Theo UNDP, hoạt động nói trên là một phần trong gói hỗ trợ tài chính của nhân dân Nhật Bản trong Ngân sách bổ sung của Nhật Bản cho 11 quốc gia ở châu Á và Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. UNDP chịu trách nhiệm hỗ trợ kỹ thuật, quản lý tổng thể và thực hiện các hỗ trợ này.
Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam bày tỏ vui mừng khi hợp tác với đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và Chính phủ Việt Nam trong cung cấp một số nhu yếu phẩm khẩn cấp để phòng chống dịch COVID-19 cho những người nghèo, dễ bị tổn thương ở ba tỉnh này. Sự hỗ trợ này là một phần của hoạt động ứng phó tích hợp nhằm giúp các hộ gia đình dễ bị tổn thương đáp ứng nhu cầu cơ bản của họ khi vừa phục hồi sau đại dịch và “để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau”.
Trong khi đó, đại diện sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cũng bày tỏ hy vọng những đóng góp của Nhật Bản được dùng để giúp các hộ gia đình dễ bị tổn thương chịu ảnh hưởng bởi COVID-19 sẽ tạo ra sự khác biệt thực sự, đặc biệt là tại ba tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và Cà Mau của Việt Nam.
Theo đánh giá của UNDP, các hộ nghèo, cận nghèo và dễ bị tổn thương, bao gồm nông hộ sản xuất nhỏ và người lao động phi chính thức là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất do tác động của dịch COVID-19 và hạn hán ở khu vực phía Nam (vùng duyên hải Nam Trung Bộ và đồng bằng sông Cửu Long).
Kết quả nghiên cứu của UNDP cho thấy COVID-19 kết hợp với hạn hán, xâm nhập mặn đã làm giảm 55% doanh thu hộ gia đình; 54% hộ gia đình ở Bạc Liêu, Bình Thuận và Cà Mau phải đối mặt với các tác động cực đoan do tác động kép của dịch COVID-19 và hạn hán, xâm nhập mặn; trong giai đoạn giãn cách xã hội do dịch COVID-19, các hộ nghèo đã chi nhiều tiền nước, tiền điện và thực phẩm hơn; một số hộ gia đình đã phải bán gia súc của mình.
Do đó, người nghèo và cận nghèo tại các khu vực này hiện gặp hạn chế trong việc cung cấp các nhu cầu cơ bản cho gia đình, bao gồm khả năng phòng chống COVID-19; thiếu các nguồn lực để mua nước dự trữ hoặc các vật dụng vệ sinh cần thiết để phòng chống COVID-19.