Nguy cơ mất bờ biển do xói lở

Cuộc sống của hàng ngàn người dân ở khu vực duyên hải Việt Nam, suốt từ Bắc tới Nam, đang phải đối mặt với những hiểm nguy do tình trạng xói lở bờ biển diễn ra ngày càng phức tạp và rộng khắp.


Gia tăng tình trạng xói lở


TS Lê Văn Công, Phó Giám đốc Trung tâm Hải văn (Tổng cục Biển và Hải đảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Trong hơn 30 năm trở lại đây, tình trạng xói lở bờ biển ở Việt Nam diễn ra rất phức tạp và nghiêm trọng; phá vỡ đê kè, gây ngập lụt và xâm nhập mặn ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực và phát triển kinh tế-xã hội. Trên nhiều đoạn bờ biển, tính chất và cường độ xói lở ở mỗi khu vực cũng khác nhau.

Rừng phòng hộ tại cửa biển Sào Lưới (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ do tình trạng sạt lở. Kim Há - TTXVN


Cụ thể, tại miền Bắc, trên toàn chiều dài đường bờ biển, từ Móng Cái (Quảng Ninh) đến Kim Sơn (Ninh Bình), có 5 đoạn xói lở liên tục từ năm 1930 đến nay là Cát Hải, Bằng La (TP Hải Phòng), Thụy Xuân (Thái Bình), Xuân Thủy, Hải Hậu (Nam Định).

Ông Đặng Xuân Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Biển và Hải đảo tỉnh Thừa Thiên - Huế:

“Chúng ta cần xác định được vùng có xâm thực để xây dựng hành lang an toàn phân vùng để tránh tình trạng gia tăng xâm nhập mặn và xói mòn. Đồng thời cần phải tìm hiểu chính xác các nguyên nhân để có sự điều tiết, kiểm soát từ xa, đặc biệt là với khu vực miền Trung - nơi tình trạng này diễn ra phức tạp nhất”.

PGS. TS Vũ Thanh Ca, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Biển và Hải đảo:

“Cần đồng bộ hệ thống chính sách về quản lý tài nguyên và môi trường để công tác quản lý chặt chẽ hơn. Các địa phương cần nâng cao nhận thức người dân về hậu quả xói lở bờ biển, thiên tai, thực hiện tốt Luật Đê điều, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Bảo vệ và phát triển rừng… Đồng thời cần có những biện pháp can thiệp hợp lý sớm để ngăn chặn tình trạng xói lở và xâm lấn. Bởi nếu tình trạng trên tiếp diễn thì sẽ gây nên những hậu quả khôn lường”.


Tại 14 tỉnh ven biển miền Trung, hiện tượng xói lở bờ biển cùng ngày càng gia tăng, đặc biệt từ những năm 1990 trở lại đây, khu vực Nghi Lộc, Nghi Xuân, Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), Cửa Càn, Cửa Lò (Nghệ An), Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Sầm Sơn (Thanh Hóa), Phú Lộc, Phú Vang (Thừa Thiên - Huế)… bị xói lở nghiêm trọng. Là một trong những địa phương đứng trước nguy cơ xói lở và xâm thực cao, ông Đặng Xuân Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Biển và Hải đảo tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: Hiện nay, đã có 30 km bờ biển bị xâm thực, trong đó có 10 km bị xâm lấn đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống của 1.200 hộ dân của 10 xã trong 3 huyện ven biển.


Khu vực đồng bằng sông cửu long (ĐBSCL), vốn trước đây chỉ có bồi tụ, nay cũng đã bị xói lở, xâm lấn rất nặng nề, tiêu biểu như huyện Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh) xói lở - bồi tụ diễn ra xen kẽ. Riêng khu vực Đông Hòa (phía tây), mũi Cần Giờ (phía đông) bị xói lở mạnh, từ 10 - 20 m/năm. Ngoài ra, ở Đông Hải (Trà Vinh), Ngọc Hiển, Đầm Dơi và Trần Văn Thời (Cà Mau) hiện tượng xói lở cũng diễn ra với tốc độ rất nhanh. Đơn cử như đoạn từ Đầm Dơi đến Rạch Gốc, dài 40 km, những năm qua biển đã lấn vào 1,4 km.


“Nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng xói lở bờ biển ngày càng phức tạp trên toàn dải ven biển Việt Nam là sự gia tăng cả về tần suất lẫn cường độ, sự diễn biến bất thường về đường đi của các cơn bão, trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng", ông Lê Văn Công khẳng định.


Ngoài ra, theo các chuyên gia trong lĩnh vực đánh giá xói lở bờ biển Việt Nam, các hoạt động khai thác tài nguyên quá mức vùng ven biển, cửa sông như khai thác cát, chặt phá rừng ngập mặn, xây dựng các hồ điều tiết nước trên các lưu vực sông cũng đã làm gia tăng xói lở bờ biển. Bên cạnh đó, nước thải của nhiều nhà máy, khu công nghiệp, khu dân cư chưa xử lý triệt để, được thải ra các con sông và dồn về vùng cửa sông ven biển, cũng gây hủy hoại các hệ sinh thái, làm gia tăng xói lở bờ biển.


