"Gia tài đài cassette" đồ sộ
Ngôi nhà của ông Nguyễn Xuân Thủy ở quận Long Biên, Hà Nội, nổi bật giữa “ma trận” các số nhà xung quanh, bởi có thiết kế rất khác biệt với khung sắt chống trộm kiên cố, cửa thoát hiểm cao ngun ngút, bao bọc xung quanh. Có lẽ chủ nhân của ngôi nhà muốn yên tâm khi giữ gìn các "báu vật" của minh.
Bước vào nhà, tôi ngay lập tức bị thu hút bởi không gian ấm áp, cầu thang gỗ mộc mạc, gợi nhiều ký ức xưa cũ. Theo chân ông Thủy lên tầng hai, tôi ngỡ mình lạc vào "bảo tàng đài cassette", với hàng trăm, hàng nghìn chiếc đài được sắp xếp ngay ngắn, cẩn thận. Những chiếc đài cassette được phủ lên một lớp khăn bông bay làm căn phòng “bê tông”, cửa kính hiện đại bỗng nhuốm màu hoài niệm về thời bao cấp đã qua, về thời “thống trị huy hoàng” của những chiếc đài cassette.
Bắt đầu sưu tầm đài cổ từ năm 2017, hiện tại “gia tài” đài cassette cổ của ông Nguyễn Xuân Thủy - chủ nhiệm Câu lạc bộ Sưu tầm đài cassette là niềm ao ước của nhiều nhà sưu tầm. Nhớ về thuở niên thiếu, khi điều kiện kinh tế gia đình còn khó khăn, ông Thủy cho biết,ông và những người bạn đồng trang lứa luôn khao khát được sở hữu một chiếc cho riêng mình. Đó cũng là động lực để ông bắt đầu và nuôi đam mê sưu tầm đài cổ.
Trong căn nhà riêng, ông Nguyễn Xuân Thủy "ưu ái" dành một gian phòng 20m2 để trưng bày những "chiến lợi phẩm" cassette sưu tầm được. Nhưng đó chỉ là một phần nhỏ trong bộ sưu tập của ông. Nhiều chiếc đài cassette hiện đang được trưng bày, cho thuê tại hơn 60 quán cà phê trên khắp cả nước. Đây cũng chính là một nguồn thu nhập giúp ông Thủy nuôi dưỡng đam mê sưu tầm đài cassette trong nhiều năm qua.
Ông Thủy cho biết để sở hữu bộ sưu tập đài "khủng" như hiện tại, ông đã dành bao tâm huyết "săn lùng" trong và ngoài nước. Ông lặn lội sang các chợ đồ cũ ở Campuchia, Nhật Bản; thức tới 2 - 3 giờ sáng canh phiên đấu giá trực tuyến trên eBay,... Khó khăn là thế nhưng mỗi khi "đón" được những chiếc đài cassette về, cảm nhận “bằng da bằng thịt”, ông Thủy cảm thấy xứng đáng với công sức, tâm huyết mình bỏ ra.
Khi được hỏi về số lượng đài cassette hiện đang sở hữu, ông chỉ cười: "Có thể là hơn 1.000, gần 2.000 hoặc hơn nữa. Đến giờ này tôi đã không còn đếm nữa vì sưu tầm nhiều quá, khả năng tương lai sẽ còn nhiều hơn nữa... Chúng ta cứ sưu tầm đến khi nào không đủ khả năng hoặc không đủ điều kiện để thực hiện”- ông Thủy chia sẻ.
Trong hành trình tìm lại ký ức xưa thông qua những chiếc đài cổ, không ít lần ông Thủy vỡ òa cảm xúc khi được gặp gỡ, giao lưu với những người bạn mới, được họ yêu mến và dành nhiều tình cảm trân trọng. Trong đó, ông nhớ mãi về người bạn Nhật Bản và chiếc đài cổ ông được tặng.
Năm 2019, ông Thủy chia sẻ bộ sưu tập đài cassette của mình cùng niềm đam mê đài cổ lên mạng xã hội, tình cờ nhận được sự yêu thích của nhiều bạn bè trên mạng, trong đó có một bạn người Nhật Bản. Sau những lần trao đổi, chia sẻ cả hai dần trở nên quý nhau, coi nhau như bạn bè. Chính người bạn Nhật Bản đã hào phóng gửi tặng ông Thủy chiếc đài có nét cổ kính với model là Toshiba RH-506 được sản xuất từ đầu thập niên 60.
