Do đó, nguyên nhân bước đầu gây ra hiện tượng ngao nuôi bị chết hàng loạt các địa phương là do thời tiết mưa nắng thay đổi thất thường, mật độ nuôi dày, bãi nuôi ít được cải tạo lại và cải tạo không kỹ sau mỗi vụ nuôi...
Ông Võ Tá Bình, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lộc Hà cho biết, qua kiểm tra, các hộ dân trên địa bàn xã Mai Phụ thả giống với mật độ quá cao lên đến 1.9 con/m2, kích cỡ 116 con/kg, tuy nhiên kích cỡ ngao không đồng đều, thả ngao giống chung với ngao thương phẩm (theo khuyến cáo mật độ nuôi ngao thích hợp là 150-350 con/m2).
Các đợt xảy ra hiện tượng ngao chết đều có triều cạn vào ban ngày, thời gian phơi bãi kéo dài từ 8h - 14h, kết hợp với thời tiết nắng nóng, bãi ngao không bằng phẳng, có chỗ nước đọng nên nhiệt độ nước nóng dẫn đến tình trạng ngao chết.
Quá trình ngao chết thịt thối rữa rất nhanh, ô nhiễm cả bãi do tác động của vi sinh vật phân hủy, kết hợp với mật độ nuôi quá dày dẫn đến tình trạng ngao chết hàng loạt trên toàn bãi.
Trước đó, từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9, tại xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà và tại khu vực bãi bồi ven cửa sông Rào Cái thuộc địa bàn xã Đỉnh Bàn, huyện Thạch Hà, xảy ra tình trạng ngao nuôi các loại của người dân địa phương bị chết nhưng chưa rõ nguyên nhân, gây thiệt hại nặng nề cho người dân.
Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lộc Hà Võ Tá Bình, qua kiểm tra, bước đầu xác định sản lượng ngao nuôi tại địa bàn xã Mai Phụ bị chết khoảng 456 tấn, giá trị thiệt hại kinh tế hơn 5,4 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Đỉnh Bàn, huyện Thạch Hà cho biết địa phương bước đầu đã ghi nhận có khoảng 162 tấn ngao nuôi bị chết, gây thiệt hại kinh tế gần 2 tỷ đồng.