Nguồn thải lục địa làm tăng ô nhiễm ven bờ

Vùng biển ven bờ là nơi chịu áp lực rất lớn về môi trường do hoạt động kinh tế - xã hội từ lục địa. Vì vậy, nguồn thải ra biển bắt nguồn từ lục địa chiếm tới 70% ô nhiễm biển, đã và đang biến vùng biển ven bờ thành những “điểm nóng” ô nhiễm ngày một gia tăng, nếu như không có những giải pháp tăng cường kiểm soát và giảm thiểu được nguồn thải từ lục địa đổ ra đây.

 

Thạc sĩ Hoàng Nhất Thống, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết: Tổng nguồn thải từ lục địa đổ ra vùng biển ven bờ của Việt Nam ước tính mỗi năm khoảng 3 triệu tấn COD; 1,83 triệu tấn BOD; 1,11 triệu tấn N-T; 300 nghìn tấn P-T, 270 triệu tấn TSS; 1,6 triệu tấn dầu mỡ; 16 nghìn tấn hóa chất bảo vệ thực vật và khoảng 47 nghìn tấn kim loại nặng các loại.

 

Những nguồn thải từ lục địa đổ ra vùng biển ven bờ đang làm chất lượng nước biển bị suy giảm và ô nhiễm. Một số nơi nước biển chuyển thành màu xanh hoặc đỏ, bị đục hóa, làm cho các hệ sinh thái biển và nguồn lợi thủy sản ven bờ bị suy thoái. Các “điểm nóng” ô nhiễm vùng biển ven bờ hiện nay là khu vực Quảng Ninh-Hải Phòng, Đà Nẵng-Quảng Nam, Bà Rịa-Vũng Tàu-Thành phố Hồ Chí Minh.

 

Trong số các nguồn thải từ lục địa đổ ra vùng biển ven bờ chủ yếu là nguồn thải sinh hoạt từ 28 tỉnh, thành phố ven biển, với dân số gần 44 triệu người, cộng thêm lượng khách du lịch khoảng 55 triệu lượt người/năm. Mặt khác rất nhiều bãi rác ven sông, ven biển nơi đây chưa có hệ thống thu gom xử lý, nước rỉ rác cũng đưa ra vùng biển ven bờ. Tiếp đó là nguồn thải khá lớn của 18 Khu kinh tế biển, 500 khu, cụm điểm công nghiệp và hàng nghìn cơ sở sản xuất công nghiệp khác tập trung trên bờ biển.

 

Các tỉnh, thành phố ven biển còn là nơi có sản lượng sản xuất nông nghiệp đáng kể, do đó toàn bộ nguồn thải từ chăn nuôi, hóa chất bảo vệ thực vật, phân bón, nuôi trồng thủy sản cũng đều đổ ra vùng bờ biển với số lượng ngày càng gia tăng. Đồng thời phải kể đến nguồn thải từ các dòng sông bắt nguồn từ lục địa đổ ra biển. Hàng năm ước tính 9 hệ thống sông với lưu vực 10.000km2 đổ ra biển 880km3 nước chuyên chở theo 250 triệu tấn bùn, cát, trong đó có một lượng lớn các chất hữu cơ, dinh dưỡng, kim loại nặng, các hóa chất bảo vệ thực vật bị rửa trôi từ các vùng đất tự nhiên, đất gieo trồng, các khu đô thị, khu công nghiệp và lượng nước thải từ các nguồn trên lưu vực trực tiếp đổ vào các sông rồi chảy ra biển.

 

Ngoài các nguồn thải chủ yếu nêu trên, vùng biển ven bờ Việt Nam còn phải hứng chịu các nguồn thải khác từ lục địa, như các hoạt động giao thông vận tải, cảng biển, nguồn thải y tế...Nên vấn đề kiểm soát nguồn thải từ lục địa đổ ra biển đang đặt ra cấp bách hiện nay. Trước hết là phải hoàn thiện hệ thống thể chế chính sách pháp luật, cũng như thiết chế về bảo vệ môi trường. Đồng thời đầu tư nguồn lực thích đáng cho kiểm soát nguồn thải ngay từ lục địa, nhằm từng bước giảm thiểu nguồn thải đổ ra vùng ven biển.

 

 

Văn Hào

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN