Theo tài liệu của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sơn La, tỉnh Sơn La trước đây thuộc Tiểu quân khu Vạn Bú (Thời Pháp thuộc). Ngày 7/4/1904, chính quyền Thực dân Pháp cho dời tỉnh lỵ về thị trấn Sơn La (thành phố Sơn La hiện nay), chúng lấy tên của thị trấn nhỏ này đặt tên cho tỉnh. Theo đó, Nhà tù Sơn La cũng được thực dân Pháp xây dựng.
Nhà tù Sơn La được xây dựng năm 1908 với diện tích 500 m2. Về sau Nhà tù mở rộng gấp 3 lần so với ban đầu (từ 500 m2 lên 1.500 m2) để “đón” các đợt người tù Cộng Sản từ nhà giam Hỏa Lò bị "phát vãng" lên Sơn La, và số tù chính trị cứ thế tăng dần.
Từ Hà Nội lên Sơn La hồi đó chỉ có một con đường độc đạo là con đường số 41 (nay là đường Quốc lộ 6). Vùng này được “mệnh danh” là "Nước độc rừng thiêng". Dân tù có câu "Nước Sơn La ma Vạn Bú" hoặc "Ai lên Hát lót Chiềng Lề, khi đi thì dễ khi về thì không". Trong tài liệu lưu giữ của Bảo tàng Sơn La có bút tích của Công sứ Sơn La Xanh - Pu - Lốp gửi Thống sứ Bắc kỳ có đoạn: "Chỉ cần một thời gian không lâu, sốt rét, bệnh tật và công việc khổ sai sẽ tiêu hao chúng (chỉ những tù cộng sản - PV) một cách êm thấm …". Tàn nhẫn hơn, chúng dùng chế độ vật chất để mua chuộc biến những người dân lạc hậu thành hàng rào bao vây nhà tù, ngăn cách những người tù chính trị với đông đảo quần chúng nhân dân và lợi dụng sự khác nhau về phong tục tập quán, về ngôn ngữ để ngăn cản tuyên truyền cách mạng của các tù chính trị.
Cây đào Tô Hiệu, nơi giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ trẻ. |
Tài liệu còn lưu giữ tại Bảo tàng Sơn La, cho thấy: Trong giai đoạn năm 1930 - 1932, các đoàn tù chính trị gồm 50 người bị kết án khổ sai 5 năm đày lên Sơn La, tháng 2 năm 1933, đoàn tù thứ 4 gồm 210 người, đây là đoàn tù đông nhất bị đày lên Sơn La. Sau khi Thực dân Pháp đàn áp dã man phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Trong đoàn tù này có các đồng chí: Trịnh Đình Cửu, Trần Văn Lan, Đỗ Ngọc Du, Khuất Duy Tiến, Trường Chinh, Lê Duẩn mà Thực dân Pháp đã xếp vào "những phần tử nguy hiểm".
Theo chân hướng dẫn viên khu di tích Kim Phượng (dân tộc Thái), chúng tôi được giới thiệu về tội ác của thực dân, về những người cộng sản đấu tranh kiên cường: Để lãnh đạo anh em đoàn kết đấu tranh với chế độ tù đày dã man, các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Trường Chinh đã bí mật lãnh đạo những đảng viên cộng sản từ nhà tù Hỏa lò bị Thực dân Pháp đày lên Nhà tù Sơn La họp lại, nhận định tình hình ở Ngục tù Sơn La và đề ra chủ trương thành lập "Hội đồng thống nhất" do đồng chí Trường Chinh phụ trách, dưới sự chỉ đạo "Hội đồng thống nhất" được chia thành các ban: Ban trật tự trong - Ban trật tự ngoài - Ban hợp tác xã - Ban Nhà bếp - Tổ nhà thuốc.
Tổ chức cộng sản trong nhà tù đã có những cuộc đấu tranh phản đối cai ngục Ga-Bô-Ri đánh đập tù nhân một cách dã man, tự ý cấm người tù xuống suối tắm giặt, không cho họ tự quản bếp ăn, bớt xén trắng trợn khẩu phần ăn của tù nhân. Cuộc đấu tranh kéo dài 13 ngày đêm của những người tù chính trị phạm ở Sơn La đã kết thúc. Sự ác độc tàn bạo của kẻ thì càng nung nấu thêm lòng căm thù, càng quyết tâm đấu tranh, tuyên truyền giác ngộ lòng yêu nước của binh lính, quần chúng xây dựng cơ sở cách mạng đầu tiên ở nước ta.
Triển lãm ảnh về Nhà tù Sơn La. |
Tháng 5/1940 đại hội chi bộ được tổ chức thảo luận, nội dung các chủ trương công tác và bầu ra Ban chi ủy, đồng chí Tô Hiệu được bầu làm Bí thư, chi bộ đề ra những chủ trương đường lối hoạt động trong tù đề ra phương hướng đấu tranh đồng thời tìm cách bắt liên lạc với tổ chức đảng bên ngoài nhà tù.
Đầu năm 1943, chi bộ Nhà tù Sơn La đã chính thức thành lập được 2 cơ sở cách mạng bên ngoài nhà tù đầu tiên ở Sơn La. Tháng 8 năm 1943, chi bộ Nhà tù Sơn La tổ chức cuộc vượt ngục đầu tiên ở Sơn La. Chi bộ chọn anh Lò Văn Gía, một đoàn viên thanh niên Thái cứu quốc có tinh thần yêu nước và nhiệt tình cách mạng. Thành phần vượt ngục gồm có 4 đồng chí do chi bộ Nhà tù chọn, đó là đồng chí: Nguyễn Lương Bằng, Trần Đăng Ninh, Lưu Đức Hiểu, Nguyễn Văn Trân. Do có sự chuẩn bị chu đáo nên cuộc vượt ngục của 4 đồng chí đã thành công. Anh Lò Văn Gía sau khi trở lại Sơn La đã bị Thực dân Pháp bắt và thủ tiêu. Tuy nhiên phong trào cách mạng được chi bộ Nhà tù Sơn La lãnh đạo vẫn không ngừng lớn mạnh.
Ý chí và tinh thần lạc quan cách mạng của đồng chí Tô Hiệu và các chiến sĩ cộng sản trong Nhà ngục Sơn La, cây đào Tô Hiệu trồng năm xưa, ngay tại nơi giam cầm như một minh chứng cho sự bất diệt của một dân tộc chưa bao giờ khuất phúc trước bất kỳ khó khăn, thử thách nào. Cựu tù Chính trị Mai Vi, nguyên thứ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin và thể thao khi trở lại thăm Sơn La, nói: “Tô Hiệu là linh hồn của chiến sĩ cộng sản bị giam cầm ở Nhà ngục Sơn La lúc bấy giờ. Đồng chí đã lãnh đạo chi bộ đấu tranh, giáo dục cộng sản cho các đồng chí của mình”.
Thực tiễn lịch sử cho thấy, với tính chất khác biệt của Nhà tù Sơn La, các thế hệ cách mạng tiền bối bị giam cầm nơi đây, với khí tiết đấu tranh của những người cộng sản đã biến nhà tù thành trường học cách mạng, đồng thời đem ánh sáng cách mạng lan tỏa khắp vùng Tây Bắc. Với ý nghĩa đặc biệt đó, ngày 31/12/2014, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận Di tích Nhà tù Sơn La là di tích cấp quốc gia đặc biệt.
Di tích nhà tù Sơn La được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, được xếp hạng quốc gia tù năm 1962. Và đã trở thành một trung tâm giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ người Việt Nam và ngày nay di tích cách mạng Nhà tù Sơn La trở thành một điểm thu hút nhiều đối tượng khác trong nước và nước ngoài, đặc biệt là trường học cách mạng cho thế hệ con em các dân tộc Sơn La.
Hơn một thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày ấy, quê hương Sơn La ngày một phát triển không ngừng với nhiều khởi sắc. Di tích nhà tù Sơn La với cây đào Tô Hiệu lịch sử đã trở thành môi trường học tập giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước, lòng tự tôn, tự hào dân tộc cho các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.