầu mọi người phản đối dữ dội và cho rằng tôi là người đã phạm quy truyền thống đạo đức tôn giáo. Thế nhưng từ năm này sang năm khác, công sức tuyên truyền của tôi cũng đã mang lại hiệu quả bước đầu, dần dà mọi người cũng xuôi nghe và thực hiện. Thế là vào năm 2004, đám cưới đầu tiên của đôi trai gái hai đạo cũng đã diễn ra, cưới xong mọi người trong làng ai nấy cũng cảm thấy hạnh phúc vì hủ tục cũ kỹ đã đổi thay nhưng bên cạnh đó ai cũng lo lắng bởi các sư cả thì tổ chức họp làng liên tục để "bàn kế sách" ứng phó nếu như có chuyện "bề trên" trách phạt thì còn tính chuyện cúng kính van xin thứ tha. Thế nhưng qua hơn một năm, trách phạt chẳng thấy đâu, chỉ thấy đôi vợ chồng này sinh ra một cháu gái thật kháu khỉnh, lúc đó mọi người trong làng ai cũng mừng và tin rằng điều mình nói là đúng và không phải lo nữa. Kể từ đó, hủ tục giữa hai đạo được xóa bỏ, các sư cả cũng hồ hởi ra mặt vì tin theo mình mà không có chuyện gì", chị Đông hồi tưởng.
Từ xưa nay, theo tục lệ, cộng đồng người Chăm theo đạo Bàlamôn, khi có người mất phải xem ngày tốt để thiêu trên đống lửa chứ không chôn cất như người Chăm theo đạo Bàni, đôi khi để cả tháng vì chưa xem được ngày lành tháng tốt, lúc ấy cái xác cũng đã dần bị phân hủy, bốc mùi và gây ô nhiễm môi trường. Thấy vậy, chị Đông đã trăn trở, rồi cùng chị em vận động, kiên trì đi tuyên truyền theo kiểu mưa dầm thấm lâu. Thế rồi tục lệ người chết phải xem ngày để thiêu rồi đưa tro đi chôn cũng dần bỏ đi. Đến nay, hủ tục thiêu người mất chờ ngày của đạo Bàlamôn đã không còn làm như trước nữa, ai chết đều đem đi chôn cất ngay. Không những thế, chuyện ma chay để cúng kính cho người đã mất tổ chức thật linh đĩnh và xa hoa trước đây cũng dần được bãi bỏ. Trước đây, tục lệ của người Chăm đạo Bàni quy định, hễ có người mất thì người nhà phải đâm trâu để cúng kính, có những nhà khi cúng kính xong phải làm dài cổ mới mong trả hết nợ. Chị Đông lại tiếp tục vận động, thành lập tổ tuyên truyền để đồng bào cùng hiểu. Chị cho biết: "Tục lễ thì vậy, không ai dám bỏ nhưng cũng phải xem lại, chứ nếu không thì khổ cả đời. Chuyện đó là lòng thành kính thôi, không ai dám cản nhưng nhà nào khá thì làm to, khó khăn thì mọi người trong xóm xúm vào giúp đỡ mỗi người một ít để làm miễn là có lòng thành thôi, chứ nếu không tốn kém lắm". Nhiều chị trong thôn kể, hễ trong làng có chuyện gì là chị Đông cùng mấy chị em trong tổ đến tận nhà khuyên giải, dần dần mọi người xem chị như người nhà, có gì đều nhờ chị giúp chứ không nhờ chính quyền can thiệp.
Đến thăm các chị trong tổ phụ nữ ở các thôn xóm của xã Phước Thuận, chúng tôi thấy tổ nào tổ nấy ai cũng lấy ra khoe hũ gạo tình thương của xóm và tổ mình, đây cũng là kết quả do chị Đông phát động, gây dựng nên, lúc đầu thì trong thôn, sau lan ra toàn xã, hũ gạo của xóm nào cũng có từ 300 kg đến 400 kg, đủ chia sẽ và giúp đỡ chị em khó khăn vào mùa giáp hạt, không gia đình nào trong thôn bị đói. "Có được như vậy, rõ ràng vị thế của chị em trong gia đình và xã hội sẽ quan trọng hơn", chị Đông tâm sự.
Bà Nguyễn Thị Hồng Gái, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Phước Thuận nhận xét, tuy đã ngoài 60 tuổi, nhưng chị Đông luôn là gương sáng của phụ nữ xã. Nhờ chị mà rất nhiều hủ tục của đồng bào trước đây không ai dám nói đến nay đã được bãi bỏ. Mô hình hủ gạo tình thương của chị được Hội phụ nữ xã đã phát động và nhân rộng ra trong toàn xã, hiện đã phát triển được 25 hủ gạo tình thương ở hầu hết các thôn, xóm. Mô hình này cũng đã được Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam ghi nhận và xem đây là mô hình điểm cần nhân rộng ra trong cả nước.
Công Thử