Mặc dù ngành nông nghiệp Thanh Hóa đang chỉ đạo các địa phương và các đơn vị liên quan tập trung mọi nguồn lực chống hạn, nhưng vẫn còn hơn 600 ha lúa trên địa bàn có nguy cơ mất trắng do thiếu nước trầm trọng.
Tĩnh Gia là một trong nhưng địa phương có diện tích lúa thiếu nước lớn nhất toàn tỉnh đến thời điểm hiện tại, với 486ha; trong đó, diện tích thiếu nước gieo cấy là 33ha, diện tích lúa thiếu nước dưỡng là 453ha. Đây là diện tích tưới của vùng hồ đập nhỏ, cuối kênh hồ Yên Mỹ (298ha) và vùng tưới nhờ trời (188ha), tập trung ở các xã Phú Sơn, Phú Lâm, Tùng Lâm, Tân Dân, Tân Trường, Thanh Sơn, Trường Lâm.
Tại xã Phú Sơn, vụ Mùa 2019, địa phương có kế hoạch gieo trồng 271ha lúa. Tuy nhiên hiện nay, người dân trong xã mới gieo cấy được 220 ha lúa, bằng 80% kế hoạch, 51ha còn lại chưa gieo cấy được do không có nước. Nắng hạn kéo dài, thiếu nguồn nước nghiêm trọng nên các cánh đồng của xã đang trong tình trạng nứt nẻ, khô hạn. Trong khi đó, dung tích dự trữ của các hồ Đông Sơn, Nam Sơn trên địa bàn đã cạn nước chỉ còn trơ đáy. Nếu trong những ngày tới thời tiết tiếp tục nắng nóng, thì nguy cơ trên 60% diện tích lúa trên địa bàn xã Phú Sơn (Tĩnh Gia) có nguy cơ mất trắng.
Để bảo đảm nguồn nước tưới cho diện tích lúa mới cấy và nước để sản xuất, ngành nông nghiệp huyện Tĩnh Gia đã chỉ đạo Công ty TNHH MTV Sông Chu, Chi nhánh Thủy nông Tĩnh Gia đặt máy bơm dầu thực hiện bơm vét nước trong hồ, đẩy qua đập, với công suất 150 đến 170 m3/h. Địa phương huy động máy nạo vét lòng hồ để tạo độ sâu trữ nước, phục vụ chống hạn. Tuy nhiên, nếu trong những ngày tới không có mưa thì các hồ trữ cũng không còn nước để bơm.
Ông Lê Ngọc Hợi, Giám đốc Chi nhánh Thủy nông Tĩnh Gia (Công ty TNHH MTV Sông Chu) lo ngại, diện tích thiếu nước tại Tĩnh Gia chủ yếu tập trung ở các khu vực lấy nước từ các hồ đập nhỏ. Trong khi các hồ trữ cũng đã cạn, không đủ nguồn để bơm tưới. Nếu nắng nóng tiếp tục diễn ra trong vài ba ngày tới, thì đơn vị thủy nông cũng đành bất lực chờ trời mưa mới có thể “giải cứu” được diện tích lúa bị hạn hiện nay.
Đang trong mùa gieo cấy nên người dân xã Cẩm Ngọc, huyện Cẩm Thuỷ (Thanh Hóa) rất cần nước để cấy và dưỡng lúa, nhưng vì mực nước sông Mã cạn kiệt, nên Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Cẩm Ngọc cũng chỉ thực hiện việc bơm nước từ trạm bơm làng Song từ 22 giờ đêm đến 6 giờ sáng ngày hôm sau.
Đang cấy trên mảnh ruộng đặc quánh, chị Thịnh Thị Hoán, trú tại thôn Song, xã Cẩm Ngọc, thở dài: “Đã gần 1 tháng rồi vẫn chưa có hạt mưa nào. Cường độ nắng nóng gay gắt, kéo dài từ sáng sớm đến chiều tối nên ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt và sản xuất của người dân. Đang mùa gieo cấy mà thiếu nước nên nông dân vất vả lắm”.
Theo chị Hóa, người dân nơi đây đang lo vụ này mất mùa sớm. Đối với diện tích lúa đã cấy thì lo lúa chết khô, chết cháy. Những nơi chưa gieo cấy được thì lo chậm thời vụ. Hiện thửa ruộng chị đang cấy cũng có rất ít nước nên đất đặc quánh, cấy vừa chậm, vừa đau tay. Tuy nhiên để kịp thời vụ thì không thể không cấy, hiện tại chị Ngọc chỉ biết cầu mong sớm có mưa.
Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp huyện Cẩm Thủy, dù đã nỗ lực chống hạn, nhưng tỷ lệ gieo cấy tại địa phương mới đạt 70%, vẫn còn 30% diện tích chưa thực hiện gieo cấy được do thiếu nước. Nắng nóng kéo dài, hiện mực nước của nhiều công trình hồ, đập trên địa bàn huyện thấp hơn 1m so với mực nước dâng bình thường. Mực nước sông Mã đã xuống mức báo động, do đó tại một số nơi máy bơm không thể hoạt động được, gây khó khăn trong việc cung cấp nước cho gieo cấy, dưỡng lúa. Hiện nay huyện Cẩm Thủy có trên 156 ha lúa bị thiếu nước và 130 ha có nguy cơ bị hạn.
Ông Trịnh Bá Thuận, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Thanh Hóa cho biết, trước tình hình nắng nóng gay gắt như hiện nay, để đảm bảo nguồn nước gieo cấy hết diện tích theo kế hoạch và chống hạn cho diện tích lúa mới gieo cấy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị thuỷ nông hỗ trợ máy bơm lưu động, bơm hút nước từ hồ đập, kênh dẫn đưa về chân ruộng phục vụ tưới dưỡng lúa cho bà con. Các địa phương và đơn vị thủy nông tiếp tục triển khai thực hiện nạo vét kênh dẫn và kênh trữ nước để dâng nước cho các trạm bơm hoạt động.
Đối với vùng tưới bằng bơm điện, căn cứ vào tình hình thực tế nạo vét bể hút và nối dài ống, lắp đặt máy bơm có cột nước cao, duy trì các trạm bơm dã chiến, đắp đập tạm để vận hành các trạm bơm. Đối với vùng tưới bằng hồ đập nhỏ, khi mực nước trong hồ xuống thấp hơn mực nước chết thì huy động máy bơm dầu dã chiến để bơm lượng nước chết trong hồ phục vụ tưới và chống hạn...