Huyện Hướng Hóa có địa hình bị chia cắt mạnh bởi hệ thống sông suối, dốc theo 2 sườn Đông và Tây Trường Sơn. Lượng mưa hằng năm lớn, khoảng 2.000mm. Đồi núi dốc, lượng mưa lớn, tập trung cùng thời điểm khiến các dãy núi dễ bị đứt gãy, gây ra sạt lở.
Hướng Hóa hiện có 45 điểm nguy cơ cao về sạt lở đất, ảnh hưởng đến đời sống của trên 2.600 người. Trong đó có 19 điểm nguy cơ sạt lở núi rất cao như các xã: Húc, Hướng Tân, Hướng Việt, Ba Tầng… Các điểm báo động đỏ này đều thuộc khu vực có độ dốc lớn nên khi có mưa lũ lớn, tốc độ dòng chảy mạnh có sức tàn phá rất lớn.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hướng Hóa Hoàng Đình Bình cho biết, huyện đã chủ động phương án phòng ngừa các tình huống rủi ro thiên tai có thể xảy ra, nhất là sạt lở đất. Cụ thể, tại hầu hết các tuyến xung yếu, sạt lở đất đều đã được lắp đặt biển cảnh báo thiên tai. Một số xã như Hướng Lập, Thanh, Pa Tầng được lắp đặt camera giám sát thiên tai. Chính quyền địa phương chủ động cảnh báo sớm đến người dân từng thôn, bản về các khu vực sạt lở để giảm thiểu thiệt hại.
Hiện nhiều hộ dân ở xã Hướng Linh (huyện Hướng Hóa) luôn đối diện với nguy cơ bị sạt lở núi, lũ quét. Đợt mưa lũ lớn do hoàn lưu bão số 3, số 4 vừa qua, xã Hướng Linh đã sơ tán khẩn cấp nhiều hộ dân vùng khe suối đến nơi an toàn. Ông Hồ Văn Ngại, Phó Chủ tịch UBND xã Hướng Linh chia sẻ: Khoảng 10 hộ dân ở thôn Miệt Cũ đang sống trong khu vực nguy hiểm, nếu không di dời sẽ phải đối diện với nguy cơ sạt lở đất, mất tài sản, tính mạng. Nhưng những hộ này không thuộc diện quy hoạch tái định cư mà phải tự tìm nơi ở mới an toàn.
Mỗi mùa mưa lũ, tuyến đường liên xã Hướng Tân, Hướng Linh liên tục xảy ra sạt lở núi, uy hiếp tính mạng người dân, chia cắt nhiều khu dân cư. Hiện, xã Hướng Tân có 3 điểm nguy cơ cao bị sạt lở núi, ảnh hưởng đến 23 hộ dân với 115 người. Ông Hồ Văn Tịnh, Phó Chủ tịch UBND xã Hướng Tân cho biết: Địa phương đã xây dựng kế hoạch theo phương châm "4 tại chỗ", có phương án đảm bảo an toàn cho người dân. Khi mưa bão, tại những điểm xung yếu, khu vực có nguy cơ sạt lở, xã di dời người dân, cử cán bộ trực 24/24 giờ để vận động, hỗ trợ người dân và xử lý các tình huống xảy ra”.
Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Trần Bình Thuận thông tin, người dân vùng cao phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, kinh tế còn khó khăn, kiến thức phòng, chống thiên tai còn hạn chế, khi xảy ra sạt lở đất sẽ gây thiệt hại khó lường. Do vậy, việc chủ động phòng ngừa từ trước các tình huống rủi ro thiên tai là ưu tiên hàng đầu. Huyện đã chỉ đạo các địa phương rà soát, sẵn sàng triển khai phương án ứng phó nhằm chủ động phòng tránh hiệu quả tại những khu vực sạt lở nguy hiểm.
Các địa phương tăng cường theo dõi diễn biến mưa lũ, cung cấp thường xuyên thông tin cảnh báo, dự báo và chỉ đạo, hướng dẫn người dân chủ động phòng ngừa, ứng phó hiệu quả với nguy cơ trượt, lở đất, đá. Nhu cầu bức thiết hiện nay của huyện là huy động nguồn lực để xây dựng 8 khu tái định cư cho người dân nhưng đến nay mới xây dựng được 3 điểm. Do đó, hàng ngàn người dân sống ở sườn núi, ven sông suối vẫn nơm nớp lo sợ nguy cơ sạt lở núi và lũ quét mỗi khi mưa bão.
Quảng Trị đã rà soát, bổ sung thêm 17 khu vực rủi ro cao sạt lở đất và 27 khu vực rủi ro, phần lớn nằm ở các khu có dân cư, tập trung ở huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông. Các vị trí thường xuyên bị sạt lở gồm khu vực đồi núi dọc tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đi qua các xã Hướng Phùng, Hướng Việt, Hướng Lập (huyện Hướng Hóa); tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Đông đoạn qua xã Húc Nghì (huyện Đakrông) …
UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu, cơ quan chuyên môn nghiên cứu, phối hợp, đánh giá, phân vùng rủi ro các loại hình thiên tai, gồm sạt lở đất, sạt lở bờ sông, bờ biển, lũ quét, lũ ống... để có giải pháp chủ động ứng phó cụ thể, nhằm giảm thiểu thiệt hại.