Theo số liệu của Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), mỗi năm, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt của cả nước khoảng 25 triệu tấn. Trong đó, chỉ có 30% được đốt hoặc sản xuất phân hữu cơ, hơn 70% còn lại chôn lấp trực tiếp. Hà Nội mỗi ngày phát sinh khoảng 6.000 tấn rác, với tỷ lệ chôn lấp tới 90%, còn ở TP Hồ Chí Minh xấp xỉ 70%.
Ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, xử lý rác thải sinh hoạt đang là vấn đề nóng. Đặc biệt những ngày gần đây, khi người dân gần bãi rác Nam Sơn (Hà Nội) liên tục chặn xe vận chuyển vào bãi rác, khiến rác thải bị ùn ứ trong nội đô và thành phố phải bố trí các điểm chứa rác khác. Song, đây không phải giải pháp căn cơ, vì sự việc đã lặp lại nhiều lần.
"Có nhiều nguyên nhân, trước hết nằm ở quy hoạch. Kết quả rà soát năm 2019 của Tổng cục Môi trường tại các khu xử lý rác thải của 63 tỉnh, thành phố cho thấy, các điểm đổ thải không phù hợp với quy hoạch của các địa phương chính là nguyên nhân gây khó khăn cho quá trình xử lý rác thải. Theo quy định, bãi rác phải đảm bảo khoảng cách với khu dân cư là 500 m, nhưng nhiều nơi không đáp ứng được, gây ô nhiễm không khi và nguồn nước, nên người dân mới phản đối và đề nghị chính quyền có biện pháp di dời. Từ đó dẫn đến mâu thuẫn về giải tỏa, đền bù giữa thành phố và người dân", ông Thức phân tích.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng như nhiều địa phương đang áp dụng công nghệ xử lý rác lạc hậu, có đến 71% địa phương sử dụng biện pháp chôn lấp, 13% sử dụng công nghệ đốt rác, còn lại là những giải pháp khác.
Các chuyên gia cho rằng, hệ thống xử lý rác thải là vấn đề mang tính sống còn của một đô thị, nhưng chưa được chú trọng đúng mức ở Việt Nam. Đơn cử như ở Hà Nội, từ năm 1997 đến nay, chôn lấp vẫn là cách xử lý rác thải chủ yếu của Thủ đô. Trong khi, cứ 1 m3 rác thải được chôn xuống đất sẽ sinh ra 1,3 m3 nước rỉ rác gây ô nhiễm, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước sinh hoạt.
"Thủ tướng đang giao cho Bộ tham mưu cùng các bộ, ngành, địa phương trình Thủ tướng một số giải pháp cấp bách trong xử lý chất thải rắn, tập trung xử lý rác thải sinh hoạt. Các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng có lượng rác sinh hoạt phát sinh lớn được khuyến khích sử dụng công nghệ xử lý rác hiện đại như đốt phát điện, công nghệ thu hồi năng lượng trong thời gian tới", ông Thức cho biết.
Xử lý rác thải đòi hỏi phải giải quyết được bài toán quy hoạch, công nghệ và nguồn lực. Công nghệ sẽ liên quan đến tổ chức, phân loại, thu gom từ nguồn; công nghệ nào thì có chu trình đi kèm về thu gom, xử lý. Trước đây, Việt Nam cũng đã có phân loại, thu gom, nhưng không thành công. Bởi vậy, bài toán đặt ra là các địa phương phải làm đồng bộ từ nguồn, đến khâu vận chuyển về nơi xử lý cuối cùng cũng phải tính toán được công nghệ phù hợp.
"Lĩnh vực xử lý rác thải sinh hoạt hiện là một trong những lĩnh vực có tiềm năng để kêu gọi xã hội hóa, thu hút các nguồn lực đầu tư. Với tốc độ phát triển như hiện nay, xử lý rác thải sẽ ngày càng trở thành một vấn đề gây ảnh hưởng lớn tới chất lượng sống, cũng như sự phát triển bền vững của một đô thị. Chính vì vậy, gỡ nút thắt về quy hoạch và quyết liệt đầu tư công nghệ xử lý rác thải hiện đại, tiên tiến được xem là giải pháp ưu tiên. Riêng đối với Hà Nội, giải pháp mà thành phố hướng đến là việc đầu tư nhà máy điện đốt rác ngay tại Nam Sơn và vận hành ngay, thì bài toán rác thải ở Thủ đô sẽ được giải quyết", lãnh đạo Tổng cục Môi trường khẳng định.