Nguyễn Đình Doãn- Công trình sư của cây cầu Hàm Rồng lịch sử

Ông là Tổng Công trình sư đầu tiên của Bộ giao thông Vận tải, đã tham gia chỉ huy và thi công hàng loạt các cây cầu lớn của Việt Nam thế kỉ trước.

 

Sinh thời, ông Nguyễn Đình Doãn (ảnh) được trao tặng rất nhiều phần thưởng và vinh dự cao quí, song vinh quang lớn nhất đối với ông là đã góp phần thi công cầu Hàm Rồng, cây cầu đã trở thành huyền thoại qua sự hy sinh của những người sống chết bảo vệ nó trên tuyến giao thông huyết mạch chi viện cho miền Nam thời chống Mỹ.

 


Thập kỉ 50 - 60 của thế kỉ trước, việc xây mới cầu Hàm Rồng trên sông Mã là một thách thức về năng lực và kĩ thuật đối với cả ngành cầu đường Việt Nam. Chính vì thế, công việc khảo sát xây dựng cầu được tiến hành từ năm 1955, nhưng đến năm 1962 việc thi công mới bắt đầu trong đó ông Doãn được giao nhiệm vụ Trưởng ban chỉ huy công trường xây dựng. Sáng kiến khoan cọc ống xuống nền đá hoa cương dưới lòng sông trong điều kiện nước sông chảy siết để xây mố cầu được coi là một kì công về kĩ thuật thời đó. Ngày 19/5/1964, diễn ra lễ khánh thành cầu Hàm Rồng. Một năm sau, cây cầu bắt đầu trở thành mục tiêu đánh phá liên tục của máy bay Mỹ trong cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân ra miền Bắc (1965 - 1973).


Theo thống kê, không quân Mỹ đã tiến hành hơn 1.000 trận tập kích, ném xuống Hàm Rồng 70.600 tấn bom, bắn hàng nghìn quả tên lửa, rốc két... Mỗi lần bị hư hại vì bom đạn, cây cầu lại được sửa chữa kịp thời và trụ vững trong suốt cuộc chiến. Đặc biệt trong hai ngày 3 và 4/4/1965, quân và dân Hàm Rồng đã anh dũng chiến đấu, bắn rơi 47 máy bay địch, bắt sống nhiều giặc lái.


Tính chung trong hơn 1.500 ngày đêm chiến đấu kiên cường bảo vệ cầu, quân và dân Hàm Rồng đã bắn rơi 117 máy bay, tiêu diệt và bắt sống nhiều phi công Mỹ, bảo vệ cây cầu, bảo đảm giao thông thông suốt, góp phần xứng đáng cùng quân dân cả nước, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn.


Sau chiến tranh, cầu Hàm Rồng được làm lại như cũ và cũng chính Tổng Công trình sư Nguyễn Đình Doãn vinh dự được giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo thi công khôi phục cầu và là người phát lệnh thông cầu trở lại đúng ngày sinh của Bác Hồ 19/5/1973.


Trong cuộc đời cống hiến của mình, Tổng Công trình sư Nguyễn Đình Doãn đã luôn lăn lộn với hoạt động xây dựng và bảo đảm cầu đường với vai trò là một trong những cán bộ chủ chốt của ngành giao thông vận tải. Ngoài cương vị Trưởng Ban Chỉ huy đội cầu Trần Quốc Bình thi công cầu Hàm Rồng, ông còn là Tổng đội phó Tổng đội bảo đảm giao thông, Phó Ban Chỉ huy đường sắt phía Nam,Thứ trưởng Bộ giao thông Vận tải, Phó chủ tịch Hội cầu đường Việt Nam, Chủ tịch Hội cảng biển và thềm lục địa.


Bên cạnh cầu Hàm Rồng, ông còn tham gia thi công xây dựng các cầu lớn của Việt Nam như: Phủ Lạng Thương, cầu Ninh Bình, cầu Yên Xuân, Cầu Đò Lèn, cầu Thăng Long…, tham gia cùng Bộ Quốc phòng xây dựng hàng loạt cầu phao qua sông chuyển hàng và người ra tiền tuyến


Nhạc sĩ - Kĩ sư Lê Xuân Thọ, tác giả ca khúc nổi tiếng Nhịp cầu Sông Mã sáng tác năm 1967 khi ông làm việc dưới sự chỉ huy của công trình sư Nguyễn Đình Doãn nhận xét: Thầy Doãn là người thầy của ngành cầu đường Việt Nam. Rất nhiều cán bộ chủ chốt của ngành giao thông vận tải sau này là học trò của thầy. Thầy là người rất giỏi về chuyên môn, là người đức độ, khiêm nhường, rất thương anh em và tận tụy với công việc.


Tổng Công trình sư Nguyễn Đình Doãn qua đời ngày 11/11/2013, tại Hà Nội, thọ 85 tuổi. Tên ông mãi gắn với cây cầu Hàm Rồng - giờ đã là một biểu tượng truyền thống của Thanh Hóa sau khi hoàn thành sứ mạng lịch sử trong những năm tháng chiến tranh đã qua.


Thụy Hương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN