Tình trạng thiếu lương thực xảy ra nghiêm trọng nhất đối với hơn 600 hộ dân với gần 2.500 khẩu đã phải di dời do nhà bị sập hoặc nhà ở trong khu vực có nguy cơ sạt lở cao. Từ ngày được di dời đến nơi ở mới, mỗi khẩu được hỗ trợ 5-6 kg gạo. Hiện nay lượng gạo của huyện huy động để cấp cho người dân cũng thiếu. Tại các bản, lượng lương thực, thực phẩm trong dân cũng cạn dần. Khó khăn nhất hiện nay là vẫn còn nhiều bản bị cô lập, không có dầu diezen để xay lúa, cối giã gạo cũng không có.
Hiện ở Đoàn Kinh tế quốc phòng 4 (Quân khu 4) có 50 người dân của huyện Mường Lát đang được hỗ trợ ăn ở tại đơn vị. Tại Ban Chỉ huy quân sự huyện Mường Lát, 350 người đang được đơn vị bố trí ăn, ở tại doanh trại Ban Chỉ huy quân sự huyện.
Trong chiều 5/9, tỉnh Thanh Hóa đã đưa gạo cứu đói lên huyện Mường Lát, tuy nhiên đoạn đường từ xã Nhi Sơn đến trung tâm huyện Mường Lát bị sạt lở nặng với khối lượng gần 2 triệu m3 đất, đá trên quãng đường 30 km, nên công tác cứu trợ gặp nhiều khó khăn. Huyện Mường Lát đã lên phương án sử dụng xe máy vận chuyển gạo trên quãng đường 10 km sau đó sử dụng cano để chở gạo qua sông Mã. Tiếp đó, gạo lại được vận chuyển về trung tâm huyện để phân phối cứu đói cho dân. Tuy nhiên nước sông Mã vẫn đang cao, chảy xiết nên việc vận chuyển gạo rất khó khăn, nguy hiểm. Ông Phạm Bá Điểm cho biết thêm, phương án này chỉ chở được 2 tấn gạo/ngày, song ở thời điểm này đây là cách làm duy nhất.
Theo thống kê của Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa, hiện trên các tuyến Quốc lộ 15; 15C, 16, 217 lên các huyện Quan Sơn, Quan Hóa, Mường Lát vẫn còn 96 vị trí bị sạt lở, ngập lụt gây tắc đường. Tuyến đường tuần tra biên giới vẫn còn nhiều vị trí sạt lở chưa thể thống kê đầy đủ. Nhiều bản, làng vẫn bị cô lập.
Trước thực trạng trên, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Thanh Hóa và các huyện Quan Sơn, Quan Hóa, Mường Lát đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện, thiết bị để khắc phục các sự cố về giao thông, đồng thời chỉ đạo lực lượng trực gác lũ, làm rào chắn, cắm biển báo điều tiết giao thông tại các khu vực bị ngập sâu, sạt lở, tắc đường.
Ông Trần Văn Hải, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Thanh Hóa cho biết: Nếu thời tiết diễn biến theo hướng thuận lợi, không có mưa thì nhanh nhất cũng phải 3-4 ngày nữa mới có thể thông được tuyến Quốc lộ 15C từ thành phố Thanh Hóa lên Mường Lát. Khi đó Mường Lát mới thoát cảnh cô lập.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa đã huy động trên 360 cán bộ chiến sỹ, trên 2.280 dân quân giúp dân di dời, khắc phục hậu quả thiên tai. Lực lượng Bộ đội Biên phòng huy động lực lượng phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tìm kiếm người mất tích, tham gia di dời, sơ tán dân. Lực lượng Công an cũng huy động trên 1.600 lượt cán bộ, chiến sỹ đến các huyện miền núi tổ chức di dời người dân đến nơi an toàn.
Từ ngày 28/8 đến nay, mưa lớn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã làm 9 người chết, 3 người mất tích và 2 người bị thương. Mưa lũ cũng làm 283 nhà bị hư hỏng hoàn toàn, 265 nhà bị hư hỏng nặng, 13.174 nhà bị ngập nước, 24 điểm trường bị ngập, 2 nhà bán trú cho học sinh và giáo viên bị vùi lấp do sạt lở đất. Mưa lũ cũng làm trên 2.200 ha lúa, 663 ha hoa màu, 840 ha cây lâu năm, trên 2.000 cây trồng hằng năm bị hư hỏng, cuốn trôi. Trên 2.200 con gia súc, gần 100.000 con gia cầm bị chết do mưa lũ.