Nhà báo Đinh Trọng Quyền: Tâm huyết với nghề, nhân hậu với người

Tôi đến thăm nhà báo lão thành Đinh Trọng Quyền, người cả đời gắn bó với nghề thông tấn. Ở tuổi 88, ông vừa trải qua ba ca mổ liên tiếp, mới được ra viện.

Tuy sức còn yếu nhưng trong khi trò chuyện nhà báo (NB) Đinh Trọng Quyển vẫn tỏ ra rất minh mẫn. Ông vẫn nhớ tên từng người, từng câu chuyện với những kỷ niệm vui buồn trên mỗi chặng đường theo nghề cầm bút. 

Chú thích ảnh
Nhà báo Đinh Trọng Quyền (hàng đầu bên phải) cùng các đồng nghiệp TTXGP tại mặt trận Quảng Đà năm 1969. Hàng trên, từ trái sang: NB Trần Mai Hạnh, các cán bộ kỹ thuật Văn Mẫn,  Ngọc  Thạch, NB Lương Thế Trung. 

Năm 1955, sau khi hoà bình lập lại, từ lớp đại học Văn, nhà báo Đinh Trọng Quyền về theo học lớp đào tạo phóng viên TTXVN khoá 1. Tốt nghiệp, ông đã làm việc tại các phân xã TTXVN tại Liên Khu Ba, Tây Bắc, Quảng Ninh... Thực tiễn sôi động đã rèn luyện ông trở thành một phóng viên năng động trên nhiều lĩnh vực, một người phụ trách tin cậy trên nhưng địa bàn trọng điểm, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Năm 19, cùng các đồng nghiệp, nhà báo Đinh Trọng Quyền chia tay người vợ trẻ và cậu con trai hai tuổi, lên đường vào chiến trường miền Nam. Ông được cử phụ trách Phân xã TTXGP tại  Quảng Nam - Đà Nẵng, một mặt trận vốn đã khó khăn ác liệt, sau chiến dịch Mậu Thân lại càng trở nên ác liệt hơn. Ông đã cùng các anh em trong phân xã - các nhà báo Trần Mai Hạnh, Lương Thế Trung, Nguyễn Quốc Toản, các nhân viên kỹ thuật Ngọc Thạch, Văn Mẫn - chấp nhận mọi gian khó hy sinh, vượt lên hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. 

Bằng các tin bài, hình ảnh, phân xã TTXGP Quảng Đà thời kỳ ấy đã kịp thời phản ánh cuộc chiến đấu anh dũng của quân và dân Quảng Nam - Đà Nẵng, một địa bàn trọng yếu. 

Các bài viết về gương dũng sĩ Phan Hành Sơn, cuộc đấu bảo vệ vùng giải phóng ở Quảng Nam, phong trào đấu tranh đô thị của các lực lượng yêu nước trong nội thành Đà Nẵng... đã góp phần cổ vũ cuộc đấu tranh chung vào một thời kỳ rất gay go ác liệt trên toàn chiến trường.

Một thử thách rất lớn đến với NB Đinh Trọng Quyền thời gian ấy. Cuối năm 1969, trong một lần hành quân đi chiến dịch, ông bị thương vì đạn pháo tại vùng Hòn Tàu và phải cưa mất một chân. Trong vòng vây của kẻ thù, với điều kiện cứu chữa còn sơ sài của y tế mặt trận, như một phép màu, ông đã sống, vượt qua thương tật hiểm nguy và được đưa ra Bắc điều trị.

Chú thích ảnh
Nhà báo Đinh Trọng Quyền và các đồng nghiệp Ban Biên tập Tin Trong nước.

Cho đến bây giờ, tôi vẫn nhớ hình ảnh nhà báo Đinh Trọng Quyền khi tôi tới thăm ông và anh trai Trần Mai Hạnh vào mùa hè năm 1970. Từ chiến trường trở về, các ông được điều trị tại khu điều dưỡng của Ban Thống Nhất Trung ương tại một vùng ven Hà Nội. Trong bộ quần áo bà ba sẫm màu , ông di chuyển với chiếc nạng gỗ, gương mặt gầy guộc vì sốt rét, thương tật. Nhưng điều tôi nhớ nhất ở ông lại là nụ cười và ánh mắt ánh lên niềm lạc quan không gì dập tắt được.

Từ cuối năm 1980 đến đầu năm 1983, sau khi từ chiến trường Campuchia trở về, tôi được phân công làm biên tập viên ở tiểu ban tin Công Thương, Ban Biên tập Tin Trong nước do NB Đinh Trọng Quyền phụ trách. Dưới sự lãnh đạo của ông khi ấy là một đội ngũ các NB đàn anh giàu kinh nghiệm như các anh Trần Đức Lương, Dương Đức Quảng, Vũ Duy Thông, Nguyễn Tử Nên, các đồng nghiệp rất năng động như Phạm Mạnh, Thao Lan, Nguyễn Kim Điệp, Cao Xuân Cầm, Lê Việt Nga... Đấy là những năm tháng làm việc sôi nổi và ấm áp tình người trong điều kiện còn nhiều khó khăn. Tôi đã học được nhiều điều về nghiệp vụ, thêm vốn hiểu biết và kinh nghiệm sống dưới sự lãnh đạo của NB Đinh Trọng Quyền và các anh chị, các bạn đồng nghiệp.

Sau thời gian là Trưởng tiểu ban Công Thương, NB Đinh Trọng Quyền được tăng cường làm Trưởng Phân xã TTXVN tại thủ đô Hà Nội, rồi ông lần lượt là Uỷ viên Ban Biên tập, Phó Trưởng Ban Biên tập Tin Trong nước cho đến khi nghỉ hưu. Một số năm sau đó, NB Đinh Trọng Quyền vẫn làm việc việc với tư cách một biên tập viên giàu kinh nghiệm, góp sức vào công tác thông tin cho một số tờ báo. Cho đến gần đây, dù tuổi cao sức yếu, ông vẫn đảm nhận công việc Trưởng Ban liên lạc cán bộ hưu trí của Ban Biên tập Tin Trong nước, góp phần xây dựng tình đồng nghiệp, quan tâm chăm sóc, kết nối các lớp cán bộ, phóng viên tin trong nước, những đồng nghiệp cùng ông có nhiều năm gắn bó.

Chú thích ảnh
Nhà báo Đinh Trọng Quyền và tác giả. 

NB Đinh Trọng Quyền là một người tận tuỵ, tâm huyết với nghề, một nhà quản lý giàu kinh nghiệm. Ở cương vị nào ông cũng không ngại khó khăn, gian khổ hy sinh hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. NB Đinh Trọng Quyền là một người sống thẳng thắn, trách nhiệm, tình nghĩa, nhân hậu với con người, được anh em đồng nghiệp, bạn bè quý mến, nể trọng. Ông đã được trao tặng huy chương danh dự của tổ chức quốc tế các nhà báo OIJ và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Đến nay, NB Đinh Trọng Quyền và gia đình vẫn sống trong căn hộ khá đơn sơ của khu tập thể cơ quan Thông tấn xã Việt Nam từ thời chiến tranh. Đến thăm ông và bà Nguyễn Thị Nhung, người bạn đời cùng ông chia sẻ bao gian khó, ngọt bùi trong căn hộ ấy, tôi càng thêm quý trọng, cảm phục một cán bộ lão thành của ngành, một nhà báo chiến sĩ đã để lại một phần thân thể trên chiến trường vì sự nghiệp thông tấn. Điều đáng quý nhất là tôi vẫn nhận thấy niềm tin, tinh thần lạc quan vượt lên khó khăn, bệnh tật trong ánh mắt, nụ cười của ông.

Trần Mai Hưởng
Nhà báo Lê Quốc Minh giữ chức Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam
Nhà báo Lê Quốc Minh giữ chức Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam

Thông tin từ Hội Nhà báo Việt Nam, chiều 26/10, Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam đã họp bỏ phiếu bầu nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Bí thư Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam làm Ủy viên Ban chấp hành, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, với 100% số phiếu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN