Trong những năm qua, Ban Chỉ đạo Tây Bắc và các bộ, ban, ngành Trung ương, các địa phương trong vùng đã nghiên cứu, tham mưu cho Đảng, Nhà nước và Chính phủ ban hành những cơ chế, chính sách đặc thù sát hợp với thực tiễn nơi vùng cao Tây Bắc. Một trong những chính sách đó là công tác phát triển nguồn nhân lực và an sinh xã hội, góp phần giúp đồng bào vùng cao xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu, xây dựng vùng Tây Bắc phát triển nhanh và bền vững.Coi trọng phát triển nguồn nhân lựcBà Nông Thị Bích Hà, Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Xã hội, Ban Chỉ đạo Tây Bắc cho biết, trong 10 năm qua công tác giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực luôn được các tỉnh trong vùng quan tâm thực hiện. Chính sách phát triển giáo dục dân tộc và chính sách đối với các trường bán trú được triển khai tích cực. Chất lượng đội ngũ giáo viên các cấp trên địa bàn từng bước được nâng lên, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn ở các cấp bậc học phổ thông đạt trên 99%; chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn có nhiều chuyển biến. Mạng lưới trường, lớp học được mở rộng, cơ sở vật chất được tăng cường. Năm học 2013 - 2014 các cấp học từ mầm non đến phổ thông toàn vùng (chưa tính các huyện tây Nghệ An, tây Thanh Hóa) có 7.225 trường, tăng 515 trường so với năm học trước; số trường đạt chuẩn quốc gia là 1.610 trường, tăng 280 trường so với năm học 2012 - 2013. Năm 2013, tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 63,4%.
Giờ lên lớp của cô và trò trường tiểu học Sủng Là huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. |
Các địa phương đã chỉ đạo triển khai dạy học theo chuẩn kiến thức, đổi mới phương pháp dạy học; tích cực triển khai cuộc vận động “hai không”, phong trào “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” trong ngành giáo dục - đào tạo. Đến nay 100% các tỉnh trong vùng Tây Bắc đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở, tỷ lệ học sinh bỏ học giảm đáng kể so với những năm về trước; số lượng học sinh trong vùng trúng tuyển hệ chính quy các trường đại học, cao đẳng trong cả nước tăng bình quân trên 25%/năm.
Bên cạnh đó, chương trình dạy nghề cho lao động cũng được quan tâm và có bước phát triển. Mạng lưới cơ sở dạy nghề được mở rộng; đến nay, toàn vùng có 404 cơ sở dạy nghề, gồm 14 trường cao đẳng nghề, 24 trường trung cấp nghề, 173 trung tâm dạy nghề và 183 cơ sở khác có nhiệm vụ dạy nghề. Ban Chỉ đạo Tây Bắc đã chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo khảo sát, đánh giá thực trạng và tham mưu cho Chính phủ phê duyệt nhiều quyết định, văn bản quan trọng đối với sự nghiệp phát triển giáo dục, đào tạo, dạy nghề vùng Tây Bắc.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2010 của toàn vùng đạt 30,49% (đạt mục tiêu Nghị quyết 37-NQ/TW đề ra là 25 - 30%), trong đó lao động qua đào tạo nghề đạt 25%, tăng 12% so với năm 2004. Giai đoạn 2006 - 2010, toàn vùng đã tuyển sinh gần 357.000 lao động, gấp 2,5 lần kết quả tuyển sinh giai đoạn 2001 - 2005. Năm 2013, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 39,1%, tăng 2,8% so với năm 2012; số lao động được tạo việc làm mới trong năm là 160.428 người, tăng 2,7 % so với kế hoạch đề ra. |
Nổi bật là Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg về việc một số chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường phổ thông dân tộc bán trú; Quyết định số 2123/QĐ-TTg, ngày 22/11/2010 phê duyệt đề án phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người giai đoạn 2010 - 2015; Quyết định số 1379/QĐ-TTg năm 2013 về phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc và các huyện phía Tây tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Nghệ An giai đoạn 2013 - 2020. Từ năm 2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ phối hợp thực hiện chính sách đào tạo nguồn nhân lực cho 3 vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ...
Tuy nhiên, hiện nay, Tây Bắc vẫn là vùng có nhiều khó khăn: Tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước, khoảng cách chênh lệch về sự phát triển giữa vùng Tây Bắc và các vùng trong cả nước vẫn chưa được thu hẹp đáng kể; cơ sở hạ tầng còn nhiều yếu kém, giao thông còn nhiều khó khăn; chất lượng nguồn nhân lực và trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ, nhất là ở cơ sở còn nhiều bất cập. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn những yếu tố gây mất ổn định, các thế lực thù địch đã lợi dụng những sơ hở, yếu kém của ta, gia tăng các hoạt động chống phá, đẩy mạnh thực hiện chiến lược "diễn biến hòa bình", gây bạo loạn lật đổ nhằm chống phá sự nghiệp cách mạng nước ta, tình hình tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy vẫn còn phức tạp.
Làm tốt công tác an sinh xã hộiThực hiện Chương trình 30a, trên tinh thần khuyến khích các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước, mỗi đơn vị nhận hỗ trợ, giúp đỡ ít nhất một huyện nghèo, Chính phủ đã phân công hầu hết các doanh nghiệp mạnh của Trung ương nhận “đỡ đầu” cho các huyện nghèo. Với tinh thần, ý thức trách nhiệm, sự tích cực trong thực hiện Chương trình 30a và công tác an sinh xã hội, các doanh nghiệp đã có nhiều cách làm phong phú, sáng tạo giúp các địa phương, huyện nghèo phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống cho người dân.
Theo bà Nông Thị Bích Hà, riêng đối với vùng Tây Bắc, đến nay 43/43 huyện nghèo trong vùng đã được các doanh nghiệp nhận hỗ trợ, cam kết đến năm 2020 với tổng số tiền là 2.114,58 tỷ đồng (chiếm 87,4% tổng số tiền doanh nghiệp cam kết hỗ trợ cho 62 huyện nghèo của cả nước). Trong đó, giai đoạn 2009 - 2012 đã thực hiện và giải ngân với tổng số tiền 1.314,64 tỷ đồng (chiếm 70% tổng số tiền doanh nghiệp đã giải ngân cho 62 huyện nghèo). Nguồn lực trên được hỗ trợ tập trung vào các lĩnh vực như: Xây dựng nhà ở, trường học, trạm y tế xã, hỗ trợ học bổng cho học sinh, sinh viên cử tuyển; đào tạo nghề, nhận lao động địa phương vào làm việc tại các đơn vị trực thuộc đóng trên địa bàn; đầu tư cơ sở y tế và các cơ sở hạ tầng xã hội...
10 năm qua, Ban Chỉ đạo Tây Bắc đã chủ trì, phối hợp tổ chức nhiều hoạt động như Hội nghị xúc tiến đầu tư, an sinh xã hội, giao lưu với các chủ đề “Chung tay cùng Tây Bắc và các huyện nghèo”, “Góp sức cùng đồng bào Tây Bắc”… các địa phương vùng Tây Bắc đã nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ về vật chất của nhiều đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp. Việc làm đó đã giúp cho địa phương, đồng bào nghèo vùng Tây Bắc có thêm nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo.
Nếu như năm 2009, tại hội nghị các doanh nghiệp hỗ trợ các huyện nghèo thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ với chủ đề “Chung tay cùng Tây Bắc và các huyện nghèo”, 41 doanh nghiệp đã phối hợp với 60 huyện nghèo của cả nước xây dựng chương trình hỗ trợ giảm nghèo cho đồng bào dân tộc, mức kinh phí cam kết trên 1.300 tỷ đồng, thì đến năm 2010 các doanh nghiệp tham gia Diễn đàn xúc tiến đầu tư vào vùng Tây Bắc đã ủng hộ quỹ an sinh xã hội các tỉnh Tây Bắc hơn 1 tỷ đồng. Đặc biệt, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2012 của Ban Chỉ đạo Tây Bắc, năm ngân hàng thương mại cam kết hỗ trợ 5 tỷ đồng phục vụ công tác an sinh xã hội vùng Tây Bắc. Đến nay, các ngân hàng BIDV, TMCP Sài Gòn Thương tín, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái đã triển khai và thực hiện cam kết tới các địa phương trong vùng.
Trong thời gian tới, khắc phục những khó khăn thực tại, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc vùng Tây Bắc tiếp tục nỗ lực phấn đấu, nêu cao ý thức trách nhiệm của mỗi người dân trong học tập, lao động, sản xuất góp phần phát triển kinh tế - xã hội; củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh…
Bài và ảnh: Viết Tôn