Nhiều bất cập khi thực hiện giá viện phí mới

Tăng giá viện phí nhằm giảm bớt khó khăn cho các bệnh viện cũng như nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân, nhưng sau hơn 1 tháng chính thức áp dụng quy định mới này đối với các cơ sở khám chữa bệnh công lập trên địa bàn Hà Nội đã bộc lộ nhiều bất cập.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Lưu Thị Liên cho biết, việc áp dụng giá viện phí mới theo Nghị quyết 13/2013/NQ - HĐND tại các đơn vị y tế công lập của Hà Nội đã phát sinh những khó khăn, vướng mắc trong việc áp giá đối với chuyên khoa đầu ngành của các bệnh viện hạng 2; một số kỹ thuật có giá chưa hợp lý; một số kỹ thuật có giá trùng nhau; một số kỹ thuật không có giá... cần phải tiếp tục tháo gỡ.

Điều trị bằng kỹ thuật "Xạ trị áp sát" cho bệnh nhân bị ung thư vòm họng tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội. Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN


Theo phản ánh của Bệnh viện Xanh Pôn, giá thu dịch vụ y tế theo Nghị quyết 13 áp dụng cho các bệnh viện công được tính bình quân bằng 75 - 80% của giá do Liên bộ Tài chính – Y tế xây dựng tại Thông tư 04. Như vậy, đối với 25% còn lại, bệnh viện không biết sẽ được tính từ nguồn ngân sách Nhà nước cấp hay phải huy động thêm từ các nguồn lực khác. Đây là bất cập lớn nhất vì không một nhà cung cấp hàng hóa nào chịu bán hàng cho bệnh viện với giá chỉ bằng 75% giá thị trường.

Mặt khác, các văn bản hướng dẫn sử dụng nguồn thu dịch vụ y tế không thống nhất, chẳng hạn như Nghị định 66/2013/NĐ-CP của Chính phủ và công văn số 262/STCQLNS của Sở Tài chính Hà Nội về cải cách tiền lương quy định bệnh viện phải trích 35% số tiền dịch vụ y tế thu được sau khi trừ chi phí thuốc, hóa chất, vật tư tiêu hao đã kết cấu trong giá dịch vụ để giải quyết tiền lương tăng thêm, trong khi cơ cấu giá dịch vụ y tế theo Nghị quyết 13 không có tiền lương, tiền công, đồng thời bệnh viện phải dành 15% số thu từ dịch vụ khám bệnh để sửa chữa nâng cấp, mở rộng khu khám, mua sắm điều hòa nhiệt độ, máy tính, bàn ghế giường tủ; 15% thu từ dịch vụ ngày giường để nâng cấp cải tạo các buồng bệnh, tăng số lượng giường bệnh, bổ sung thay thế tài sản để nâng cao chất lượng dịch vụ.

Việc áp dụng quy định mới này ở các bệnh viện hạng 2 bao gồm: Bệnh viện đa khoa Y học cổ truyền Hà Nội, Bệnh viện Da liễu Hà Nội, Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội, Bệnh viện Phổi Hà Nội, Bệnh viện Việt Nam - Cuba, Bệnh viện Mắt Hà Nội, Bệnh viện đa khoa Đống Đa, Bệnh viện Thận Hà Nội, Bệnh viện Điều dưỡng và phục hồi chức năng Hà Nội cũng khiến các bệnh viện này thiệt thòi. Từ trước tới nay, các chuyên khoa đầu ngành được thanh toán ở mức thu của bệnh viện hạng 1 nhưng tại Nghị quyết 13 do chưa có căn cứ nên Hội đồng nhân dân thành phố không quy định nội dung này.

Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Nam - Cuba Đào Thị Dung cho biết, trước đây, theo Quyết định số 6989/QĐ – UBND ngày 31/12/2009 của UBND thành phố thì Bệnh viện Việt Nam – Cuba là bệnh viện hạng 2 có hai chuyên khoa đầu ngành là Răng hàm mặt và Tai mũi họng được áp giá theo bệnh viện hạng 1. Hai chuyên khoa đầu ngành này được trang bị máy móc hiện đại, bác sỹ có trình độ cao gồm nhiều tiến sỹ, thạc sĩ, thực hiện được nhiều kỹ thuật cao ngang với bệnh viện Trung ương, nhận điều trị bệnh nhân nặng chuyển từ tuyến dưới và cả các bệnh viên hạng 1 trong toàn thành phố.

Nhưng thực hiện Nghị quyết 13 lần này, giá viện phí “cào bằng” về bệnh viện hạng hai hết. Như vậy, Bệnh viện Việt Nam – Cuba có nhiều dịch vụ kỹ thuật của 2 chuyên khoa đầu ngành bị giảm giá (Số dịch vụ kỹ thuật của 2 chuyên khoa răng hàm mặt và tai mũi họng do áp giá từ mức thu bệnh viện hạng 1 xuống bệnh viện hạng 2).

