Người phụ nữ thực hiện kế ly gián trong trận Phai Khắt

Trận đánh đồn Phai Khắt, trận đánh đầu tiên của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam, với chiến thuật "Vận dụng lối đánh du kích, bí mật, nhanh chóng, tích cực... lai vô ảnh, khứ vô tung" đã đi vào lịch sử như một trang vàng đầu tiên của quân đội ta. Nhiều công trình nghiên cứu đã đề cấp đến trận công đồn lịch sử này, nhưng có một chi tiết rất ít được nhắc tới đó là nghệ thuật ly gián được triển khai trong trận đánh. Và điều thật bất ngờ, người trực tiếp thực hiện kế sách này lại là một phụ nữ.

Nấu cơm nuôi Đại tướng

Theo những thông tin của Phòng Tổ chức Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Đạ Tẻh (Lâm Đồng), chúng tôi tìm về thôn 9 - thị trấn Đạ Tẻh với mục đích "tìm gặp người phụ nữ từng nấu cơm cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong giai đoạn từ năm 1941 - 1944". Ở tuổi gần 90, cụ Nông Thị Lỵ (sinh năm 1917 tại làng Phai Khắt, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) vẫn còn hết sức minh mẫn.

Bà Nông Thị Lỵ (thứ nhất từ trái qua) thăm Phủ Chủ tịch.


xCụ Lỵ kể lại: Lần đầu tiên cụ gặp Anh Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) tại làng Phai Khắt là vào năm 1941, anh Văn có nói với cụ "Nước Việt Nam mất dưới ách nô lệ của Pháp, mình phải tuyên truyền dân vào Hội Việt Minh để đánh Pháp giành lại đất nước". Sau đó, trong thời gian lưu lại hoạt động tại huyện Nguyên Bình, anh Văn thường xuyên lui tới nhà cụ Nông Văn Báo (bố đẻ của cụ Nông Thị Lỵ). Nhớ lại giai đoạn lịch sử này, cụ Lỵ kể: "Căn nhà sàn của gia đình tôi vững chắc có 4 buồng, hàng ngày anh Văn cùng một người nữa ở trong một buồng kín nhất, khách đến nhà cũng không thể biết được, tối đến các anh mới đi tuyên truyền vận động". Cô gái trẻ Nông Thị Lỵ hàng ngày phụ với mẹ là bà Nông Thị Phổi lo cơm nước và canh phòng cho anh Văn làm việc, hôm nào nhà có người đến chơi thì phải mang cơm vào buồng cho 2 đồng chí.

Trong suốt buổi sáng trò chuyện với cụ Lỵ, chúng tôi đã bị "lệch đề cương" hoàn toàn bởi câu chuyện về "Người phụ nữ từng nấu cơm cho Đại tướng" lại không phải là phần chính trong ký ức của cụ. Ngước nhìn chúng tôi với đôi mắt nhân từ toát lên sự tinh anh, minh mẫn, cụ hỏi một câu bất ngờ: "Các cháu biết trận đánh đồn Phai Khắt chớ?". Có nắm khá kỹ về kiến thức về lịch sử quân đội nhưng tôi vẫn trả lời: "Cháu biết nhưng không được nhiều lắm", câu chuyện như được khơi đúng mạch, cụ Lỵ bắt đầu kể một cách tường tận.

Sơn nữ khai triển kế ly gián

"... Sáng đó (ngày 24/12/1944) anh em trong Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân đã kéo về ém sẵn trong khu vực hai bên bờ suối Hoằng Bẻ (chảy qua làng Phai Khắt), đồng chí Văn nói với tôi: "Đồng chí à! Phải đánh lấy đồn Phai Khắt cho dễ hoạt động". Kế hoạch đánh đồn được hoạch định kỹ lưỡng, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân thống nhất hành động nhanh gọn, bằng mọi giá phải đánh thắng nhưng hạn chế việc nổ súng.

Chiến thuật đánh du kích được thông qua, trong đó cụ Nông Thị Lỵ được đồng chí Văn giao nhiệm vụ tìm cách lôi kéo lực lượng lính dõng bảo vệ ra khỏi đồn để đến giờ hành động quân ta tiến vào đồn tránh được sự phản kháng. Thực hiện kế "điệu hổ li sơn" này, trưa 24/12/1944, cô gái trẻ Nông Thị Lỵ bắt đầu đưa lúa ra giã để làm bánh tráng và bánh cuốn, đây là nghề truyền thống của gia đình. Mục đích chính của việc giã lúa là để kéo bọn lính dõng từ đồn Phai Khắt qua phụ giúp. Kế hoạch sớm thành công khi chỉ một lúc sau đã có 8 tên lính dõng kéo qua nhà vừa phụ giúp vừa tán tỉnh cô sơn nữ sắc nước hương trời.

Để giữ chân chúng, Nông Thị Lỵ còn bày thêm trò "đoán gạo có thưởng" (một thúng gạo có bao nhiêu đấu?)... để mấy chàng lính dõng tranh giành nhau. Đến khoảng 16 giờ thì Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã áp sát đồn Phai Khắt, sau một hiệu lệnh xung phong nhanh gọn của đồng chí đội trưởng Hoàng Sâm, tất cả 34 chiến sỹ đã xông lên chiếm lĩnh và khống chế toàn bộ đồn Phai Khắt; trong chốc lát những tên lính còn lại đã bị trói chặt. Chúng ta chỉ mất hai viên đạn để giết chết tên đồn trưởng và con ngựa của nó bên bờ suối Hoằng Bẻ trước đó mấy phút. Sau khi quân ta đã làm chủ đồn, cô gái Nông Thị Lỵ ra trước nhà và hô to "Bớ! lính đâu về nhanh, đồn bị chiếm rồi", số lĩnh dõng đang vui vẻ với trò "đoán gạo" hốt hoảng chạy về chưa kịp có một phản ứng nào đã bị bắt trói toàn bộ.
Trận đánh thành công còn có sự góp công của ông Nông Văn Báo, bố đẻ của Nông Thị Lỵ. Vốn là một người rất giỏi tiếng Pháp, ông Báo thường được tên đồn trưởng đồn Phai Khắt mời làm thông ngôn mỗi khi nó có việc đi vào làng, cụ Báo cũng là người duy nhất trong làng Phai Khắt được ra vào đồn mỗi khi tên đồn trưởng này cần đến. Nhờ cơ hội này, ông Báo nắm được toàn bộ cách bố phòng và hoạt động trong đồn, báo lại cho đồng chí Văn và đội trưởng Hoàng Sâm.

Thành công của trận Phai Khắt là sự phối hợp tuyệt vời của nghệ thuật chiến tranh du kích, trong đó có sự đóng góp một phần không nhỏ của người phụ nữ dân tộc Tày - Nông Thị Lỵ. Hơn 60 năm trôi qua, cụ Lỵ vẫn còn nhớ: Sau trận công đồn, cụ đã chuẩn bị một bữa cơm chiều (có cả bánh tráng và bánh cuốn) cho anh em trong Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân nhưng những chiến sỹ đã không có thời gian để ăn cơm sau trận đánh, tất cả đều phải nhanh chóng rút vào rừng để chuẩn bị cho trận đánh đồn Nà Ngần (cách đồn Phai Khắt 15 km) toàn thắng vào 7 giờ sáng hôm sau (ngày 25/12/1944). Sau khi Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân rút đi, cụ Lỵ cùng với bà con làng Phai Khắt ở lại dọn dẹp toàn bộ hiện trường của trận đánh, chôn cất tên đồn trưởng cùng với cả con ngựa của nó bên bờ suối Hoằng Bẻ và dùng nước xóa sạch toàn bộ dấu vết...

3 năm sau ngày diễn ra trận Phai Khắt, Nông Thị Lỵ được vinh dự kết nạp vào hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam và tới năm 1948 lấy chồng (ông Dương Trọng Chưởng - cũng là một chiến sỹ tham gia Mặt trận Việt Minh).

Ngày gặp chúng tôi, cả hai đều sắp bước vào tuổi chín mươi và đều có gần 60 năm tuổi Đảng nhưng hai cụ vẫn còn khỏe mạnh. Hàng ngày, hai ông bà vẫn tham gia lao động chăn nuôi cùng với gia đình người con trai duy nhất (ông Dương Trọng Thanh - cựu chiến binh chống Mỹ). Trong ngôi nhà nhỏ đơn sơ nhưng ngăn nắp và ấm áp, trên tường treo dày những Bằng có công với nước, Huy hiệu Đảng, Huy chương Kháng chiến... Cụ Nông Thị Lỵ cho biết: "Gia đình tôi trọn đời cống hiến cho cách mạng, trong chiến tranh chỉ có một đứa con duy nhất chúng tôi cũng động viên con vào miền Nam chiến đấu bảo vệ Tổ quốc".

Bài và ảnh: Sơn Tùng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN