Nhiều 'hạt sạn' tại công trình chống hạn hơn 32,5 tỷ đồng ở Đắk Nông

Hơn 1 tháng nay, hàng chục hộ dân và chính quyền xã Buôn Chóah, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông, “đứng ngồi không yên” vì nguồn nước cho cánh đồng đang vào chính vụ Đông Xuân thường xuyên thiếu hụt. Nguyên do là hệ thống trạm bơm được cải tạo, nâng cấp nhưng lưu lượng nước cấp cho cánh đồng lại… thấp hơn các năm trước.

Chú thích ảnh
Hệ thống kênh mương phía cuối kênh khô cạn. Ảnh: baodaknong.org.vn

Nông dân đặt nhiều kỳ vọng

Gia đình anh Hoàng Văn Hùng, ngụ thôn Buôn Chóah, xã Buôn Chóah, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông có hơn 4ha đất trên cánh đồng chính của xã. Vụ Đông Xuân năm nay, gia đình gieo trồng giống lúa đặc sản ST24 với kỳ vọng một vụ mùa bội thu sau nhiều năm trúng mùa, trúng giá.

Nhà nước đầu tư nâng cấp hệ thống trạm bơm nên người dân rất vui mừng, yên tâm canh tác. Nhưng hơn 1 tháng nay, nguồn nước không ổn định.

Cũng theo anh Hùng và một số hộ dân, mặc dù trạm bơm được đầu tư nâng cấp nhưng lượng nước thực tế trên kênh những lúc cao điểm cũng chỉ bằng 70 – 80% so với năm trước. Tình trạng này dẫn tới nhiều diện tích trên cánh đồng, nhất là tại các khu vực ở xa trạm bơm, rất khó khăn để lấy đủ nước. Trong khi hơn 1 tháng nay, cánh đồng rất cần nước do cây lúa từ giai đoạn gieo sạ cho đến thời kỳ đẻ nhánh.

Tương tự, anh Lương Văn Trâm, một nông dân trồng lúa trên cánh đồng xã Buôn Chóah cũng gặp phải tình trạng thiếu nước nghiêm trọng. Anh Trâm cho biết, để khắc phục trước mắt, anh phải tự bơm nước để cứu hơn 3ha lúa của gia đình mình.

“Từ Tết Nguyên đán tới giờ, máy nổ (động cơ diesel – PV) phải chạy liên tục mới đủ nước, mỗi ngày tốn cả trăm nghìn tiền dầu” – anh Trâm chia sẻ thêm.

Ông Nguyễn Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Buôn Chóah cho biết, nhiều khu vực trên cánh đồng xã Buôn Chóah thiếu nước từ trước Tết Nguyên đán tới nay. Tổng diện tích khoảng 24 ha. Nguyên do là lưu lượng nước từ các trạm bơm ven sông Krông Nô vào hệ thống kênh nội đồng xã Buôn Chóah không đủ, không bằng các năm trước. UBND xã đã đề nghị cấp có thẩm quyền có giải pháp hỗ trợ nông dân khắc phục trước mắt tình trạng trên.

Cánh đồng xã Buôn Chóah là một vùng trọng điểm lương thực của tỉnh Đắk Nông. Vụ Đông Xuân năm nay, nông dân gieo sạ khoảng 580 ha. Nếu điều kiện nguồn nước đảm bảo, nông dân trồng mỗi hecta lúa tại cánh đồng xã Buôn Chóah sẽ thu được khoảng 50 triệu đồng sau khi trừ đi chi phí. Còn nếu nguồn nước bấp bênh như hiện nay thì lợi nhuận sẽ giảm còn rất thấp, thậm chí nhiều diện tích mất trắng do hiện nay cây lúa đã còi cọc, suy kiệt do thiếu nước.

Thiết kế không hợp lý

Ngày 25/2/2021, ngành chức năng tỉnh Đắk Nông đã tiếp tục phối hợp với đơn vị chủ đầu tư, nhà thầu thi công và chính quyền địa phương khảo sát thực tế và tìm giải pháp đảm bảo nguồn nước ổn định, dồi dào cho người dân canh tác trên cánh đồng xã Buôn Chóah. Trước đó, vào cuối tháng 1/2021 vừa qua, ngành chức năng cũng đã phải họp khẩn cấp để xử lý vấn đề thiếu hụt nước trên cánh đồng này.

Theo một số hộ dân, lưu lượng nước từ trạm bơm ven sông vào hệ thống kênh nội đồng thấp hơn các năm trước. Nguyên do là đường dẫn nước từ sông Krông Nô vào trạm bơm thiết kế hơi cao nên máy bơm không bơm đủ nước theo công suất thiết kế. Mặc dù chủ đầu tư, đơn vị khai thác, vận hành đã bổ sung thêm máy bơm nhưng vẫn không khắc phục được.

Đồng quan điểm, ông Doãn Gia Lộc, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Nô khẳng định, đường dẫn nước từ sông Krông Nô vào hệ thống trạm bơm không có bể hút. Do đó, lượng nước đầu vào các máy bơm không đảm bảo nên lưu lượng nước vào kênh nội đồng không đủ, không bằng các năm trước.

Thiết kế đường dẫn như vậy là chưa phù hợp và nếu đơn vị chủ đầu tư, đơn vị thi công không sớm điều chỉnh, khắc phục thì tình trạng thiếu nước vào cao điểm mùa khô (khoảng cuối tháng 3/2021) và các năm tiếp theo sẽ còn gay gắt, khốc liệt hơn, ông Lộc cho hay.

Thêm nữa, khu vực lắp đặt các trạm bơm có chủ yếu là cát nhưng hệ thống đường dẫn nước lại không thiết kế bể lắng (cát). Sau khi trạm bơm hoạt động, cát sẽ vào rất nhiều, làm giảm hiệu suất máy bơm, hoặc gây ách tắc, hư hỏng máy bơm và ảnh hưởng lớn đến sản xuất của bà con nông dân.

Ông Lê Viết Thuận, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đắk Nông, đơn vị vận hành, khai thác hệ thống trạm bơm cho biết, để khắc phục tình trạng thiếu nước cục bộ tại một số vị trí trên cánh đồng, công ty sẽ lắp đặt trạm bơm dã chiến để cung ứng nước cho người dân. Muộn nhất là ngày 27/2/2021, trạm bơm dã chiến sẽ đi vào hoạt động.

Về lầu về dài, công ty đề nghị đơn vị chủ đầu tư có các giải pháp điều chỉnh, bổ sung phù hợp để đảm bảo hệ thống trạm bơm vận hành hiệu quả, cung ứng đủ nguồn nước cho toàn bộ cánh đồng, đảm bảo mục tiêu đề ra khi triển khai dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống trạm bơm.

Trao đổi với phóng viên TTXVN qua điện thoại, ông Hoàng Ngọc Thạch Dân, đại diện Công ty cổ phần Đầu tư, xây dựng Đường Việt (Đà Nẵng), đơn vị tư vấn, lập dự án khẳng định, đơn vị đã thiết kế đúng theo yêu cầu và được các bên thẩm định, phê duyệt.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông, đơn vị chủ đầu tư dự án, tiểu dự án nâng cấp, sửa chữa, xây mới 4 trạm bơm cho cánh đồng xã Buôn Chóah có tổng mức đầu tư hơn 32,5 tỷ đồng. Báo cáo của Ban Quản lý dự án này khẳng định, đã cho đơn vị thi công triển khai theo đúng hồ sơ đã được phê duyệt.

Theo ông Hoàng Trung Thơ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông, sau khi khảo sát thực tế, các bên liên quan ghi nhận hiện trạng và thống nhất lưu lượng nước trên kênh không đủ để cung cấp cho diện tích lúa tại cuối cánh đồng. Ưu tiên hàng đầu hiện nay của ngành nông nghiệp là phải đảm bảo nguồn nước tưới cho người dân canh tác vụ Đông Xuân.

Ông Hoàng Trung Thơ chỉ đạo đơn vị chủ đầu tư, nhà thầu thi công phải phối hợp với đơn vị quản lý, khai thác trạm bơm xử lý đến nơi đến chốn vấn đề này trong tháng 2/2021. Các vấn đề phát sinh liên quan tới dự án sẽ được tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý.

Hưng Thịnh (TTXVN)
Chủ động phòng chống hạn hán sau sự cố vỡ đập Bara Đô Lương
Chủ động phòng chống hạn hán sau sự cố vỡ đập Bara Đô Lương

Chiều 8/6, sau hai ngày vỡ đập Bara Đô Lương, tỉnh Nghệ An và các đơn vị chức năng đã cơ bản khắc phục được nhiều mặt như nước sinh hoạt, tập trung chống hạn tại chỗ cho diện tích lúa gieo cấy của các huyện Đô Lương, Yên Thành, Quỳnh Lưu, Diễn Châu bị ảnh hưởng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN