Nhiều bài học sau sự cố cháy cây xăng - Bài 1

 Bài 1: Bất cập quản lý quy hoạch cây xăng 

 

Sự cố cháy xe bồn chứa xăng dầu tại cây xăng 2B Trần Hưng Đạo đã được dập tắt nhưng sức nóng từ vụ cháy xăng này vẫn chưa hết. Điều quan trọng hơn, để không có thêm cây xăng nào phải đối mặt với sự cố đáng tiếc như vậy, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, các cơ quan quản lý nhà nước và người dân cần rút ra những bài học cần thiết về quản lý quy hoạch cây xăng và quản lý an toàn cháy nổ.


 

Cửa hàng xăng dầu Nguyễn Công Trứ (thuộc Công ty CP Xăng dầu chất đốt Hà Nội) nằm ngay sát khu tập thể Nguyễn Công Trứ.

 

Các điểm kinh doanh xăng dầu nằm sát các khu vực đông dân cư, thậm chí không đáp ứng được yêu cầu về khoảng cách an toàn theo quy định là một thực tế đang diễn ra khá phổ biến tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội. Điều này cho thấy, công tác quản lý quy hoạch cây xăng đang có nhiều bất cập.

 

Khoảng cách an toàn không bảo đảm

 

Cửa hàng xăng dầu tại phố Nguyễn Công Trứ (quận Hai Bà Trưng), thuộc Công ty cổ phần Xăng dầu chất đốt Hà Nội nằm lọt thỏm giữa khu dân cư đông đúc. Sát bên phải cây xăng này là cửa hàng bán giày dép, liền phía sau là khu tập thể Nguyễn Công Trứ. Mật độ phương tiện, dân cư lưu thông trên tuyến phố này khá lớn, gồm có cả dân cư của khu tập thể Nguyễn Công Trứ cũng như tiểu thương và khách hàng của khu vực chợ Trời. Cách đó chừng 1 km là cửa hàng xăng dầu tại phố Nguyễn Đình Chiểu, cũng thuộc Công ty cổ phần Xăng dầu chất đốt Hà Nội. Cây xăng này cũng nằm giữa khu dân cư đông đúc. Bên trái liền sát là khu trông giữ xe máy của thành phố với hàng trăm xe máy và nhiều ô tô. Đó chỉ là một trong nhiều điểm bán xăng tại TP Hà Nội không đảm bảo khoảng cách an toàn với các khu vực dân cư.


Các điểm bán lẻ xăng dầu là hạ tầng đô thị thiết yếu của tất cả các tỉnh, thành phố. Ở Việt Nam cũng như ở các nước trên thế giới, các điểm bán lẻ xăng dầu thường được đặt trong nội đô để đáp ứng nhu cầu của dân cư. Tuy nhiên, do xăng dầu là mặt hàng kinh doanh đặc biệt, liên quan tới an toàn cháy nổ nên phải tuân thủ các điều kiện kinh doanh hết sức ngặt nghèo, nhất là về điều kiện khoảng cách với các công trình xung quanh.


Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên báo Tin Tức, tại Hà Nội, nhiều vị trí của cây xăng gần sát các ngã ba, ngã tư, các tuyến phố huyết mạch, gần khu đông dân cư, chợ, trường học, nhà cao tầng tại các quận nội thành như: cây xăng Ngã Tư Sở (Đống Đa), cây xăng Nam Đồng (Đống Đa), Trường Chinh (Thanh Xuân), Nguyễn Đình Chiểu (Hai Bà Trưng), chợ Láng Hạ A - B (Ba Đình)… đều không đảm bảo khoảng cách tối thiểu với đường quốc lộ, các chợ, trường học, các khu nhà cao tầng...

 

Cây xăng có trước hay nhà dân có trước?


Việc các cửa hàng xăng dầu hiện tại không đảm bảo khoảng cách an toàn theo quy chuẩn với các công trình xây dựng điện sẽ gây nguy cơ mất an toàn. Tuy nhiên, không thể đồng nhất việc các cây xăng gần nhà dân với việc các cây xăng có sai phạm mà cần làm rõ là cây xăng có trước hay các công trình xung quanh có trước. Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hà Nội Nguyễn Văn Đồng, do kinh doanh xăng dầu là loại hình kinh doanh có điều kiện nên chỉ những cây xăng nào đáp ứng đủ điều kiện về vị trí, an toàn cháy nổ thì mới được cấp phép xây dựng và hoạt động. Nhiều cây xăng ở Hà Nội đã đi vào hoạt động từ vài chục năm nay, khi đó, xung quanh chưa có các khu dân cư cũng như các công trình khác.


Làm rõ thêm về việc các cây xăng xen lẫn các khu dân cư, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, việc quy hoạch mạng lưới xăng dầu và các điều kiện kinh doanh xăng dầu đã được pháp luật quy định rõ. Vấn đề quan trọng là các địa phương phải giám sát việc thực hiện quy định. Nếu cây xăng xây dựng sau các công trình dân dụng và công cộng dẫn tới không đảm bảo khoảng cách an toàn thì trách nhiệm thuộc về các doanh nghiệp và Sở Công Thương. Tuy nhiên, nếu cây xăng có trước, những công trình xây dựng và dân dụng vẫn được cấp phép xây dựng, thậm chí xâm lấn vào hành lang an toàn cây xăng thì chính quyền các địa phương phải có trách nhiệm.


Theo Quyết định số 5059/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội về việc phê duyệt Quy hoạch hệ thống cửa hàng xăng dầu trên địa bàn thành phố đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Hà Nội sẽ có 56 cửa hàng xăng dầu phải di dời hoặc giải tỏa vì quá chật hẹp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn về cháy nổ; 10 cửa hàng kinh doanh xăng dầu sẽ bị xóa bỏ, giải tỏa vì không đủ điều kiện kinh doanh; 45 cửa hàng phải di dời theo dự án khác, 52 cửa hàng phải nâng cấp, cải tạo.


Việc di dời hoặc giải tỏa những cây xăng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn là hết sức cần thiết. Nhưng, việc di dời cây xăng nếu không đi cùng với những giải pháp giám sát thực hiện quy hoạch và chính quyền các địa phương không quản lý chặt chẽ công tác xây dựng xung quanh các cây xăng thì quy hoạch các trạm xăng sẽ lại bị phá vỡ.

 


Thu Hường - Tiến Hiếu - Hoàng Dương

 

Bài 2: Quy định an toàn cháy nổ bị “phớt lờ”

Khẩn trương điều tra nguyên nhân vụ cháy cây xăng Quân đội
Khẩn trương điều tra nguyên nhân vụ cháy cây xăng Quân đội

Viện kiểm sát quân sự phối hợp với công an TP. Hà Nội đã vào cuộc để điều tra nguyên nhân gây cháy lớn tại cây xăng thuộc công ty xăng dầu quân đội - Trạm xăng dầu số 9 ở địa chỉ 2B Trần Hưng Đạo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN