Người trong cuộc nói về vụ 'hôi nhãn' ở Quảng Bình

Những ngày qua, dư luận cả nước xôn xao trước sự việc xe ô tô đầu kéo container mang BKS 89C-01653 của công ty Cổ phần Bích Thị (tỉnh Hưng Yên) chở 17 tấn nhãn gặp tai nạn hôm 21/1 ở xã Hóa Thanh, huyện vùng cao Minh Hóa (Quảng Bình) đã bị người dân ở đây “hôi của” không thương tiếc.  Nhưng thực hư câu chuyện "hôi nhãn" này có thật sự như những gì đã được phản ánh?


Anh Đinh Xuân Bình, một trong các nhân chứng, kể lại câu chuyện nơi xảy ra tai nạn.


Trên một số trang mạng, nhiều độc giả đã gọi hành động “hôi của” đó bằng nhiều lời lẽ thật cay nghiệt như: Hành vi "man rợ", "ăn cướp", "vô cảm", "vô nhân đạo và vô nhân tính", "không tha thứ được"… Nhiều người còn khái quát để đánh đồng và đi đến kết luận giá trị đạo đức, nhân cách của người dân địa phương. 


Phóng viên TTXVN đã vượt gần 200 km để đến tận hiện trường vụ việc, gặp các nhân chứng, nhà chức trách để xác minh, tìm hiểu thông tin về vụ việc. 


Theo thông tin từ công an huyện Minh Hóa, khoảng 11h 30 ngày 21/1, xe đầu kéo container mang BKS 89C-01653 chở nhãn nhập khẩu từ Thái Lan về do anh Lê Văn Công điều khiển gặp nạn ở km 108+50 Quốc lộ 12A đoạn qua thôn Thanh Long, xã Hóa Thanh, huyện Minh Hóa. Sau khi nhận được thông tin, công an huyện Minh Hóa đã điện ngay cho đồn công an Hóa Tiến, công an xã Hóa Thanh - là nơi gần nhất - cử cán bộ đến ngay địa điểm tai nạn để bảo vệ hiện trường, giúp người bị nạn giải quyết sự vụ. 


Anh Phạm Hồng Sơn, trưởng công xã Hóa Thanh là một trong 3 cán bộ đến hiện trường sớm nhất, thuật lại: địa điểm xe bị tai nạn ở dốc Khàng quanh co, phía dưới là vực sâu hơn 80 m gần kề con suối có tên là Thác Cơn Bồn. 


“Khi tôi đến, trên mặt đường quốc lộ, đầu và khung xe container bị nạn nằm chổng chơ gây ách tắc giao thông, khiến hàng chục xe tải, xe khách phải dừng bánh trên một quảng đường dài. Phía dưới vực sâu, nơi thùng xe bị rơi vỡ khiến các thùng nhựa đựng nhãn và nhãn bay tung tóe khắp nơi...".


"... Lúc đó, có rất nhiều người hiếu kỳ đã xuống phía dưới để xem, một số còn nhặt hạt nhãn rơi vãi để ăn. Cá biệt, có duy nhất hai người bốc nhiều thùng đựng nhãn còn khá nguyên vẹn lên thuyền và định chở đi. Khi ấy, tôi và hai công an viên cũng đã xuống được dưới vực sâu nên yêu cầu và ngăn chặn không cho mọi người nhặt nhãn nữa. Hai lái thuyền trên suối cũng tự giác bốc trả lại bờ những thùng nhãn mà mình định chở đi… Lúc đó, không có lái xe hay bất kỳ người đại diện nào của nhà xe cả nhưng tất cả việc bảo vệ hiện trường đều được lực lượng công an thực hiện rất tốt”, anh Sơn khẳng định. 


Anh Sơn cho biết thêm khoảng 1 giờ đồng hồ sau đó, lái xe Lê Văn Công mới trở lại nơi xảy ra tai nạn để cùng phối hợp bảo vệ hiện trường và tài sản. Tiếp đó, phải đến hơn 14 giờ cùng ngày, đại diện công ty Bích Thị là ông Trịnh Văn Bảy cũng đã đến hiện trường. 


Anh Sơn còn khẳng định "trong quá trình bàn bạc, trao đổi, vì nhãn quá dập nát nên ông Bảy quyết định dừng bảo vệ để cho dân nhặt. Cũng vì vậy, lực lượng công an mới thôi và người dân mới vào nhặt”. 


Một trong những người cũng đến rất sớm trong vụ tai nạn này trước cả lực lượng công an là anh Đinh Xuân Bình (SN 1997, ở thôn Thanh Long, xã Hóa Thanh). Anh Bình dẫn chúng tôi đến tận hiện trường vụ tai nạn và cho biết: Do độ dốc quá lớn, vực lại sâu nên nhãn trong thùng xe bị vỡ văng ra nhiều nơi. Đa số bị dập nát, một số rơi vào trong các bụi cây, lẫn trong đất, cát.


Mới đầu, người dân vì hiếu kỳ xuống xem khá đông, có một số ít người nhặt những hạt nhãn rơi vãi để ăn nhưng sau đó thì lực lượng công an đến bảo vệ hiện trường nên họ thôi không nhặt nữa. Trong cả quá trình này, không có chuyện lái xe phải kêu van dân đừng lấy nhãn như một số thông tin dư luận nêu ra. “Sau đó, phía nhà xe và lực lực lượng công an thống nhất không bảo vệ nữa vì hoa quả hư hỏng quá nặng nên người dân mới được cho vào nhặt”, anh Bình nói. 


Còn anh Cao Ngọc Tí, trú ở thôn Thanh Lâm, xã Hóa Thanh, cũng là người hôm ấy có mặt trong vụ tai nạn, khẳng định: Nhãn bị hư hỏng như thế có cho thì dân mới nhặt ăn thôi, chứ không cho chẳng ai lấy làm gì. Với lại, nhãn bị nát, bị dập như vậy, nếu chủ xe có giữ lại, đưa được lên khỏi vực bán chắc cũng chẳng ai mua. 


Tại nơi xảy ra vụ tai nạn, chúng tôi cũng đã cố gắng xuống tận vực sâu nơi trước đó, thùng xe container rơi xuống thì phát hiện còn rất nhiều nhãn bị vỡ nát, bắt đầu thối nằm sát bên bờ suối, trong các lùm cây và trộn lẫn trong cát. Rõ ràng, trong quá trình được cho nhặt nhãn, người dân chỉ tìm lấy một ít phần còn khả dĩ dùng được, số còn lại không thể dùng thì bỏ lại nơi vực sâu…  


Biên bản tai nạn.


Toàn bộ nội dung này nằm trong tài liệu vụ việc hiện vẫn đang được lưu giữ ở Cơ quan công an huyện Minh Hóa và Chi cục Hải quan Cửa Khẩu Cha Lo như: Biên bản vụ tai nạn giao thông này với chữ ký xác nhận của lái xe Lê Văn Công cùng cán bộ công an xã Hóa Thanh.


Trong biên bản này phần hậu quả có ghi rõ rằng: “Xe hư hỏng nặng, con tai nơ (container-PV) rơi xuống vực sâu hàng hóa hư hỏng hoàn toàn không sử dụng được”. Và ngay cả 12 thùng nhãn được anh Sơn cho là nguyên vẹn nhất được lực lượng công an giữ lại cho chủ xe nhưng khi bàn giao thì chính người đại diện công ty Bích Thị là Trịnh Văn Bảy trong bản bản cam kết cho rằng số lượng quá ít và bị vỡ nát nên không lấy… 


Theo những thông tin này, có thể thấy rằng, số thùng nhãn bị vỡ, lẫn bùn đất là thứ “hàng hóa không sử dụng được” do đó, không cần thiết phải tiến hành bảo vệ và cũng chẳng có gì hấp dẫn mà phải "hôi của". Vụ việc cần sớm có những ý kiến, xác minh từ cả hai phía để có kết luận cuối cùng và cũng để thực hư câu chuyện "hôi nhãn" sớm được làm rõ.




Trang Trang

Hàng trăm thùng sữa rơi xuống đường, không ai hôi của
Hàng trăm thùng sữa rơi xuống đường, không ai hôi của

Chiếc xe tải chở sữa gặp tai nạn khiến hàng trăm thùng sữa đổ tràn ra đường (đoạn ngã tư 550 thuộc thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương) nhưng nạn hôi của đã không xảy ra.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN