Xây dựng văn hóa giao thông công cộng, trong đó có văn hóa xe buýt cần bắt đầu từ thế hệ trẻ. Để làm được việc này, công tác tuyên truyền có vai trò quan trọng, phóng viên báo Tin Tức đã phỏng vấn ông Trần Anh Tuấn, Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội xung quanh chủ đề trên:
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội |
Thưa ông, đối với đô thị như Hà Nội, giao thông công cộng, trong đó phương tiện xe buýt có vai trò quan trọng trong việc giảm phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc. Vậy ông đánh giá như thế nào về văn hóa giao thông cộng cộng của thanh niên, học sinh, sinh viên Hà Nội?
Văn hóa giao thông công cộng nói chung và văn hóa xe buýt nói riêng hiện nay còn nhiều vấn đề bởi đây là phương tiện được sử dụng bởi mọi tầng lớp nhân dân. Riêng văn hóa xe buýt đã đề cập trong những năm gần đây thông qua nhiều diễn đàn. Sử dụng xe buýt đi lại có khá đông là thanh niên, học sinh sinh viên. Về cơ bản, họ có ý thức khá tốt về văn hóa ứng xử khi đi trên xe buýt như nhường chỗ cho người già, phụ nữ mang thai, giúp đỡ người tàn tật, trẻ em…
Tuy nhiên cũng phải thừa nhận một bộ phận có ý thức chưa tốt, ví dụ chưa nhường chỗ cho người lớn tuổi, cách ứng xử chưa đẹp của một số thanh niên. Thậm chí, đã có một số vụ xảy ra xung đột giữa thanh niên với phụ xe, lái xe. Do đó, những đối tượng này cần giáo dục, nâng cao nhận thức. Để tuyên truyền, giáo dục đối tượng này không chỉ có đoàn, hội thanh niên mà cần sự tác động từ nhiều phía như gia đình, trường học, công ty khai thác dịch vụ xe buýt mà cụ thể từ lái xe, phụ xe. Đồng thời, cũng kết hợp thông qua giáo dục tuyên truyền của báo chí, tờ rơi, diễn đàn xã hội… tạo dư luận xã hội đó, những đối tượng trên có những điều chỉnh hành vi sao cho phù hợp khi tham gia giao thông công công cộng, từ ý thức sẽ thành thói quen và hình thành nét văn hóa.
Việc xây dựng văn hóa giao thông công cộng, trong đó có văn hóa xe buýt là vấn đề cấp thiết. Tầm nhìn dài hạn với đô thị hiện đại là dần thay thế phương tiện cá nhân, nên các loại hình giao thông công cộng như xe buýt sớm tiếp cận sự hiện đại, văn minh và đáp ứng nhu cầu đi lại.
Vậy Thành đoàn đã xây dựng chương trình gì để xây dựng văn hóa giao thông công cộng nói chung và văn hóa xe buýt nói riêng, thưa ông?
Thực hiện chương trình 04 của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2011 - 2015", Thành đoàn đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục với nhiều hình thức đa dạng như thông qua các đợt tuyên truyền của đoàn thanh niên cơ sở, hệ thống phát thanh, tọa đàm về văn hóa ứng xử nói chung và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, trong đó có luật giao thông nói riêng. Trong giai đoạn nhiệm kỳ 2012 - 2017, một trong hai khâu đột phá được Thành đoàn chú trọng là xây dựng nét đẹp trong văn hóa ứng xử và ý thức chấp hành pháp luật của thanh niên Thủ đô; trong đó mảng lớn có văn hóa giao thông và ứng xử khi tham gia giao thông công cộng.
Đối với việc xây dựng văn hóa khi đi xe buýt, Thành đoàn Hà Nội đã hợp tác với Tổng công ty vận tải Hà Nội (TCTVT) thành lập CLB thanh niên tình nguyện. Đây là những sinh viên tích cực từ các trường đại học, cao đẳng và được TCTVT Hà Nội huấn luyện, đào tạo như nắm được các tuyến xe buýt, quy trình cấp thẻ để tuyên truyền đến sinh viên các trường. CLB này tham gia hiệu quả trong dịp tiếp sức mùa thi và tuyên truyền về văn hóa giao thông công cộng, văn hóa xe buýt. TCTVT Hà Nội cũng phối hợp với Hội sinh viên thành phố và Thành đoàn Hà Nội phát sổ tay, cẩm nang xe buýt tại các trường Đại học, cao đẳng. Bởi thực tế, chỉ khi người sử dụng có đầy đủ thông tin mới chấp hành tốt các quy định khi đi xe buýt.
Với chủ đề là Năm trật tự văn minh đô thị Hà Nội 2014 và gắn liền với Năm thanh niên tình nguyện, Thành đoàn xây dựng chương trình phối hợp với Công an thành phố trong giữ gìn trật tự an toàn giao thông. Chương trình bao gồm thành lập đội phản ứng nhanh giao thông, lực lượng tình nguyên viên tham gia giữ gìn trật tự giao thông; đồng thời tuyên truyền qua các cuộc thi về tiểu phẩm, hùng biện về văn hóa giao thông, văn hóa xe buýt. Thành đoàn cũng lấy tiêu chí ứng xử văn hóa giao thông như là tiêu chí đánh giá đoàn viên thanh niên.
Việc tuyên truyền chỉ thực sự có hiệu quả khi kết hợp với nhà trường, gia đình để nâng cao ý thức giới trẻ khi tham gia giao thông công cộng.
Theo ông, có nên đưa văn hóa giao thông vào trở thành một bộ môn giáo dục cho giới trẻ không và hình thức triển khai như thế nào?
Trên thực tế ngành giáo dục đã có những quy định dạy về Luật giao thông trong trường học. Hiện nay, ngay từ mẫu giáo, trẻ em đã được tiếp cận những quy tắc cơ bản của Luật giao thông như nhận diện biển báo, đèn xanh đèn đỏ… Từng cấp học sẽ có chương trình khác nhau. Tuy nhiên, các chương trình về Luật Giao thông và văn hóa giao thông công cộng hiện mang tính chất ngoại khóa nên thời lượng môn học chưa đồng bộ. Bên cạnh đó, giáo trình dạy cũng chưa theo quy chuẩn thống nhất.
Chúng ta nên có thời lượng nhất định cho văn hóa tham gia giao thông công cộng. Bởi thế hệ trẻ hôm nay, phương tiện sử dụng trong đô thị hiện đại sẽ là tàu điện ngầm, tàu điện trên cao, xe buýt. Do đó, việc đưa văn hóa giao thông, nhất là văn hóa khi tham gia giao thông công cộng là cần thiết nhằm nâng cao nhận thức cho học sinh, sinh viên, nhưng cần có lộ trình và xây dựng thành hệ thống đồng bộ. Việc giáo dục cho thế hệ trẻ về lợi ích của giao thông công cộng như hệ số an toàn, tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường, giảm ùn tắc… Phát triển giao thông công cộng là điều tất yếu trong quá trình xây dựng một thành phố văn minh, hiện đại.
Xin cảm ơn ông!
Xuân Cường