“Rất nhiều người chơi đến nhà muốn sở hữu, sưu tầm chiếc đài này (Toshiba RH-506), nhưng vì tôi cũng thích chiếc đài và trân quý tình cảm mà người bạn Nhật đã giành cho mình nên tôi không bán dù giá có cao như thê nào”- ông Thủy chia sẻ.
Nhờ những chiếc đài cassette, ông Thủy còn có thêm những người bạn tâm giao. Ông Nguyễn Trọng Tuấn luôn là người anh em thân thiết trong câu lạc bộ sưu tầm đài cassette, người có tay nghề "sành sỏi" trong giới sửa chữa âm thanh. Mỗi khi có "ca khó", ông Tuấn luôn sẵn sàng hỗ trợ ông Thủy bất kể thời gian.
Ông Tuấn cho biết: “Ngay đêm qua, khi hai anh em đi chơi về, anh Thủy bảo “cấp cứu” cho anh chiếc đài Sharp 939, đó là chiếc đài mang hoài niệm của anh em. Ngay trong đêm tôi đã “cấp cứu” chiếc đài và sáng mang đến nhà cho anh Thủy”.
Chia sẻ về chiếc đài Sharp WF-939ZP, ông Thủy cho biết, đây là chiếc Radio Cassette có giá trị cao và chất lượng hàng đầu vào thập niên 80. Chiếc đài này chủ yếu được người đi lao động hợp tác tại Cộng hòa Liên Bang Đức mang về Việt Nam.
Mỗi hành trình tìm về những ký ức xưa, được giao lưu, gặp gỡ với những người có cùng đam mê, sở thích giống mình, đó là điều mà ông Thủy cảm thấy trân quý nhất. Những chiếc đài cassette tưởng chừng là những vật vô tri vô giác, “dần” bị lãng quên, nhưng ở hiện tại, chúng đã trở thành cầu nối, gắn kết quá khứ và hiện tại, kết nối những con người xa lạ với nhau.
Sống dậy những ký ức xưa
Với mong muốn tạo ra một không gian tìm lại ký ức xưa cho những người đam mê radio, cassette, gần 3 năm nay, ông Thủy đã dụng công tìm hiểu, nghiên cứu nhiều mô hình chợ đồ xưa ở nước ngoài, cũng như các chợ đồ cũ ở Việt Nam. Đến đầu năm 2023, những phiên chợ cassette đầu tiên đã chính thức được tổ chức.
Chia sẻ về phiên chợ cassette xưa, gương mặt ông Thủy không giấu nổi niềm vui, niềm hạnh phúc. Sau nhiều năm ấp ủ, ý tưởng về phiên chợ cassette xưa đã được hiện thực hóa và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của mọi người.
“Rất mừng là ngay từ phiên chợ đầu tiên mọi người đến rất đông vui và hồ hởi với mô hình chợ. Mỗi tháng mở một phiên chợ tại quận Long Biên để anh em xung quanh Hà Nội có thể đến tìm lại ký ức xưa, người dân trong khu vực có thể tìm lại những món đồ của gia đình mình.”
Ngoài những phiên chợ tại Hà Nội, chợ phiên cassette đang ngày một lan tỏa ra các tỉnh thành như Hòa Bình, Hưng Yên...
Sau mỗi phiên chợ, ông Thủy nhiệt huyết lưu giữ những bức ảnh, những kỷ niệm cùng anh em trong câu lạc bộ sưu tầm đài. Ông say sưa, hãnh diện khi nói về những lần chia sẻ hình ảnh lên các diễn đàn, mạng xã hội nhận được sự khích lệ, động viên từ bạn bè trong nước và quốc tế.
“Ước gì ở Canada có một phiên chợ, ước gì ở Mỹ có một phiên chợ như thế này, các bạn làm rất tốt, các bạn thật tuyệt vời… Đó là những câu khích lệ rất vui và thú vị khi chúng tôi thực hiện thành công những phiên chợ. Đến hẹn lại lên chúng ta cùng nhau gặp gỡ tại những phiên chợ cassette xưa”- chủ bộ sưu tập đài cassette cổ chia sẻ.