“Các dây truyền dịch mềm, nhỏ vừa với tĩnh mạch của bệnh nhân, hay máu được đựng trong các bịch nhựa thay vì trong chai dễ vỡ... góp phần rất lớn vào những thành tựu y học hiện đại. Thế nhưng, khi những trang thiết bị y tế đó có chứa DEHP, có thể gây hại đến sức khỏe con người, ngành y tế nên có đối sách phù hợp để yên tâm cho bệnh nhân”, bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư, Phó Chủ tịch Hội Y tế công cộng TP.HCM nhấn mạnh.
Tiện ích và tác hại của dụng cụ y tế làm từ PVC có DEHP
Theo bác sĩ Hùng, hiện chưa có nghiên cứu sâu về tác hại của DEHP trên sức khỏe con người. Nhưng Bộ Y tế Hoa Kỳ (sau những thí nghiệm trên thỏ, chuột) cho là cần đề phòng vì DEHP làm tổn thương lá gan, gây khuyết tật, làm xáo trộn nội tiết, gây rối loạn hormone giới tính nói chung. Đặc biệt, DEHP được xếp vào nhóm 2B - nhóm gồm các chất có thể là “tác nhân gây ung thư cho người”. Do tính chất trôi nổi không dính kết trong cấu trúc nên các sản phẩm nhựa PVC dễ “nhả” DEHP ra. Hơn nữa, khi sản phẩm nhựa này chứa dung dịch lipid (chất béo, mỡ), hoặc có khối lượng DEHP lớn, hay ở bị đặt trong nhiệt độ cao, khả năng “nhả” DEHP càng cao. Trong thiết bị y tế, DEHP chiếm 20 - 40% trọng lượng của PVC, lên đến 80% trong các ống (truyền dịch, truyền máu, ống thông mạch máu...).
Cần chủ động phòng tránh DEHP từ dụng cụ y tế (ảnh chỉ có tính minh họa). Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN |
Bác sĩ Hà Mạnh Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết: DEHP là một dạng dịch thể không màu, không mùi và là chất làm dẻo trong sản phẩm nhựa (PVC - Polyvinyi chloride). PVC (có DEHP) được biết cách đây hơn 100 năm, đến cuối 1930 được sử dụng trong công nghiệp và mãi đến năm 1950 PVC được dùng để sản xuất các dụng cụ y tế đã góp phần rất lớn vào những thành tựu y học hiện đại. DEHP làm cho PVC dẻo, đàn hồi, có thể định ra nhiều dạng hình khác nhau để phù hợp mục đích sử dụng. Hơn nữa, dụng cụ y tế nhựa có DEHP bền vững, không dễ vỡ và có thể khử trùng được, giá thành lại rẻ. Thậm chí DEHP còn kéo dài đời sống của hồng cầu. Vì sự tiện lợi đó, hầu hết các trang thiết bị y tế (từ ống tiêm, chai dịch truyền, dây nối, dây truyền dịch, dây truyền máu, đến túi đựng máu, ống thở oxy...) đều được làm bằng nhựa PVC có DEHP.
Tuy nhiên, tùy theo từng cơ địa mỗi người cũng như tùy theo độ dung nạp (TI - tolerable Intake) DEHP cho phép mà mức độ ảnh hưởng của DEHP có khác. Qua tĩnh mạch, TI cho phép là 0,6 mg/kg/ngày, qua đường tiêu hóa là 0.04 mg/kg/ngày. Các nhà khoa học trên thế giới căn cứ vào tỉ lệ TI/liều (chỉ ra hàm lượng DEHP tiếp nhận trong lần điều trị) để xác định mức độ gây nhiễm DEHP của các phương pháp sử dụng các loại thiết bị y tế. Nếu tỷ lệ này nhỏ hơn 1, phương pháp điều trị có sử dụng thiết bị y làm bằng nhựa có chứa DEHP đã vượt ngưỡng an toàn. Qua nghiên cứu, hầu hết các phương pháp điều trị có dụng cụ nhựa PVC có DEHP như tiêm thuốc, truyền dịch vào tĩnh mạch... nguy cơ nhiễm DEHP thấp vì tỉ lệ TI/liều lớn hơn 1 đối với cả trẻ em và người lớn. Riêng phương pháp nuôi ăn trong dạ dày, nuôi ăn dung dịch có chứa lipid và thay máu khả năng nhiễm DEHP cao do tỉ lệ này nhỏ hơn 1. Nhưng đáng mừng là nếu bệnh nhân không tiếp xúc với các sản phẩm có chứa DEHP trong vòng 1 tuần lễ, khoảng 80% DEHP sẽ được đào thải. Chỉ khi bệnh nhân tiếp xúc với dụng cụ có DEHP, trong một thời gian dài không ngưng nghỉ, nguy cơ DEHP lưu lại trong cơ thể mới cao. Từ đó mới có thể gây ra những tác hại như rối loạn nội tiết...
Biện pháp giảm nguy cơ nhiễm DEHP
Muốn giảm nguy cơ nhiễm DEHP từ dụng cụ y tế, các nhà sản xuất cần thay đổi công thức chế tạo thiết bị để giảm thiểu hoặc loại bỏ DEHP. Bên cạnh đó, các bệnh viện cũng cần có sự chủ động trong phòng tránh DEHP.
Theo bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng, không nên sử dụng dụng cụ quá một lần, bảo quản các dụng cụ nhựa đúng quy định, hạn dùng; chỉ định đúng, hạn chế và rút ngắn thời gian sử dụng các dụng cụ nhựa. Đó là một trong những biện pháp thiết thực đầu tiên mà các bệnh viện nên làm để giảm nguy cơ nhiễm DEHP cho bệnh nhân.
Bác sĩ Hà Mạnh Tuấn trăn trở, Bệnh viện Nhi đồng 2 trong 6 tháng nay đã chi 30 tỷ đồng để mua sắm các trang thiết bị y tế phù hợp. Đến nay, bệnh viện đã có dụng cụ thay thế các dụng cụ y tế làm bằng nhựa PVC có chứa DEHP như chai nhựa đựng các dung dịch trước đây được thay bằng các chai thủy tinh, các dây dịch làm từ nhựa PE... Nhưng hiện tại, bệnh viện vẫn còn khoảng 40% dụng cụ y tế làm từ nhựa PVC có DEHP. Do đó, muốn thay đổi hoàn toàn trang thiết bị y tế bằng các nhựa tốt, dễ sử dụng, không độc hại cần có thời gian và kinh phí. Vì nhựa PP, PE... có giá cao gấp nhiều lần so với nhựa PVC. Thời gian tới, các cơ quan, ban, ngành cần đặt ra tiêu chuẩn hàm lượng DEHP trong dụng cụ y tế nhựa, thay thế hoàn toàn dụng cụ y tế nhựa bằng nhựa không DEHP. Dụng cụ y tế trên bao bì cần được ghi rõ thành phần cấu tạo chất và nên có nghiên cứu tác động của DEHP trên người để có bằng chứng thuyết phục hơn nữa trong việc hạn chế hay không sử dụng những sản phẩm có DEHP.
Lan Phương