Theo kết quả điều tra, khảo sát về công tác cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn Hà Nội, hiện nay, toàn thành phố có 1.437 công trình nhà cao tầng, trong đó có 94 công trình cao trên 100 m; 5.311 khu dân cư, trong đó có 4 khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao…
Hệ thống hạ tầng kỹ thuật giao thông của thành phố gồm 1.370 tuyến, trong đó có 7 cầu lớn; 115 hầm chui cơ giới và các loại; 4 tuyến đường thủy nội địa và 24 bến khách ngang sông. Địa bàn thành phố có nhiều con sông lớn và khoảng 69 hồ lớn nhỏ có liên quan mật thiết với hệ thống đường thủy.
Phân tích về những yếu tố tác động đến tình hình, đặc điểm sự cố, tai nạn trên địa bàn, UBND thành phố Hà Nội cho biết, Thủ đô có địa hình đa dạng, trong đó 7 huyện có rừng, thời tiết hanh khô có thể dẫn đến cháy rừng. Ngoài ra, hệ thống sông ngòi, đê, kè nhiều; mật độ dân cư đô thị đông, đường xá hẹp, hệ thống thoát nước không đồng bộ, khi mưa to, bão lớn thường gây ngập úng, đổ cây, sập đổ công trình, sạt lở đất đá... Do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, môi trường suy thoái, các hình thái thiên tai ở nước ta xảy ra ngày càng phức tạp, cực đoan, khó lường và khó dự báo, nên gặp nhiều khó khăn trong chỉ đạo, điều hành, phòng, chống và chuẩn bị lực lượng, phương tiện ứng phó khi xảy ra sự cố, tai nạn.
Cùng với sự gia tăng cơ học về dân số và các phương tiện giao thông, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ngày càng phát triển với nhiều thành phần kinh tế; các nguyên liệu, nhiên liệu, chất dễ cháy được sử dụng ngày càng nhiều và đa dạng... kéo theo những nguy cơ về mất an toàn, tiềm ẩn về cháy, nổ, sự cố, tai nạn, nhất là khi hệ thống cơ sở hạ tầng, kỹ thuật còn chưa đồng bộ và nhiều bất cập.
Công tác cứu nạn, cứu hộ được các cấp chính quyền của thành phố quan tâm thông qua việc tổ chức các lớp tập huấn với nhiều hình thức hướng dẫn, tuyên truyền cho người dân nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng xử lý cho người dân khi gặp sự cố, tai nạn xảy ra. Tuy nhiên, ý thức của một bộ phận nhỏ người đứng đầu cơ sở và người dân còn lơ là, chủ quan, chưa chú trọng đến công tác cứu nạn, cứu hộ; công tác phối hợp tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức về cứu nạn, cứu hộ chưa sâu rộng; vẫn còn có tư tưởng trông chờ, dựa vào Nhà nước và các cơ quan chức năng.
Từ năm 2017 - 2021, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ thành phố Hà Nội đã tiếp nhận và xử lý 945 tin báo yêu cầu cứu nạn, cứu hộ. Tổng số người được cứu và hướng dẫn thoát nạn là 503 người; 167 thi thể được tìm thấy.
Sau 5 năm triển khai Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18/7/2017 của Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy, Công an thành phố đã xử phạt các đơn vị vi phạm tổng số tiền trên 77,6 tỷ đồng, tạm đình chỉ 2.500 lượt cơ sở, đình chỉ 1.719 lượt cơ sở, ban hành 22.427 công văn kiến nghị, yêu cầu cơ sở khắc phục. Đến nay, 100% các vụ việc cháy, nổ trên địa bàn thành phố đều được tổ chức điều tra, kết luận nguyên nhân vụ việc. Công an thành phố đã khởi tố vụ án hình sự và khởi tố bị can đối với những đối tượng có hành vi vi phạm, điển hình là vụ cháy dãy kho, xưởng (tại ngõ 1, phố Đại Linh, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm) xảy ra ngày 12/4/2019, làm 8 người chết; vụ cháy tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Song Ngân, cụm Công nghiệp vừa và nhỏ Phú Thị (huyện Gia Lâm) xảy ra ngày 6/5/2020, làm 3 người chết.
Thành phố đã xây dựng và củng cố 5.3 đội dân phòng; thành lập 39.092 đội phòng cháy, chữa cháy cơ sở và chuyên ngành. Các mô hình liên kết hoạt động ngày càng có hiệu quả. Qua đó, các đơn vị, cơ sở đã chủ động phối hợp trong phòng ngừa cháy, nổ, sự cố, tai nạn xảy ra.
Tuy nhiên, công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn vẫn còn những hạn chế, thiếu sót. Để làm tốt công tác này trong giai đoạn tới, UBND thành phố Hà Nội đã đưa ra các kiến nghị và đề xuất. Trong đó, Thành ủy Hà Nội tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các cấp ủy Đảng, ngành tăng cường phối hợp chặt chẽ thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân vào việc thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy; có chính sách ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động cứu nạn, cứu hộ; chính sách, chế độ ưu đãi đối với lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm, người trực tiếp và người được huy động làm nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ.
UBND thành phố chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã và các cơ quan chức năng có liên quan kiểm tra, rà soát, phá dỡ các bục, bệ, barie, trụ bê tông, mái che, mái vẩy của các hộ gia đình, hộ kinh doanh... gây cản trở hoạt động của các xe chữa cháy, xe cứu nạn, cứu hộ; hạ ngầm các đường dây dẫn điện, cáp viễn thông đảm bảo chiều cao cho xe chữa cháy, xe cứu nạn, cứu hộ và các xe chuyên dụng hoạt động.
Bộ Công an tiếp tục phối hợp các bộ, ngành chức năng nghiên cứu ban hành, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về cứu nạn, cứu hộ đảm bảo phù hợp với thực tiễn, tạo hành lang pháp lý thuận lợi thực hiện công tác cứu nạn, cứu hộ; đảm bảo tính thống nhất chung giữa công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; thay thế các văn bản không còn phù hợp với điều kiện, tình hình thực tiễn hiện nay. Công an các địa phương đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ vào lĩnh vực cứu nạn, cứu hộ; tăng cường hợp tác quốc tế trong thực hiện nhiệm vụ này… nhằm trao đổi kinh nghiệm và tìm hiểu các kỹ thuật, chiến thuật để nâng cao trình độ, năng lực nghiệp vụ cho cán bộ, chiến sĩ.