Nhiều bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt được xây dựng, vận hành không đúng quy chuẩn, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm nguồn nước, không khí. Nhiều địa phương xuất hiện các điểm chôn lấp rác thải tự phát, gây ô nhiễm môi trường rất khó giải quyết. Đặc biệt, diện tích đất dành cho việc chôn lấp rác ngày càng hạn chế. Kinh phí đầu tư cho thu gom, vận chuyển, chôn lấp, xây dựng bãi rác tập trung ngày càng lớn. Vì vậy, xây dựng nhà máy xử lý rác thải tập trung sẽ đáp ứng được yêu cầu cấp thiết hiện nay.
Công nghệ thân thiện với môi trường
Theo Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương, hiện nay, công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt được biết đến bao gồm: công nghệ chôn lấp, ủ sinh học làm phân hữu cơ, thiêu đốt… Trong các công nghệ nói trên, công nghệ chôn lấp là công nghệ xử lý kém hiệu quả nhất, vừa không đảm bảo vệ sinh môi trường, vừa tốn diện tích để chôn lấp. Công nghệ ủ sinh học làm phân hữu cơ tuy tận dụng được rác thải sinh hoạt nhưng đòi hỏi rác thải phải được phân loại mới đem lại hiệu quả. Công nghệ thiêu đốt vừa cho phép tận dụng được nhiệt năng, vừa có thể xử lý triệt để rác thải sinh hoạt trong quá trình thiêu đốt.
Hiện nay, công nghệ thiêu đốt để tận dụng nhiệt năng phát điện là phù hợp và đang được áp dụng tại Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Thới Lai, thành phố Cần Thơ do Công ty Trách nhiệm hữu hạn EB đầu tư. Đây là công nghệ nằm trong danh mục khuyến khích chuyển giao được ban hành kèm theo Nghị định 76/2018/NĐ-CP của Chính phủ (hướng dẫn Luật Chuyển giao công nghệ).
Nhận thấy những ưu điểm trên, Hải Dương đã kêu gọi và chấp thuận cho đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt và phát điện tại xã Lương Điền, huyện Cẩm Giàng. Dự án do Liên doanh United Expert Investments Limited và Công cổ phần Tài nguyên và Môi trường Âu Việt đề nghị đầu tư xây dựng. Dự án có các thiết bị công nghệ xuất xứ từ châu Âu. Trong đó, cụm thiết bị chính là hệ thống lò đốt rác do hãng Waterleau, Vương quốc Bỉ chế tạo và hệ thống lò đốt rác này đã được cấp bằng sáng chế quốc tế.
Công nghệ đốt rác của dự án là công nghệ đốt bằng lò ghi cơ học. Chất thải sinh hoạt được đốt cháy trên ghi theo lớp thông qua buồng đốt 2 cấp (sơ cấp và thứ cấp) đảm bảo rác được đốt cháy hoàn toàn. Khoang đốt được trang bị hệ thống gia nhiệt dùng dầu DO để ổn định nhiệt trong quá trình đốt cháy. Công nghệ này có những đặc trưng như: Xử lý triệt để chất thải sinh hoạt và một số chất thải nguy hại trong quá trình đốt do nhiệt độ đốt cháy tuần hoàn được duy trì ở mức 1.000 đến 1.050 độ C và thời gian lưu cháy là trên 2 giây.
Các chỉ số này đáp ứng yêu cầu quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt và lò đốt chất thải công nghiệp. Công nghệ của dự án còn tận dụng được nhiệt năng trong quá trình đốt rác sinh hoạt để phát điện với công suất sản xuất điện là 10MV. Rác thải đưa vào đốt không cần phân loại.
Xe chở rác sẽ đổ trực tiếp vào bể tiếp nhận rác ở trước cửa lò đốt (bể tiếp nhận và chứa rác có thể chứa rác trong 25 - 30 ngày) nên trong khu vực dự án sẽ không có bãi rác tập kết, sẽ hạn chế tối đa ô nhiễm phát sinh.
Hệ thống bể chứa rác của dự án áp dụng công nghệ ủ yếm khí - hiếu khí, kết hợp với hệ thống tạo áp âm nên không phát tán mùi hôi ra bên ngoài. Nước rỉ rác được thu gom và xử lý qua hệ thống xử lý nước rỉ rác công suất 130 m3/ngày bằng công nghệ xử lý sinh học AOO (yếm khí - thiếu khí - hiếu khí) kết hợp với hệ thống màng vi lọc, siêu vi lọc, lọc nano và thẩm thấu ngược để tái sử dụng. Khí thải phát sinh trong quá trình đốt rác sinh hoạt được được xử lý qua hệ thống xử lý khi thải đạt tiêu chuẩn EU 2000.
Quá trình sản xuất của nhà máy được quản lý và điều hành bởi hệ thống điều khiển tự động, Các thông tin quản lý sản xuất được giám sát, điều hành từ trung tâm điều khiển của nhà máy.
Được biết, Nhà đầu tư United Expert Investments Limited có trên 35 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực xử lý rác thải và đã đầu tư 26 dự án xử lý rác thải tại các quốc gia như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Romania, Đức, Thụy Điển, Trung Quốc. Công nghệ nhà đầu tư áp dụng tại nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt phát điện tại Hải Dương là công nghệ đốt rác tiên tiến, hiện đại, hiệu quả, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Đầu tư đúng quy định
Nhà máy xử lý rác thải phát điện sẽ được xây dựng tại cánh đồng Cửa Sở và Lò Vôi, thôn Bình Long, xã Lương Điền, huyện Cẩm Giàng với tổng diện tích thu hồi đất là 10,41 ha; trong đó: thu hồi 82.635 m2 đất nông nghiệp của 89 hộ gia đình, cá nhân và một phần đất công ích, đất giao thông, đất thủy lợi do UBND xã Lương Điền quản lý.
Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt phát điện tại xã Lương Điền có tổng vốn đầu tư là 45 triệu USD tương ứng với công suất 500 tấn/ngày đêm (xử lý rác thải sinh hoạt không phân loại). Trong đó, giai đoạn I đến năm 2020 , nhà máy sẽ đạt 250 tấn/ngày đêm. Giai đoạn II sau năm 2020 đạt công suất 500 tấn/ngày đêm, phát điện 9 đến 10 MW. Với công suất này, khi đi vào hoạt động, dự án sẽ giải quyết được vấn đề rác thải cho huyện Cẩm Giàng.
Ông Trịnh Ngọc Thành, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng cho biết: Dự án đầu tư thuộc nhóm hoạt động bảo vệ môi trường được ưu đãi, hỗ trợ; thuộc dự án nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng nên khi giải phóng mặt bằng của dự án đầu tư không phải thỏa thuận với người dân có đất thu hồi.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Vương Đức Sáng cho biết: Theo quy định tại Điều 18, Điều 19, Điều 25 Luật Bảo vệ môi trường số 55/2014/QH13 ngày 23 tháng 6 năm 2014 và Phụ lục II Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường thì Dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt, phát điện thuộc diện phải phê duyệt đánh giá tác động môi trường trước khi Quyết định chủ trương đầu tư cho dự án. Tuy nhiên, việc thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt, phát điện tại tỉnh Hải Dương được thực hiện theo quy định của Luật đầu tư. Theo đó, tại Điều 33 Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 ngày 26/11/2014 quy định về Hồ sơ, trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh không yêu cầu thủ tục về đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đối với trình tự thủ tục quyết định chủ trương đầu tư của dự án. Tại khoản 2 Điều 4 Luật Đầu tư về áp dụng Luật đầu tư có quy định “Trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật này với luật khác về ngành nghề, ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh, ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện, trình tự thủ tục đầu tư thì thực hiện theo quy định của Luật này, trừ trình tự thủ tục đầu tư kinh doanh theo quy định của Luật chứng khoán, Luật các tổ chức tính dụng, Luật kinh doanh bảo hiểm và Luật dầu khí’’. Do đây là dự án của nhà đầu tư nước ngoài phải được cấp Quyết định chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư làm căn cứ để thành lập tổ chức kinh tế thực hiện dự án đầu tư theo quy định của pháp luật và làm cơ sở để nhà đầu tư triển khai thủ tục tiếp theo của dự án như: Thủ tục đất đai, về môi trường, xây dựng.... để triển khai thực hiện dự án.
Đối với khoảng cách an toàn về môi trường đối với cơ sở xử lý chất thải rắn, tỉnh Hải Dương cũng đã tham vấn Bộ Xây dựng và trong công văn số 05/BXD-HTKT của Bộ Xây dựng ngày 19/3/2019 cho biết: Theo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam Quy hoạch xây dựng QCXDVN 01:2008/BXD quy định tải Khoản 20, Mục 1.2 về khoảng cách an toàn để bảo vệ nguồn nước, từ nguồn phát thải (trạm bơm, nhà máy xử lý nước thải, hồ sinh học, khu liên hợp xử lý chất thải rắn, bãi chôn lấp chất thải rắn, nghĩa trang, lò hỏa táng, công trình sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp…) đến các công trình hạ tầng xã hội. Tại Điểm 5, Khoảng 6.1.2, Mục 6.1 của QCXDVN 01:2008/BXD quy định về khoảng cách an toàn về môi trường như sau: “Nhà máy xử lý chất thải rắn (đốt có xử lý khí thải, sản xuất phân hữu cơ): khoảng cách an toàn về môi trường nhỏ nhất giữa nhà máy xử lý chất thải rắn đến chân các công trình xây dựng khác là >= 500m. Theo Khoản 22, Điều 3, Luật Xây dựng và Phụ lục I Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12/5/2015 và Điểm 4, Khoản 6.1.3, Mục 6.1 của QCXDVN 01:2008/BXD quy định về khoảng cách an toàn về môi trường nhỏ nhất từ nghĩa trang đến đường bao khu dân cư, trường học, bệnh viện, công sở… và trong vùng an toàn vệ sinh môi trường của nghĩa trang được thực hiện các hoạt động canh tác nông, lâm nghiệp, được xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật như giao thông, thủy lợi, tuyến và trạm điện, hệ thống thoát nước, truyền tải xăng dầu… Do đó, từ Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt và phát điện tại xã Lương Điền đến các nghĩa trang (nghĩa địa) trong khu vực không quy định khoảng cách tối thiểu.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho biết, trước khi có chủ trương xây dựng Nhà máy xử lý rác thải, huyện Cẩm Giàng và các cơ quan hữu quan đã họp và thông báo đối với những người dân có diện tích đất bị thu hồi. Tỉnh và nhà đầu tư cũng đã tổ chức đoàn có cả đại diện nhân dân tham quan trực tiếp một nhà máy tương tự đang vận hành ở Trung Quốc.
Ông Vương Đức Sáng khẳng định: Việc xây dựng Nhà máy xử lý rác thải là cấp thiết hiện nay, nhất là khi ô nhiễm do rác ở khu vực nông thôn ngày càng nặng nề. Tỉnh Hải Dương đã yêu cầu nhà đầu tư phải cam kết bảo vệ môi trường và giao cho các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện dự án. Nếu nhà đầu tư vi phạm, gây ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống của người dân, Hải Dương sẽ kiên quyết yêu cầu đóng cửa nhà máy và dừng dự án.