Các trạm chờ xe buýt trở thành nơi bán trà đá, để bếp nấu, xả tờ rơi và thậm chí là nơi tập kết rác, vật liệu xây dựng. Nhiều khi người đi xe buýt không có chỗ để đứng chờ, phải “lấn” xuống lòng đường bất chấp những nguy hiểm cận kề.
Ngay tại cổng trường Đại học Thương Mại (Cầu Giấy, Hà Nội), kẻ đứng, người ngồi, chật chội, ngay dưới chân là những tờ quảng cáo bay tung tóe, bị dẫm đạp rách nát. Một vài người bán hàng rong chèo kéo khách. Chiếc xe buýt dừng lại đón khách, những mảnh giấy quảng cáo bay tứ tung, một số sinh viên vội vàng ăn nốt que thịt xiên, rồi vứt cả que lẫn giấy lau xuống chân trạm chờ, mọi người chen lấn nhau nhanh nhanh lên xe, một cảnh tượng hết sức hỗn độn.
Có mặt tại tuyến đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân) vào giờ cao điểm buổi trưa, nhiều người đứng chờ xe tại điểm gần ngõ 499 Nguyễn Trãi. Một cơn gió thổi, bụi bay mù mịt, tất cả những người đứng chờ phải nhất loạt giơ tay bịt mặt, mặc dù xe buýt đã dừng lại đón khách, nhưng nhiều người vẫn chưa kịp nhìn thấy bởi đang nhắm mắt tránh bụi. Sở dĩ có tình cảnh ấy, bởi con đường này thường xuyên có các xe chở vật liệu xây dựng qua, đất đá, cát sỏi rơi xuống đường. Một phần nữa, bởi trạm chờ xe buýt này, được đặt ngay cạnh nơi tập kết rác, mặc dù không phải là giờ thu gom rác, nhưng cũng có 3 – 4 chiếc xe xếp hàng ở đó. Ngay bên cạnh nơi tập kết rác là một đống đất ngổn ngang, vỉa hè bị đào xới, muốn đến trạm chờ, người dân chỉ còn cách đi bộ xuống lòng đường.
Cách điểm chờ này không xa, tính khoảng cách chỉ khoảng 2 số nhà là một trạm chờ xe buýt khác. Người đứng đợi xe buýt tại đây lại bị “bao vây” bởi các quán trà đá và xe ôm. Chỉ một trạm xe buýt nhỏ nhưng có đến 4 quán trà đá và 4 – 5 chiếc xe ôm xếp hàng. Mỗi lần có xe buýt dừng lại là xe ôm chen nhau chạy ra mời chào khách, tạo khung cảnh hỗn độn.
Không chỉ có nhếch nhác, theo đánh giá của những người đi xe buýt hiện nay, các trạm chờ này còn được bố trí chưa hợp lý. Chị Thu Hằng (Hưng Yên) khệ nệ xách chiếc túi to, mệt mỏi chị cho biết: “Tôi đi nhờ xe một chị bạn đến chân cầu vượt bên kia đường, rồi đi bộ sang, đồ nặng quá nên xách đến trạm chờ này đã thấy bở hơi tai. Có lẽ cần bố trí trạm chờ ở gần chân cầu vượt sang đường thì tiện hơn, vì từ chân cầu vượt ra đây khá xa, mà ở đây lại có 2 trạm chờ quá gần nhau”.
Tính từ trạm chờ xe buýt nơi chị Hằng đứng, để đi đến được trạm chờ tiếp theo, sẽ phải đi qua cầu vượt, tiếp đến là một ngã tư đường, tính ra độ dài khoảng 1 km. Theo một người dân ở đây, việc bố trí trạm chờ xe như vậy là không hợp lý, chỗ quá gần mà chỗ lại quá xa.
Sau đây là những hình ảnh nhếch nhác tại các trạm chờ xe buýt mà phóng viên ghi nhận được:
Cảnh hỗn độn tại trạm chờ xe buýt trên đường Nguyễn Trãi. |
Rác bao quanh người đứng chờ xe. |
Một trạm chờ xe buýt bị 4 quán trà đá vây quanh. |
Người đứng chờ xe buýt đối mặt với nhiều nguy cơ khi trạm xe buýt được bố trí ngay dưới trạm biến áp. |
Trạm chờ xe buýt nhếch nhác với nhan nhản tờ rơi quảng cáo.
|
Trạm chờ xe buýt tại gò Đống Đa, vật liệu xây dựng, vỉa hè bị đào bới, khiến người chờ không có chỗ đứng.