Theo bà Dung, gọi là tăng giá nhưng trên thực tế số dịch vụ kỹ thuật tăng giá của Nghị quyết 13 chỉ chiếm khoảng 30% còn lại là giữ nguyên (Theo phụ lục 6 Nghị quyết 13: “Danh mục 1365 dịch vụ kỹ thuật đã thực hiện theo quyết định số 6989/QĐ – UBND năm 2009 không điều chỉnh giá lần này”) .

Để việc thực hiện danh mục kỹ thuật và áp dụng thanh toán viện phí được thuận lợi, bà Dung cho rằng, Bộ chủ quản cần phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng một bảng giá mới gồm đầy đủ danh mục các dịch vụ kỹ thuật cập nhật, chứ không phải căn cứ vào quá nhiều giá quy định trước đây (Quyết định 6989/QĐ - UBND năm 2009 vẫn một phần căn cứ vào giá thông tư 14/TTLB từ năm 1995 và thông tư liên tịch 3/2006).

Hiện nay, đời sống xã hội ngày càng được nâng cao, khoa học kỹ thuật phát triển, nhu cầu được khám chữa bệnh dịch vụ cao, kỹ thuật cao là cần thiết, nhưng đòi hỏi quy trình kỹ thuật hiện đại, điều kiện vô khuẩn ngặt nghèo, vật tư tiêu hao đi kèm giá cao nên với giá quy định như hiện nay ngành y tế vẫn rất khó khăn để đảm bảo thực hiện tốt các quy trình kỹ thuật và vô khuẩn trong nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân.

Ở bệnh viện khác lại rơi vào nghịch cảnh tăng giá, giảm thu như Bệnh viện đa khoa Đan Phượng. Theo Giám đốc bệnh viện Nguyễn Văn Chung, trong hai tuần đầu thực hiện viện phí mới, nguồn thu của bệnh viện không những không tăng mà còn giảm 20%. Chẳng hạn như thực hiện một ca mổ đẻ, kể cả đẻ thường mất nhiều chi phí, trong đó có những chi phí lớn như chỉ khâu hoặc truyền máu sau đẻ nhưng biểu giá mới quy định lại chưa đề cập đến những chi phí này. Nếu bệnh viện thu thêm của bệnh nhân sẽ sai quy định, nhưng không thu thì bệnh viện sẽ lỗ nặng.

Cũng theo cách tính này, ở Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, giá trọn gói của dịch vụ đẻ thường có cắt khâu tầng sinh môn thực chất cũng bị giảm hơn so với giá cũ. Giám đốc bệnh viện Nguyễn Duy Ánh cho biết, một số dịch vụ y tế có giá thấp hơn so với chi phí thực tế, thấp đến mức không thực hiện được (như các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản) nên bệnh viện đã làm công văn đề nghị thành phố xem xét. Bên cạnh đó, một số dịch vụ y tế bệnh viện cũng chưa rõ cách tính do có những danh mục dịch vụ trùng nhau, nhưng đơn giá khác nhau.

Đối với các cơ sở y tế tuyến xã, nhiều dịch vụ được phép thực hiện như siêu âm, xét nghiệm nước tiểu nhưng lại không được phép thu cũng gây khó khăn cho đơn vị.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Lưu Thị Liên, để gỡ những vướng mắc nêu trên, hiện nay, Sở Y tế Hà Nội đang đề nghị tất cả các đơn vị y tế trên địa bàn phải rà soát, thống kê cụ thể tên, giá từng dịch vụ còn bất cập để Sở báo cáo UBND thành phố.

Trong thời gian chưa có hướng dẫn điều chỉnh, các đơn vị phải tự cân đối thu chi, không được thu thêm bất kỳ khoản phí nào của bệnh nhân. 100% các cơ sở phải niêm yết công khai bảng giá khám bệnh, chữa bệnh tại khoa khám bệnh, bộ phận thanh toán viện phí và tại các khoa lâm sàng; tiếp tục tuyên truyền tới cán bộ viên chức người lao động và giải thích cho người bệnh đồng thời tăng cường giáo dục y đức của cán bộ y tế, nêu cao tinh thần trách nhiệm của từng cá nhân, thái độ tiếp xúc với đồng nghiệp và người bệnh; đảm bảo 100% cơ sở y tế tổ chức tập huấn chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, giáo dục y đức cho cán bộ, viên chức và người lao động.

Bên cạnh đó, thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn 2210/BYT – KH –TC ngày 16/4/2012 về việc hướng dẫn triển khai Thông tư liên tịch số 04, các đơn vị cũng đảm bảo sử dụng tối thiểu 15% số thu từ dịch vụ khám bệnh và ngày giường điều trị để sửa chữa nâng cấp cải tạo mở rộng khu vực khám bệnh, buồng bệnh, thay thế và bổ sung tài sản, thiết bị cho phòng khám, buồng khám, buồng bệnh.


Tuyết Mai
Chất lượng dịch vụ chưa tăng cùng viện phí
Chất lượng dịch vụ chưa tăng cùng viện phí

Sau 1 năm áp dụng viện phí mới, chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh chưa có những thay đổi tương xứng, tình trạng quá tải tại các bệnh viện còn phổ biến, đặc biệt việc tăng chỉ định các dịch vụ chụp chiếu, xét nghiệm lại có xu hướng gia tăng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN