Lượng mưa từ 1-7 giờ ngày 5/5 ở Bình Trung (tỉnh Bắc Kạn) là 130 mm, Phú Đình (tỉnh Thái Nguyên) là 111 mm, Tân Trào (tỉnh Tuyên Quang) là 74 m, Bắc Quang (tỉnh Hà Giang) là 196 mm, thành phố Cao Bằng là 59 mm, Thất Khê (tỉnh Lạng Sơn) là 89 mm.
Dự báo, đến trưa 5/5, khu vực Bắc Bộ tiếp tục có mưa, có nơi mưa vừa đến mưa to, lượng mưa tích lũy phổ biến từ 20- 50 mm, có nơi trên 80 mm. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng vùng trũng tại các tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hòa Bình, Phú Thọ. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp bị nén kết hợp với hội tụ gió lên đến mực 5.000 m nên ngày 5/5, khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh; cục bộ có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 30-60 mm/12 giờ, có nơi trên 80 mm/12 giờ. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ tại các tỉnh miền núi. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lốc, sét và mưa đá cấp 1.
Theo ông Nguyễn Văn Quang, Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai, để chủ động lũ quét, sạt lở đất và ngập úng vùng trũng tại các tỉnh, địa phương, về lâu dài, các địa phương cần có giải pháp hạn chế tối đa các tác động làm thay đổi trạng thái cân bằng tự nhiên của đồi, núi, sông, suối; hạn chế tự do nương rẫy, chặt phá cây và duy trì thảm thực vật, tán rừng. Bên cạnh đó, các địa phương cần tăng cường ứng dụng các công nghệ tiên tiến dự báo lũ quét và sạt lở đất như: Công nghệ thông tin địa lý (GIS) và trí tuệ nhân tạo để dự báo sạt, lở đất; công nghệ vệ tinh kết hợp trí tuệ nhân tạo trong theo dõi, giám sát và phòng chống lũ quét, sạt lở đất theo thời gian thực, giúp các địa phương chủ động hơn trong phòng chống thiên tai, sạt lở đất.