Theo đó, các nhà vườn ở tỉnh Đồng Tháp, nhất là vùng Cù lao xã Tân Thuận Đông, Tân Thuận Tây, thành phố Cao Lãnh đã sáng kiến làm ra sản phẩm từ trái cây làm hình nổi, chữ nổi, hay huyện Hồng Ngự và Tháp Mười trồng dứa đưa vào chậu hay nhà vườn thành phố Sa Đéc đưa loại rau, củ quả vào chậu tạo dáng, nhiều trái phục vụ bán tết 2017.
Anh Đào Thanh Nhã ở xã Tân Thuận Đông (thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) đã chuẩn bị hơn 500 trái cây các loại làm thành hình nổi, chữ nổi như: Phúc Lộc Thọ,Tấn Tài, Tấn Lộc, hình con gà, hình ông thần tài, ông địa… phục vụ khách hàng trưng Tết. Đây là những mặt hàng đang thu hút khách bởi lạ và đẹp mắt. Theo anh Nhã, tuy làm công phu trong 1 năm, nhưng sản phẩm làm ra lãi gấp 3-4 lần so với trái cây bình thường.
Ở huyện Hồng Ngự và Tháp Mười, người dân trồng hàng chục ha dứa đưa vào chậu hoặc bẻ trái bán, đây là loại dứa đỏ như son, thường được để trưng lên bàn thờ trong dịp Tết. Theo người dân Nam bộ, trưng loại trái cây này có nghĩa thơm, sung túc, hưởng những đều tốt quanh năm.
Anh Lê Văn Sum ngụ xã Long Thuận (huyện Hồng Ngự) trồng hơn 400 cây dứa đưa vào chậu phục vụ Tết Nguyên Đán 2017, đã được thương lái đến đặt mua với giá từ 70.000 - 80.000 đồng/cây. Một chậu chỉ có 1 cây dứa cho ra 1 trái to, đẹp, trọng lượng từ 1 - 1,5 kg/trái, nếu thu hoạch bán thường với giá 10.000-20.000 đồng/trái nhưng đưa vào chậu bán với giá rất cao trong dịp tết.
Anh Võ Văn Ngay ở xã Phú Thuận B (huyện Hồng Ngự) cũng trồng 1.000 chậu ngô Tết, được thương lái đến đặt cọc mua với giá 15.000 đồng/chậu. Với giá này, anh Ngay lãi gần 10.000 đồng/chậu.
Ở thành phố Sa Đéc, nhà vườn làm ra nhiều sản phẩm rau củ rất lạ mắt, vừa đẹp vừa cho nhiều trái để bán trong dịp tết. Cách trồng mới này làm đa dạng các dòng sản phẩm cây và hoa trưng trong dịp Tết, đồng thời góp phần nâng cao giá trị các loại rau, củ vốn bình dị, quen thuộc trong đời sống.
Anh Hữu Tài ở phường Tân Quy Đông (thành phố Sa Đéc) sản xuất ra các loại như: củ cải đỏ, bầu hồ lô, cà chua trồng trong chậu kiểng... với hơn 800 chậu để cung ứng ra thị trường tết 2017.
Ngoài ra, ở huyện Lai Vung còn có mô hình cho quít hồng vào chậu bán với giá rất cao, từ 2-10 triệu đồng/cặp. Các nhà vườn ở Đồng Tháp với ý nghĩ tự phát là đa dạng hóa các sản phẩm từ các loại trái cây, rau củ miệt vườn tạo sản phẩm đẹp góp phần nâng cao giá trị sản phẩm để phục vụ Tết 2017 nhưng mang lại hiệu quả kinh tế rất cao .