Đó vừa là sự quan tâm hỗ trợ, chia sẻ động viên của cộng đồng, xã hội, vừa là các chính sách của Đảng và Nhà nước tới đời sống, tinh thần của những thương, bệnh binh và nạn nhân chất độc da cam nói riêng…
Trung tuần tháng 7 này, ông Nguyễn Xuân Hồng, người cựu chiến binh là nạn nhân chất độc da cam có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở thôn 7B, xã Việt Cường, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái đã rời ngôi nhà mái lá cũ kỹ, dột nát để chuyển sang chỗ ở mới rộng 70m2. Ngôi nhà tình nghĩa khá khang trang này là kết quả của sự nỗ lực tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, cộng đồng xã hội chung tay xoa dịu nỗi đau da cam của Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, trực tiếp là Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam và sự chia sẻ, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương, họ hàng, làng xóm của ông Hồng.
Trước đó hai tháng, thương binh Nguyễn Minh Khai ở tỉnh Điện Biên cũng rời ngôi nhà cũ lụp xụp để về chỗ ở mới tại phường Thanh Bình, thành phố Điện Biên Phủ. Đây là ngôi nhà tình nghĩa do Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Điện Biên xây dựng từ sự hỗ trợ của Tổng Công ty Viễn thông Việt Nam và đóng góp của gia đình và người thân của ông Nguyễn Minh Khai. Tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, Campuchia, ông Khai là thương binh 1/4, mất sức khỏe và nhiễm chất độc da cam/dioxin, suy giảm khả năng lao động, điều kiện gia đình hết sức khó khăn.
Ngôi nhà mới của ông Nguyễn Xuân Hồng hay của người thương binh Nguyễn Minh Khai chỉ là hai trong số hàng trăm ngôi nhà tình nghĩa mà cộng đồng, xã hội, các tổ chức trên khắp cả nước quan tâm dành cho những thương bệnh binh và nạn nhân chất độc da cam. Thông tin từ Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam cho thấy, tính đến tháng 3/2018, tổ chức này đã vận động được gần 1.724 tỷ đồng. Số tiền đó đã được sử dụng xây dựng 26 Trung tâm Bảo trợ xã hội, hỗ trợ làm nhà tình nghĩa, nhà tình thương; trợ cấp học bổng; trợ giúp tìm việc làm; hỗ trợ vốn sản xuất; tặng các phương tiện sinh hoạt; khám bệnh và cấp thuốc miễn phí; trợ cấp khó khăn, trợ cấp khắc phục thiên tai; thăm hỏi, tặng quà nhân ngày lễ tết cho hàng trăm ngàn lượt nạn nhân. Hội đã xây dựng 11 trung tâm xông hơi, giải độc tố cho nạn nhân. Riêng 6 tháng đầu năm 2019, đã làm và sửa chữa 165 ngôi nhà cho nạn nhân chất độc da cam.
Cũng là làm dịu đi nỗi đau, tri ân những người vì Tổ quốc mà chịu nhiều thiệt thòi, những năm qua, Đảng và Nhà nước đã không ngừng nỗ lực để giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam có được cuộc sống tốt nhất. Hơn 200.000 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc da cam đang được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; có hơn 50% số hộ gia đình có người tàn tật và nạn nhân chất độc da cam được hưởng chế độ bảo hiểm y tế… Hiện còn nhiều hồ sơ và hàng triệu người là nạn nhân đang chờ được hưởng chính sách ưu đãi. Đặc biệt là những nạn nhân bị phơi nhiễm, người sinh sống tại các khu vực tồn dư chất độc hóa học và các đối tượng không phải diện người có công. Dự kiến, thời gian tới, những trường hợp này sẽ dần được giải quyết.
Cùng với chính sách ưu đãi người có công và hệ thống chăm sóc sức khỏe rộng khắp, Đảng và Nhà nước đã triển khai thực hiện đồng bộ các chương trình quốc gia về kinh tế - xã hội; đã huy động toàn xã hội chăm lo cho các đối tượng người có công, người có hoàn cảnh khó khăn, người nghèo trong đó có nạn nhân chất độc da cam/dioxin thông qua: Chương trình xóa đói, giảm nghèo; Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm và dạy nghề; Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em; Chương trình 135; Chương trình 30a; Chương trình xây nhà tình nghĩa, nhà đồng đội; Hệ thống các quỹ: Quỹ nạn nhân chất độc da cam, Quỹ vì người nghèo, Quỹ đền ơn đáp nghĩa. Kết quả thực hiện các Chương trình và hoạt động của các Quỹ đã tạo ra phong trào xã hội rộng lớn, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho các nhóm đối tượng này, trong đó có nạn nhân chất độc da cam/dioxin.
Mới đây, Thủ tướng cũng đã quyết định thành lập Trung tâm hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường trên cơ sở kiện toàn, tổ chức lại Trung tâm công nghệ xử lý môi trường thuộc Binh chủng Hóa học, Bộ Quốc phòng. Trung tâm có nhiệm vụ chủ trì điều hành, phối hợp, tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ khắc phục hậu quả chất độc hóa học đối với môi trường và con người sau chiến tranh; xử lý ô nhiễm hóa chất độc, chất nguy hại, khắc phục sự cố hóa chất độc xạ và môi trường trong phạm vi toàn quốc; chủ trì xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu thông tin về khắc phục hậu quả chất độc hóa học sau chiến tranh. Đồng thời, thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực khắc phục hậu quả chất độc hóa học sau chiến tranh, xử lý ô nhiễm hóa chất độc, chất nguy hại, khắc phục sự cố hóa chất độc xạ và môi trường…
Theo Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh - Chủ tịch Hội nạn nhân Chất độc da cam, được sự quan tâm của các cấp, ngành, các nhà hảo tâm, thời gian qua, Hội đã xây dựng 26 trung tâm nuôi dưỡng; nuôi dưỡng gần 900 cháu là nạn nhân chất độc da cam. Các trung tâm nuôi dưỡng trở thành “mái ấm” của nạn nhân, cải thiện sức khỏe cho nạn nhân và cựu chiến binh, tiêu biểu là các trung tâm thuộc Trung ương hội và các tỉnh hội: Gia Lai, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tây Ninh, Bến Tre, Bắc Giang, Hà Nội, Thái Bình, Hà Tĩnh...
Hội cũng đang tích cực tư vấn cho Đảng, Nhà nước thực hiện tốt hơn nữa chính sách đối với người có công, giúp những đối tượng này được hưởng đúng, đủ chính sách. Thời gian gian tới, Hội sẽ tiếp tục phối hợp với các nhà khoa học trong nước và quốc tế tham gia vào việc đánh giá, lượng định hậu quả cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ gây ra ở Việt Nam; đề xuất các chủ trương, giải pháp khắc phục thảm họa da cam, xoa dịu nỗi đau da cam. Đồng thời, vận động các cơ quan tư pháp Mỹ có cách nhìn công tâm về vụ kiện của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, đưa ra những phán quyết công bằng, phù hợp với luật pháp quốc tế.