Cũng từ cụm công trình này, GS Hiền đã truyền ngọn lửa say mê khoa học cho nhiều thế hệ để có được những tập thể khoa học, nhóm nghiên cứu mạnh.
Từ khát vọng nghiên cứu...
Với sản phẩm nổi bật nhất là chế tạo ra nam châm đất hiếm, loại nam châm mạnh nhất hiện nay, được thế giới biết đến và ứng dụng rộng rãi trong chế tạo nhiều loại thiết bị như: Đồng hồ đo nước, công tơ điện, thậm chí cả điện thoại di động... Cụm công trình nghiên cứu về đất hiếm của GS.TSKH Thân Đức Hiền, nguyên giảng viên khoa Vật lý, Đại học Tổng hợp (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội) đã mở đầu cho sự hình thành và phát triển của ngành khoa học vật liệu Việt Nam.
Khi được hỏi vì sao lại lựa chọn hướng nghiên cứu về vật liệu từ liên kim loại đất hiếm ở thời điểm những năm 80 của thế kỷ trước, lúc đó đất nước còn nhiều khó khăn, GS Thân Đức Hiền chia sẻ: “Thực ra, khi lựa chọn hướng nghiên cứu này chúng tôi đã nhận thấy, Việt Nam rất giàu tiềm năng về đất hiếm và mong muốn nghiên cứu này sẽ mở ra cơ hội để khai thác tiềm năng quý giá này cho sự phát triển của nhiều lĩnh vực”.
Một trong những định hướng của nhóm là nghiên cứu chế tạo nam châm đất hiếm có cường độ mạnh nhằm giảm bớt kích thước của thiết bị đồng thời tăng tính năng sử dụng của vật liệu đó.
Nhớ lại những năm tháng đầu tiên bắt tay vào nghiên cứu, GS Hiền kể: “Công trình được triển khai từ năm 1980, khi đó, nước ta còn nhiều khó khăn. Thiếu điện để chạy máy móc, thiếu thiết bị để thí nghiệm, nhân lực cũng còn non trẻ. Dù biết đây là hướng đi khó nhưng nhờ những nỗ lực chúng tôi đã đạt được thành công đầu tiên là hóa lỏng được heli ở nhiệt độ âm gần tuyệt đối là - 269 độ C. Đó cũng là một thành tích đáng tự hào của khoa học Việt Nam thời điểm đó và là thành tích mở đầu cho những bước nghiên cứu sau này”.
Kết quả sau 22 năm thực hiện, cụm công trình “Nghiên cứu cơ bản và định hướng ứng dụng các vật liệu từ liên kim loại đất hiếm - kim loại chuyển tiếp” đã công bố 80 bài báo trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín thuộc hệ thống ISI, tổng số trích dẫn tính đến năm 2015 là hơn 1.000 lần, như vậy ít nhất mỗi bài báo có 20 lần trích dẫn, bằng mức trung bình của các phòng thí nghiệm trên thế giới. Thành tích này đã góp phần nâng cao vị thế của khoa học Việt Nam trên thế giới.
Về định hướng ứng dụng, công trình đã làm chủ công nghệ chế tạo các nam châm đất hiếm cao cấp sử dụng nguyên liệu đất hiếm nước ngoài và cả của Việt Nam; chế tạo thành công nam châm Ce(CoCuFe)5 và nam châm Nd2Fe14B với năng lượng cao hơn 10 lần so với các nam châm truyền thống.
... đến khát vọng truyền lửa cho thế hệ trẻ
Trong cuộc đời giảng dạy của GS Thân Đức Hiền, ít ai biết rằng, ông còn là người đã đóng góp rất lớn sự ra đời Phòng thí nghiệm đầu tiên của Việt Nam về vật lý nhiệt độ thấp đặt tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội với sự giúp đỡ của các nhà khoa học Hà Lan. Say mê và dành nhiều công sức cho phòng thí nghiệm nhưng GS Thân Đức Hiền cũng luôn nhiệt huyết với sự nghiệp trồng người. Ông quan niệm ngoài đào tạo đại học thì công tác nghiên cứu khoa học là rất cần thiết để xây dựng một đội ngũ nhà khoa học mạnh. Ngoài nghiên cứu ra các sản phẩm, qua quá trình triền khai thực hiện cụm công trình, dưới sự hướng dẫn tận tình của GS Hiền, nhiều thế hệ nhà khoa học đã trưởng thành, trở thành những chuyên gia đầu ngành về khoa học vật liệu.
Giáo sư Thân Đức Hiền thực sự vui mừng và xúc động khi nhìn thấy các thế hệ học trò của mình dần trở thành những nhà khoa học “nòng cốt” của ngành khoa học vật liệu, đã và đang giữ những vị trí lãnh đạo tại các cơ sở nghiên cứu và đào tạo cấp quốc gia. Các thế hệ cũng theo gương ông nối tiếp nhau, dành tâm huyết cho ngành khoa học vật liệu, lĩnh vực được ưu tiên đầu tư hiện nay. Nhiều thế hệ học trò của GS.TSKH Thân Đức Hiền giờ đây đã trở thành đồng nghiệp của ông. Là lớp nghiên cứu sinh cuối cùng được GS.TSKH Thân Đức Hiền hướng dẫn, TS Lương Ngọc Anh cho biết: “Thầy Hiền có cách truyền lửa say mê cho học trò khá đặc biệt. Lúc đầu, thầy cũng không hối thúc nhiều hay tạo áp lực cho học trò mà thầy cứ hướng dẫn từng bước kiểu như mưa dầm thấm lâu. Đến lúc mình thấy kết quả, thấy yêu nghiên cứu thì mình hoàn toàn chủ động và đi theo hướng mà thầy đã hướng dẫn”.
GS. TSKH Thân Đức Hiền đã dành hàng chục năm cho một niềm đam mê, cho khát vọng kiếm tìm một loại vật liệu mới hữu ích. Hơn cả mong đợi, không chỉ là những kết quả tích cực đã đạt được về mặt khoa học, thành công lớn nhất của công trình lại chính là đào tạo. Ngọn lửa say mê khoa học của các bậc tiền bối như GS Hiền đã và đang được truyền lại cho các thế hệ trẻ tiếp nối và phát huy.