Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của thành phố giai đoạn 2011 - 2015, sau gần 4 năm triển khai đến nay vẫn chưa mang lại những hiệu quả rõ ràng. Ngoài những khó khăn khách quan, nhiều chuyên gia cho rằng, thành phố vẫn chưa có những giải pháp thực sự hữu hiệu trong việc xây dựng “nguồn nhân lực chất lượng cao”.
Chưa rõ về tiêu chí… “chất lượng cao”
Từ năm 2011, TP Hồ Chí Minh đã đặt ra mục tiêu xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập kinh tế quốc tế và công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong đó, tập trung nguồn nhân lực cho những ngành, lĩnh vực có vai trò quyết định, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội thành phố. Đặc biệt tập trung cho các ngành có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao để bảo đảm nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho 9 ngành dịch vụ, 4 ngành công nghiệp trọng yếu và xuất khẩu lao động.
Những doanh nghiệp có hàm lượng chất xám cao cần nguồn nhân lực chất lượng để phát triển sản xuất, kinh doanh. |
Trong mục tiêu đề ra đến năm 2015, TP Hồ Chí Minh xác định tập trung vào 6 chương trình phát triển nguồn nhân lực gồm: Chương trình nâng cao chất lượng giáo dục đại học, cao đẳng; Chương trình nâng cao chất lượng đào tạo nghề; Chương trình đào tạo đội ngũ doanh nhân; Chương trình nâng cao chất lượng, phát hiện bồi dưỡng năng khiếu, nhân tài lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, thể dục - thể thao; Chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực y tế và Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho hệ thống chính trị.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh: Có 3 vấn đề thách thức của nguồn nhân lực Việt Nam quan tâm nhất là: kỹ năng, ngoại ngữ và tác phong công nghiệp (kỹ luật và trách nhiệm). Trong thời kỳ hội nhập, cơ hội việc làm nhiều hơn nhưng yêu cầu cũng cao hơn đòi hỏi nguồn nhân lực phải có nhiều kỹ năng khác ngoài kiến thức chuyên môn như: khả năng giao tiếp, sử dụng vi tính, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng báo cáo, kỹ năng tìm hiểu và xử lý thông tin. Muốn thành công trong môi trường cạnh tranh, người Việt trẻ phải có ý thức mở rộng kiến thức nghề nghiệp, nâng cao năng lực tư duy khoa học, độc lập, lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, áp dụng công nghệ mới không ngừng phát triển kỹ năng nghề nghiệp… Ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc
Trung tâm Dịch vụ việc làm và Hỗ trợ doanh nghiệp - Ban quản lý Khu chế xuất- Khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh: Thống kê của Trung tâm cho thấy, trong số lao động được Trung tâm giới thiệu cho doanh nghiệp, chỉ có khoảng 30 - 40% số lượng lao động có tay nghề, đã được đào tạo trang bị kỹ năng mềm, trong khi số lượng lao động phổ thông doanh nghiệp tự đào tạo sau tuyển dụng chiếm đến 50 - 60%. Do đó, yêu cầu bức thiết hiện nay là phải chuẩn hóa đội ngũ lao động có tay nghề đạt các nhu cầu của các doanh nghiệp. Các khu công nghiệp mới hiện cũng có nhu cầu tuyển dụng các ngành nghề kỹ thuật cao cũng như lao động có chuyên môn, tuy nhiên, đội ngũ lao động này vẫn còn thiếu và chưa đáp ứng được yêu cầu. |
Các chương trình này được xác định các mục tiêu cụ thể như: Phấn đấu đến năm 2015, hệ thống các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố đạt chuẩn cơ bản theo quy định, trong đó, có 5 trường và các khoa chuyên ngành đạt chuẩn kiểm định trong khu vực ASEAN, từng bước thu hút sinh viên các nước khu vực ASEAN đến học tập. Có 80% sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng có việc làm phù hợp ngành nghề đào tạo. Có từ 15 - 20% tổng số sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng đạt chuẩn kiểm định trong khu vực ASEAN, đáp ứng yêu cầu công việc các ngành trọng điểm, các công ty, tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước…
Tuy nhiên, đến thời điểm cuối năm 2014, theo UBND TP Hồ Chí Minh, 6 chương trình phát triển nguồn nhân lực hiện cũng chỉ dừng ở giai đoạn “phê duyệt kế hoạch thực hiện” và đang trong quá trình điều chỉnh cho phù hợp với tình hình hiện nay. Các đối tượng mục tiêu của chương trình phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của TP Hồ Chí Minh hiện chưa được tham gia các chương trình đào tạo toàn diện. Đặc biệt, nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực khoa học, chế tạo, sản xuất những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, hàm lượng khoa học lớn vẫn chưa được thụ hưởng các chương trình phát triển nguồn nhân lực như kì vọng ban đầu.
Trong khi đó, nguồn nhân lực thiết yếu mà thành phố đang cần chính là đội ngũ cán bộ kỹ thuật, đội ngũ công nhân lành nghề có thể đáp ứng được yêu cầu trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao… Theo ông Lê Hoài Quốc, Trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, cho rằng tỉ lệ lao động có bằng Cao đẳng, Đại học và sau Đại học hiện nay tại Khu Công nghệ cao chiếm khoảng 30% tổng số lao động. “Tuy nhiên, không nên nhầm lẫn giữa lao động có bằng cấp và nhân lực chất lượng cao. Hai khái niệm này không phải là một. Lao động có bằng cấp chưa hẳn đã là chất lượng cao và ngược lại. Tiếc là hiện nay thành phố chưa có một định nghĩa thống nhất về nhân lực chất lượng cao, nên việc thống kê lực lượng lao động này một cách chính xác là rất khó khăn”, ông Quốc nói.
Đào tạo thiếu định hướng
Thực tế hiện nay tại TP Hồ Chí Minh, khi các nhà đầu tư đến với các khu công nghệ cao, vấn đề đầu tiên họ đặt ra là chất lượng nguồn nhân lực và nhân lực chất lượng cao của thành phố liệu có đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư. Công ty Intel Products Việt Nam là một ví dụ. Trong thời gian đầu hoạt động tại Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, công ty này đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng nhân sự. Phần lớn các ứng viên không đáp ứng được yêu cầu của công ty, đặc biệt là ở các kỹ năng thực hành, kỹ năng mềm và tiếng Anh. Intel sau đó đã xúc tiến chương trình HEEAP (Higher Engineering Education Alliance Program) với mục tiêu hiện đại hóa phương pháp giảng dạy khối ngành kỹ thuật tại các trường Đại học, Cao đẳng nghề trên toàn quốc. Hiện đã có 8 trường Đại học, Cao đẳng nghề tham gia chương trình HEEAP. Ở giai đoạn 2 của chương trình này, Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh cũng đã chính thức tham gia và sẽ là một đối tác tích cực, góp phần quan trọng trong việc đào tạo nhân lực chất lượng cao cho thành phố.
Tình trạng vừa thừa vừa thiếu nguồn nhân lực là vấn đề tồn tại lâu nay như một căn bệnh trầm kha, xuất phát từ việc đào tạo thiếu định hướng. Người có bằng cấp rất nhiều, nhưng người thực sự có khả năng làm việc hiệu quả lại thiếu… Theo đánh giá của ông Lê Hoài Quốc, nguyên nhân chính là do sự yếu kém của hệ thống giáo dục - đào tạo. Rất ít các cơ sở giáo dục đào tạo trong nước có đầu ra đạt chuẩn quốc tế. Phần lớn các sinh viên, học viên tốt nghiệp từ những trường đại học, cơ sở đào tạo nghề trong nước đều bị lệch pha so với nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp. Mặt khác, tâm lý coi trọng bằng cấp, ngại làm những công việc chân tay và tư duy hàn lâm, thiếu thực tế của một bộ phận không nhỏ giới trẻ hiện nay cũng góp phần quan trọng tạo nên sự mất cân đối trong cơ cấu nhân lực.
Ở góc độ quản lý vĩ mô, các chuyên gia cho rằng, hệ thống đào tạo nhân lực hiện nay cũng đang bị chia cắt manh mún. Có hai hệ thống đào tạo nghề song song cùng tồn tại, được quản lý bởi hai Sở khác nhau là Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Lao động, Thương binh và Xã hội. Tương tự như vậy, các trường đại học công lập được quản lý bởi Sở Giáo dục và Đào tạo, nhưng chức năng nghiên cứu lại giao cho Sở Khoa học và Công nghệ. Cách phân công quản lý tréo ngoe này trong hệ thống đào tạo khiến cho những nỗ lực tái cơ cấu, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực luôn gặp những khó khăn rất lớn trong việc phối hợp giữa các sở, ngành liên quan.
Để giải quyết những bất cập này, theo ông Lê Hoài Quốc, vấn đề nhận thức chính là yếu tố quan trọng. Nhận thức xã hội cần được thay đổi, đặc biệt là đối với những người có trách nhiệm trong các lĩnh vực có liên quan đến giáo dục, đào tạo về vai trò của lực lượng công nhân kỹ thuật cao, lành nghề như là lực lượng nền tảng cho công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Cần có quyết tâm tái cơ cấu lại cơ cấu nhân lực của thành phố. Đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục đào tạo, đặc biệt là các cơ sở đào tạo nghề. Khuyến khích phát triển các cơ sở giáo dục đào tạo đạt chuẩn quốc tế. Thành phố cũng cần có các chính sách phù hợp để khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào quá trình xây dựng phương pháp đào tạo và giáo trình của các cơ sở giáo dục đào tạo nhằm thu hẹp khoảng cách về chất lượng giữa cung và cầu lao động. Ngoài ra, thành phố cần tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài theo hướng gắn với nâng cao trình độ công nghệ, khuyến khích các hoạt động chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực.
L.Hiền - H.Tuyết