Xây dựng chiến lược quốc gia lâu dài


Với những hậu quả "nhãn tiền" hiện nay, rõ ràng việc cần sớm gia tăng các biện pháp để chống xói lở bờ biển đã trở thành việc làm cấp thiết, không chỉ của các cơ quan chức năng, mà của bản thân mỗi người dân. "Vấn đề phòng chống xói lở bờ biển là rất khó khăn và phức tạp, đòi hỏi được tiến hành đồng bộ và toàn diện các giải pháp từ tầm vĩ mô, vi mô, cả trực tiếp và gián tiếp, mang tầm chiến lược quốc gia", một chuyên gia khẳng định.

Thời điểm trước năm 1950 - 1960, bờ biển Việt Nam chưa có hiện tượng xói lở, mà đa phần là bồi lắng. Từ năm 1960 trở lại đây, hiện tượng bồi lắng ngày một ít đi, xói lở tăng dần, nhiều tỉnh đã mất tới 18 km như tỉnh Thanh Hóa, 45 km như Nghệ An và kỷ lục như Hà Tĩnh với sự biến mất của 60 km đường bờ biển.

Đỉnh triều cường ngày càng cao

Theo số liệu quan trắc tại các trạm hải văn ven biển Việt Nam cho thấy, tốc độ dâng lên của mực nước biển trung bình ở Việt Nam hiện nay khoảng 3 mm/năm (giai đoạn 1993-2008), tương đương với tốc độ tăng trung bình trên thế giới. Trong khoảng 50 năm qua, mực nước biển tại trạm hải văn Hòn Dấu (Hải Phòng) dâng lên khoảng 20 cm. Số liệu quan trắc mực nước biển những năm gần đây của Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau cũng cho thấy, đỉnh triều cường năm sau đều cao hơn năm trước với biên độ khá lớn. Cụ thể năm 2008 mực nước biển tăng thêm 10 cm so với năm trước; năm 2009 tăng 20 cm; năm 2010 tăng 15 cm; năm 2011 tăng 25 cm.


Về vấn đề này, Phó Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Vũ Sĩ Tuấn chia sẻ: Hiện nay, chúng ta đang triển khai hàng loạt các đề án ở các cấp để xác định hiện trạng, nguyên nhân xói lở, bồi tụ tại các vùng trọng điểm để xây dựng giải pháp khắc phục sớm nhất. Việc quản lý và đối phó với xói lở bờ biển là một trong những nhiệm vụ đã được các tổ chức thực hiện trong Chương trình phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai hàng năm của Tổng cục Biển và Hải đảo.


Tuy nhiên, với tư cách là chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu biển và hải đảo, theo ông Reynaldo Molina, Ban thư ký COBSEA (Tổ chức điều phối Biển Đông Á), Việt Nam hiện nay còn thiếu một chiến lược để phòng chống xói lở bờ biển và việc xây dựng một hệ thống chính sách quản lý xói lở bờ biển là điều rất cần thiết. “Việt Nam cần xây dựng quy chế phối hợp trong phòng chống, xử lý sạt lở bờ sông, biển giữa các bộ, ngành Trung ương và địa phương; nâng cấp cơ sở vật chất, nâng cao năng lực và trình độ về công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai”, ông Reynaldo Molina nhận xét.


Đồng quan điểm này, các chuyên gia cho rằng: Cần tiến hành đồng bộ và toàn diện các giải pháp từ tầm vĩ mô đến vi mô, cả trực tiếp và gián tiếp, cả giải pháp công trình và phi công trình, phù hợp với từng đoạn bờ, cửa sông cụ thể. Cần coi trọng giải pháp phi công trình, trước hết là tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về hậu quả xói lở bờ biển, thiên tai… để họ có ý thức thực hiện tốt Luật Đê điều, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Tài nguyên nước.


Đồng thời thành lập mạng lưới quan trắc, giám sát xói lở định kỳ trên cơ sở phối hợp giữa các cơ quan khoa học Trung ương và các đơn vị kỹ thuật địa phương; lập và rà soát quy hoạch như bản đồ xác định nguy cơ sạt lở bờ vùng cửa sông, bờ biển; sớm xác lập phương án bảo vệ đê, kè, bờ biển cho từng giai đoạn cụ thể, trên cơ sở xác định được nguyên nhân và cơ chế xói lở. Tăng cường cơ sở pháp lý, quy hoạch bảo vệ bờ biển, chống khai thác các tài nguyên ven biển bừa bãi...

Thu Trang - TTN 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN