Người phụ nữ hiện đại cũng cần phải biết tổ chức

“Một tiếng nói gây ngạc nhiên của Việt Nam mới”- Daniel Sneider, nhà báo Mỹ, đã nhận xét như vậy về “nữ chính khách” Tôn Nữ Thị Ninh(ảnh), một trong 8 gương mặt phụ nữ Việt Nam đương đại được trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (Hà Nội). Nhân dịp 8/3, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với bà về vai trò của người phụ nữ trong gia đình hiện nay.

Thưa bà Tôn Nữ Thị Ninh! Được biết bà là hậu duệ của Hoàng tộc nhà Nguyễn, sinh ra tại Cố đô Huế, được thừa hưởng sự giáo dục toàn diện trong một gia đình truyền thống. Điều đó có ảnh hưởng gì tới bà, để làm nên một “nữ chính khách” Tôn Nữ Thị Ninh có một gia đình hạnh phúc và viên mãn như hiện nay?

Tôi được lớn lên trong một gia đình truyền thống, mà ở đó tiền bạc chưa bao giờ được coi là động lực hay giá trị chính. Cha mẹ tôi hành động theo tình thần tự trọng và tự lực nên cũng bồi dưỡng cho chúng tôi tính cách đó. Mẹ tôi thấm nhuần đạo Phật, luôn dạy chúng tôi tiết kiệm không lãng phí, thương người, biết nhìn xuống những người kém may mắn hay cực khổ hơn mình để nếu có cơ hội, thì cũng giúp đỡ họ; hoặc chí ít cũng bớt ích kỷ, sống đức độ hơn.

Cá nhân tôi nghĩ rằng, nếu loại bỏ những qui tắc bảo thủ về tôn ti trật tự nhưng giữ lại một khuôn khổ trật tự dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, thương yêu nhau, và những giá trị đạo đức truyền thống phù hợp với hoàn cảnh xã hội ngày nay thì sẽ đảm bảo một cuộc sống gia đình bền vững.


Bà là một phụ nữ thành đạt trên nhiều phương diện. Nhà báo Mỹ Daniel Sneider nhận xét là “Một tiếng nói gây ngạc nhiên của Việt Nam mới”. Vì thế cho nên không có gì đáng phải ngạc nhiên khi bà còn được ngưỡng mộ như là một đại diện cho trí tuệ và sắc đẹp, là một hình ảnh đại diện của phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới. Đóng nhiều “vai” như vậy, bà đã vượt qua những thách thức của gia đình trong quá trình hội nhập và phát triển như thế nào?

Theo tôi, trong quá trình hội nhập và phát triển, thách thức lớn nhất của gia đình là phải làm thế nào để gia đình thực sự là chỗ dựa tinh thần, vừa là cái ‘lưới” an toàn cho mỗi thành viên. Tôi quan niệm, gia đình trong thời đại phát triển cần được xác định thái độ và phương châm đối với mối quan hệ giữa cái chung và cái riêng, giữa truyền thống và hiện đại. Không nên gò ép, bắt buộc mỗi thành viên trong gia đình phải làm theo một khuôn mẫu nhất định, mà phải làm thế nào để gia đình thực sự là nơi tạo không gian cho mỗi cá nhân phát huy được năng lực của mình. Một thách thức của gia đình trong thời đại phát triển, hội nhập là phải cởi mở và giao tiếp với quốc tế. Cởi mở để tiếp nhận sự văn minh hiện đại, đón những “luồng gió mới” từ bên ngoài; giao tiếp để nâng cao tầm văn hóa. Tuy nhiên, theo tôi, điều quan trọng là trong quá trình cởi mở và giao tiếp đó, gia đình Việt Nam phải thể hiện được bản sắc văn hóa riêng và tinh nhân bản truyền thống của dân tộc. Có lẽ vì vậy mà tôi đã (tạm gọi là) thành công chăng?

Để trở thành người phụ nữ hiện đại, vừa thành đạt trong xã hội, đồng thời tổ chức được một gia đình hạnh phúc… người phụ nữ cần phải có những yếu tố gì, thưa bà?

Biết tự lập, có bản lĩnh, có chí hướng, tự trọng và có năng lực chuyên môn… là một người phụ nữ hiện đại! Tương tự, một xã hội phát triển đòi hỏi phải dung hòa nhiều yếu tố khác nhau, vì thế người phụ nữ hiện đại cũng cần phải biết tổ chức. Ví dụ, trước đây, chuyện bếp núc là dành cho phụ nữ, đàn ông không phải nhúng tay vào, thì mới được hòa khí trong gia đình, họ hàng… Thế nhưng bây giờ, nếu biết cách sắp xếp, tổ chức khéo, phụ nữ không nhất thiết phải xuống bếp, tự tay nấu nướng rồi bày biện cỗ bàn mà vẫn có những mâm cơm, bữa tiệc, quan hệ đối nội đối ngoại. Trong hạnh phúc gia đình, người phụ nữ cũng nên và cần chủ động tiếp cận vấn đề. Họ phải biết hạnh phúc của mình không phải từ trên trời rơi xuống mà phải thường xuyên vun đắp. Như cái cây sau khi trồng thì phải chăm sóc, tưới tắm thì mới trở nên xanh tốt, rồi đơm hoa kết trái không thì nó sẽ chết khô. Khi gặp khó không than thở, không ngại gian khổ, không lệ thuộc… mà phải biết tìm cách giải quyết. Như vậy thì tất sẽ thành công!

Thưa bà Tôn Nữ Thị Ninh, sự tự do, bình đẳng trong gia đình nên được hiểu như thế nào? Có cần không? Xin bà có thể cho biết quan điểm của mình về vấn đề này?

Tự do, bình đẳng là sự tiến bộ không chỉ nên có trong mỗi gia đình mà còn là điều mong muốn đạt được ngoài xã hội. Thế nhưng, theo tôi, tự do và bình đẳng trong gia đình cũng nên sòng phẳng. Nghe thì có vẻ hơi kinh tế thị trường nhưng đúng là cần phải có những điều ấy. Trong cuộc sống hiện đại, các cặp gia đình trẻ hiện nay đang có xu hướng thích được sống riêng cho tự do. Không sống chung với bố mẹ có nghĩa là họ không bị chi phối, thích làm gì thì tùy, tự do hưởng thụ, tự do cống hiến. Thế nhưng, một điều bất cập là mỗi khi có khó khăn hay gặp bất trắc gì… thì chính họ lại không tự mình giải quyết mà tìm về “cầu viện” bố mẹ. Tại sao con cái chỉ muốn hưởng thụ những thuận lợi, còn khó khăn lại đòi hỏi bố mẹ “chia lửa”? Họ không hiểu được rằng, bố mẹ cũng có lúc mệt mỏi, cũng cần được con cái giúp đỡ…

Thực tế chứng minh, duy trì cuộc sống chung nhiều thế hệ trong một gia đình không phải việc dễ dàng trong thời hội nhập, thế nhưng mỗi thành viên đều cố gắng thì điều đó vẫn có thể!

Thực tế cho thấy, có những người phụ nữ vì muốn phấn đấu cho sự nghiệp mà sao nhãng việc gia đình, dẫn đến những rạn nứt và đổ vỡ trong hôn nhân…

Với những người phụ nữ mong muốn hướng đến những vị trí cao trong xã hội, nếu không biết thu xếp, vun vén cho gia đình, rất dễ sao nhãng bổn phận làm vợ, làm mẹ. Đó là thiên chức của người phụ nữ, không chỉ ở riêng Việt Nam mà của tất cả phụ nữ trên thế giới. Làm thế nào để dung hòa được cả hai là điều không dễ!

Hiện nay, tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh và mạnh mẽ. Tuy nhiên, khoảng cách về nhận thức, cuộc sống, xã hội… giữa phụ nữ nông thôn và thành thị không vì thế mà được kéo lại gần hơn. Theo bà lý do vì sao?

Đúng là giữa phụ nữ nông thôn và thành thị, đặc biệt là phụ nữ vùng sâu, vùng xa còn một khoảng cách khá lớn về kiến thức xã hội, điều kiện sống, thu nhập, về cơ hội để phát triển… Khoảng cách này không chỉ tiềm ẩn những vấn đề bất ổn như đói nghèo, bạo lực gia đình, nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em, tệ nạn xã hội… Nguyên nhân thì có nhiều và để giải được “bài toán khó” này không phải có thể thực hiện được trong ngày một ngày hai.

Thành đạt trong cuộc sống, có một mái ấm gia đình hạnh phúc, được nhiều người yếu mến, quí trọng… Đó là niềm mơ ước của nhiều phụ nữ. Thưa bà Tôn Nữ Thị Ninh, xin mạn phép hỏi câu này, nếu như bắt buộc phải lựa chọn giữa gia đình và sự nghiệp, bà sẽ chọn…

Nếu được chọn cả hai là tốt nhất! (cười). Nhưng, nếu bắt buộc (giả sử thôi nhé) chỉ được phép chọn một, tôi sẽ cân nhắc chọn cái… ít xấu nhất. Nhưng ở đời làm gì có chữ “nếu”, phải không bạn!?

Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện thú vị này!

Khánh Linh - Minh Anh (thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN