Mức trợ cấp cho người cao tuổi còn thấp
Việt Nam đang được coi là một trong số các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Theo dự báo của Liên hợp quốc đến năm 2030, tỷ lệ dân số trên 65 tuổi của Việt Nam sẽ vào khoảng 12,9% và năm 2050 là 23%.
Báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, tính đến 31/12/2018 cả nước có hơn 11,3 triệu người cao tuổi (chiếm 11,95% dân số), trong đó gần 2 triệu người từ 80 tuổi trở lên, khoảng 7,2 triệu người cao tuổi sống ở khu vực nông thôn, thuộc diện hộ nghèo cao hơn bình quân chung cả nước.
Phó Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam Nguyễn Hòa Bình cho biết, dù Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến công tác chăm lo cho người cao tuổi, nhưng đời sống người cao tuổi trên toàn quốc vẫn còn nhiều khó khăn.
Hiện nay 70% người cao tuổi không có tích lũy vật chất; 62,3% sống khó khăn, thiếu thốn; 27,6% cho rằng kinh tế đang kém đi; 18% sống trong hộ nghèo (tuổi càng cao càng nghèo); hơn 30% sống trong nhà kiên cố; gần 10% sống trong nhà tạm; 35% cảm thấy thất vọng; 33% không biết chia sẻ vui, buồn cùng ai; 22% cảm thấy rất cô đơn.
Theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, hiện mức trợ cấp xã hội hàng tháng cho người cao tuổi tối thiểu là 270.000 đồng/người/tháng. Một số tỉnh có điều kiện kinh tế khá đã nâng mức trợ cấp xã hội cao hơn mức quy định của Chính phủ, mở rộng đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội là người cao tuổi. Cả nước đã thành lập được 86 cơ sở chăm sóc và hàng trăm cơ sở tổng hợp chăm sóc, phục hồi chức năng cho người cao tuổi phục vụ khoảng 20.000 đối tượng.
Từ thực tế đó, người đứng đầu ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, đời sống người cao tuổi còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao so với tỷ lệ hộ nghèo chung của cả nước. Mức trợ cấp xã hội đối với người cao tuổi còn thấp, bằng khoảng 30% so với chuẩn nghèo thành thị và 40% chuẩn nghèo nông thôn.
Số lượng người cao tuổi được chăm sóc trong các cơ sở trợ giúp xã hội còn ít; cơ sở vật chất tại các cơ sở trợ giúp người cao tuổi còn thiếu thốn, chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, nhất là trang thiết bị y tế phục hồi chức năng, thiếu các dịch vụ trị liệu tâm lý...
Hạ độ tuổi nhận trợ cấp là cần thiết
Để đảm bảo mức sống tối thiểu cho người cao tuổi, nhiều cử tri ở các địa phương kiến nghị hạ độ tuổi nhận trợ cấp từ 80 tuổi xuống 75 tuổi và nâng cao mức trợ cấp vì từ năm 2014 đến nay thu nhập bình quân đầu người tăng lên song mức trợ cấp vẫn ở mức cũ.
Chủ tịch Hội Người cao tuổi tỉnh Lai Châu Lê Xuân Phùng cho biết, người cao tuổi ở vùng cao đa phần là nông dân, không có lương hưu nên đời sống rất khó khăn, phải tự lao động kiếm sống vì không dựa được vào con cái.
Bên cạnh đó, tuổi thọ của người cao tuổi ở khu vực vùng sâu, vùng xa thấp hơn ở thành phố rất nhiều nên tỷ lệ người được hưởng trợ cấp xã hội theo quy định của Nhà nước thấp. "Không ít người vất vả nhiều năm, cố chờ đến ngày được nhận trợ cấp thì mắc bệnh hiểm nghèo hoặc sức khỏe quá yếu...", ông Phùng cho biết.
Ông Lê Xuân Phùng cho rằng, việc hạ độ tuổi nhận trợ cấp xã hội là rất cần thiết và có ý nghĩa thiết thực đối với người cao tuổi khu vực miền núi bởi họ không hề có thu nhập gì, điều kiện canh tác, lao động rất khó khăn. Bên cạnh mức sống chưa được đảm bảo, sức khỏe của người cao tuổi cũng là vấn đề quan trọng cần được sự quan tâm nhiều hơn.
Theo ông Phùng, hoạt động khám sức khỏe định kỳ (mỗi năm một lần) cho người cao tuổi nhưng trên địa bàn tỉnh Lai Châu vẫn thất thường, không đảm bảo; đời sống tinh thần của người cao tuổi hạn chế do không có cơ sở vật chất, việc tổ chức các chương trình s.ống vui, sống khỏe rất khó khăn vì kinh phí hạn hẹp...
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, chế độ hiện nay là trên 80 tuổi không có lương sẽ được hưởng trợ cấp song thực tế nhiều người 80 tuổi dù không có lương nhưng gia đình khá giả, trong khi không ít người dưới 80 tuổi lại có hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Vì vậy, cần nâng cao mức trợ cấp xã hội để đảm bảo an sinh xã hội và xem xét vào hoàn cảnh để hỗ trợ, như vậy nguồn lực mới được tập trung.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, việc đề xuất của người dân cũng như các đại biểu Quốc hội tăng mức trợ cấp cho người cao tuổi thỏa đáng và cần thiết. Cuối năm 2019, Bộ sẽ trình Chính phủ đề xuất nâng mức bảo trợ xã hội. Tuy nhiên, muốn điều chỉnh hạ độ tuổi hưởng trợ cấp xã hội phải sửa Luật Người cao tuổi nhưng theo kế hoạch thì năm 2021 mới có thể sửa được.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, tuổi thọ của người Việt Nam đã tăng lên nhưng tuổi thọ khỏe mạnh vẫn thấp, vì vậy chính sách để người cao tuổi sống khỏe và sống tốt đang là vấn đề cần được quan tâm.
Bên cạnh việc nâng cao mức hỗ trợ tối thiểu, Phó Thủ tướng cho rằng cần tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng như dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tập trung vào quản lý bệnh mãn tính của người cao tuổi, nâng cao vai trò của bác sỹ gia đình; hướng dẫn, hỗ trợ thay đổi lối sống và phòng bệnh, thúc đẩy già hóa khỏe mạnh và năng động; khuyến khích sự tham gia của lĩnh vực tư nhân, các tổ chức và cộng đồng xã hội phối hợp đầu tư trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi...
Theo ông Nguyễn Hòa Bình, việc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đồng tình với nguyện vọng của cử tri và sẽ đề xuất với Chính phủ tăng mức trợ cấp cũng như hạ độ tuổi được hưởng chế độ là rất ý nghĩa. Đây được coi là động lực quan trọng để người dân nói chung và người cao tuổi nói riêng tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ, nêu gương cho con cháu, góp phần xây dựng và phát triển đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh...