Bác sĩ Trương Thị Thu Hương châm cứu cho bệnh nhân điều trị thoái hóa cột sống. Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN |
Đây chính là kết quả của những nỗ lực, phấn đấu không ngừng nghỉ trong suốt hơn 20 năm qua của nữ bác sĩ người dân tộc Tày có dáng hình nhỏ bé và đức tính khiêm nhường, giản dị...
Sinh ra trên miền rừng núi Ôn Lương (huyện Phú Lương, Thái Nguyên) có điều kiện kinh tế khá khó khăn nhưng từ nhỏ chị đã có mơ ước được trở thành người thầy thuốc chăm sóc sức khỏe cho bà con trong vùng. Niềm mơ ước ấy đã trở thành hiện thực khi cuối những năm 1980 chị đã vượt qua những khó khăn vất vả về điều kiện địa lý, điều kiện kinh tế để trở thành sinh viên của Trường Đại học y khoa Bắc Thái (nay là Đại học Y - Dược Thái Nguyên, thuộc Đại học Thái Nguyên).
Ra trường, rồi về công tác tại Bệnh viện y học cổ truyền Thái Nguyên từ năm 1995 với cương vị bác sĩ điều trị, bác sĩ Trương Thị Thu Hương luôn được đồng nghiệp đánh giá cao bởi tay nghề chuyên môn vững vàng. Lúc nào người bác sĩ nhỏ bé ấy cũng đam mê với cỏ cây, dược liệu, với những y thuật từ những cây kim nhỏ xíu trong phương thức châm cứu chữa bệnh...
Chị kể, quê chị nghèo, bà con khi bị bệnh thường tìm đến các ông lang, bà mế để xin thuốc, chữa bệnh. Chỉ từ những nắm lá, cây cỏ, đoạn rễ...hái từ trong rừng và tay nghề, kinh nghiệm của những thầy thuốc dân gian với các phương thức tác động rất đơn giản như: xoa bóp, bấm huyệt, sắc uống.. mà có rất nhiều người được cứu sống.
Đó cũng chính là vốn y học rất quý của dân tộc cần bảo tồn, phát huy và cũng là động lực thôi thúc chị nghiên cứu, tìm ra các phương pháp điều trị kết hợp với y học hiện đại để có thể nhân rộng trong công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Để nghiên cứu thành công một bài thuốc, một phương pháp điều trị, có khi chị phải tranh thủ thời gian rỗi lặn lội về các ông lang, bà mế, các cơ sở điều trị đông y, mày mò nghiên cứu hàng năm trời. Bằng những nỗ lực cá nhân, ngoài công việc chuyên môn tại bệnh viện, chị không ngừng học tập, nâng cao trình độ, từ bác sĩ chuyên khoa I y học cổ truyền lên bác sĩ chuyên khoa II...
Đặc biệt, từ năm 2007, những đề tài khoa học, nghiên cứu, điều chế thuốc chữa bệnh từ vốn y học cổ truyền do chị trực tiếp thực hiện như: "Đánh giá tác dụng của Bài thuốc Lục vị địa hoàng thang trong điều trị Đái tháo đường type 2", "Đánh giá tác dụng của Bài thuốc Lục vị quy thược gia giảm trong điều trị tăng huyết áp", "Đánh giá tác dụng của Bài thuốc Lục vị quy thược gia giảm trong điều trị rối loạn Lipit máu"... đã có kết quả tích cực, được Hội đồng khoa học của ngành đánh giá cao và áp dụng rộng rãi trong điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện y học cổ truyền Thái Nguyên...
Trong giai đoạn từ 2012 đến năm 2015, các đề tài khoa học của chị gồm: "Điều tra khảo sát các vị thuốc và đánh giá hiệu quả điều trị của 3 bài thuốc nam kinh nghiệm chữa sỏi đường tiết niệu", "Đánh giá tác dụng Hoàn An thần trong điều trí rối loạn giấc ngủ", "Đánh giá tác dụng của cao lỏng hoạt huyết thông mạch kết hợp Laser nội mạch trong điều trị thiểu năng tuần hoàn não mãn tính"... đã được giới chuyên môn cũng như Hội đồng khoa học công nhận, giúp cho nhiều bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh, có tính ứng dụng cao.
Bệnh viện y học cổ truyền Thái Nguyên nơi bác sĩ Trương Thị Thu Hương công tác là bệnh viện chuyên khoa hạng II có quy mô 170 giường điều trị nội trú với chức năng nhiệm vụ chính cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng, đào tạo cán bộ, nghiên cúu khoa học, chỉ đạo tuyến... nên công việc quản lý như chị khá bận rộn.
Tuy vậy, gần như ngày nào chị vẫn dành thời gian để trực tiếp thăm, khám bệnh nhân, lắng nghe tâm tư người bệnh và cả những đồng nghiệp, y bác sĩ. Với sự hỗ trợ tích cực của địa phương, bệnh viện đã được đầu tư nâng cấp về cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ công tác khám chữa bệnh, vì thế các chỉ tiêu kế hoạch chuyên môn hàng năm đều hoàn thành vượt mức từ 100 đến 300%, chất lượng điều trị được nâng lên theo từng năm.
Hiện tại, bệnh viện đã triển khai thêm một số dịch vụ kỹ thuật mới như: Ô xy cao áp lâm sàng, phẫu thuật trĩ bằng điện cao tần, điều trị u xơ tiền liệt tuyến bằng Laser, Laser nội mạch, Laser hồng ngoại tần số thấp, xông thuốc y học cổ truyền, tập vận động trị liệu, sản xuất chế phẩm thuốc y học cổ truyền...
Một số bệnh được bệnh viện điều trị có hiệu quả gồm: Liệt nửa người do tai biến mạch máu não, thiểu năng tuần hoàn não, các bệnh rối loạn chuyển hóa, bệnh về khớp và thần kinh, điều trị u xơ tuyến tiền liệt… đã thu hút nhiều bệnh nhân ở khu vực miền núi phía Bắc về điều trị.
Năm qua, bệnh viện đã điều trị nội trú cho hơn 4.400 lượt bệnh nhân, khám bệnh cho trên 5.200 lượt người, hầu hết các bệnh nhân sau khi khám, điều trị đều ổn định sức khỏe. Bệnh viện y học cổ truyền Thái Nguyên cũng là một trong những điểm sáng trên địa bàn về đánh giá y đức trong bệnh viện, tinh thần, thái độ phục vụ bệnh nhân luôn được đánh giá cao.
Cá nhân bác sĩ Trương Thị Thu Hương cũng nhiều năm liên tục được công nhận danh hiệu "Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh", được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế...
Chị tâm sự, là bác sĩ y học cổ truyền và có thêm trách nhiệm quản lý bệnh viện điều quan trọng nhất với chị là học hỏi, tận tâm với nghề, trau dồi y đức, y thuật, luôn quan tâm công tác đào tạo cán bộ, đặc biệt là đào tạo chuyên sâu và chuyển giao kỹ thuật, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị nhằm đáp ứng công tác khám chữa bệnh ngày càng cao.
Với cá nhân chị vẫn luôn mong muốn làm sao để sớm triển khai dự án xây dựng bệnh viện y học cổ truyền mới quy mô 400 giường bệnh, nghiên cứu thành công thêm nhiều bài thuốc y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại để điều trị tán sỏi ngoài cơ thể, điều trị bệnh trĩ bằng y học cổ truyền, sản xuất chế phẩm thuốc bằng dược liệu...
Với những thành quả nghiên cứu của chị trong thời gian qua, tin rằng những điều mong mỏi của người thầy thuốc ưu tú ấy sẽ sớm trở thành hiện thực, góp phần vào việc nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân quê hương cách mạng Thái Nguyên.