Các hồ thủy điện cạn nước đã ảnh hưởng lớn đến việc phát điện của các nhà máy, thậm chí không thể phát điện. Lượng nước hụt so với mức nước dâng bình thường là 29,37 tỷ m3, tương ứng sản lượng điện bị thiếu hụt lên tới 12,49 tỷ kWh.
Tại miền Bắc, ngoại trừ các hồ thủy điện Bản Chát, thủy điện Tuyên Quang có lưu lượng nước về đạt giá trị trung bình nhiều năm, thì các hồ thủy điện khác có nước về thấp. Đặc biệt, lưu lượng nước về trên dòng sông Đà tiếp tục thấp. Tính đến thời điểm hiện tại, lưu lượng nước về trung bình ngày của hồ Sơn La chỉ đạt xấp xỉ 2.100 m3/s, thấp hơn nhiều so với giá trị trung bình nhiều năm (3.800 m3/s).
Mặc dù theo quy luật hàng năm, cuối tháng 7 là giữa mùa lũ chính vụ, nhưng đến thời điểm hiện tại, nhiều hồ đã chạm đến mực nước chết, hạn chế cả về khả năng khai thác để phát điện và xả nước phục vụ dân sinh, như các hồ Trung Sơn, Sông Bung 2, Sông Bung 4, Sông Tranh 2, Vĩnh Sơn B, Sông Ba Hạ, Kanak, Buôn Tua Srah, Đồng Nai 3, Thác Mơ, Hàm Thuận, Đại Ninh, Bắc Hà, Sông Côn 2A, Bản Vẽ, Chi Khê, Hủa Na, Cửa Đạt, Hương Sơn, A Lưới, Hương Điền, Đồng Nai 2.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện về việc tập trung ứng phó với nắng nóng kéo dài, hạn hán và xâm nhập mặn tại khu vực Trung Bộ, yêu cầu cấp bách nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, tổ chức, đơn vị và người dân để thay đổi, nhận thức, chủ động sử dụng tiết kiệm điện, nước, ứng phó với tình trạng hạn hán, thiếu nước có thể thường xuyên xảy ra.
Công điện nêu rõ: Thời tiết diễn biến bất thường, tình trạng nắng nóng diện rộng xảy ra liên tiếp, kéo dài trong nhiều ngày, nhất là ở khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên. Đặc biệt, các đợt nắng nóng gay gắt xảy ra từ ngày 9 - 12/6 và từ ngày 20 - 23/6 với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 37 - 40 độ C, một số nơi ở tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình nhiệt độ đo được cao nhất trong lịch sử.
Hiện nay, nhiều hồ thủy điện thuộc EVN trên toàn quốc có mực nước thấp so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, các hồ thủy điện của các đơn vị ngoài EVN cũng trong tình trạng tương tự.
Theo dự báo của Tổng cục Khí tượng thủy văn quốc gia, thời gian tới, nắng nóng có thể còn tiếp tục xảy ra tại khu vực Trung Bộ, vùng núi phía Tây Trung Bộ có khả năng xảy ra nắng nóng gay gắt, lượng dòng chảy trên các sông tiếp tục suy giảm và thiếu hụt so với trung bình nhiều năm, nhất là tại các tỉnh Quảng Nam, Bình Định và Phú Yên, nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước diện rộng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.
Thực hiện Công điện của Thủ tướng, EVN cho biết sẽ tăng cường sử dụng các nguồn điện, ưu tiên dành nước của các hồ thủy điện hiện có để phục vụ phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn...
EVN cam kết chỉ đạo quyết liệt Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia và các nhà máy thủy điện khu vực miền Trung - Tây Nguyên phối hợp với các địa phương phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; bảo đảm cung cấp điện cho các trạm bơm phục vụ phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, khai thác hiệu quả lượng nước hiện có tại các hồ thủy điện. EVN cũng khuyến cáo người dân, doanh nghiệp sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.
Ngày 26/7, EVN đã có văn bản gửi Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để báo cáo về tình trạng nước tại các hồ chứa thủy điện khu vực miền Trung và Tây Nguyên, trong đó đề nghị các cơ quan này thông báo tới các địa phương khu vực hạ lưu các hồ chứa thủy điện về tình trạng các hồ chứa phía thượng nguồn nhằm kịp thời dự trữ nước và sử dụng nguồn nước hiệu quả, tiết kiệm.