Mưa lớn kéo dài kèm theo các hiện tượng thời tiết cực đoan như dông lốc, lũ quét, sạt lở gây thiệt hại nặng nề cho nhiều địa phương ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, đặc biệt là một số huyện vùng xa của tỉnh Thanh Hóa. Mặc dù vậy, nước về các hồ thủy điện cải thiện không đáng kể. Thậm chí các hồ ở khu vực ít chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão vẫn ở mức nước rất thấp, thậm chí còn dưới cả mực nước chết.
Ngay khi có thông tin về bão số 3, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã chỉ đạo Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương và các Chủ hồ thủy điện để có những thông tin cập nhật nhất về hướng di chuyển của cơn bão, lưu lượng nước dự kiến về các hồ thủy điện.
Qua đó, các chủ hồ chủ động xây dựng các phương thức vận hành hợp lý các hồ chứa thủy điện trước và trong thời gian bão nhằm đảm bảo an toàn công trình cũng như khai thác tối ưu hồ chứa. Mặt khác, hạn chế tối đa việc xả thừa và tranh thủ tích nước các hồ có mực nước thấp, đặc biệt là các hồ có yêu cầu về cấp nước tưới tiêu phía hạ du.
Theo EVN, diễn biến bão số 3 vừa rồi cho thấy tình hình thủy văn các hồ chứa thủy điện miền Bắc được cải thiện không đáng kể, tập trung chủ yếu vào các hồ chứa trên lưu vực sông Cả và sông Mã. Chỉ có một số hồ chứa thủy điện từ khu vực tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa đã tích nước lên đáng kể như Bản Vẽ (tăng 14.3m), Hủa Na (tăng 14.3m), Cửa Đạt (tăng 5.3m) và Trung Sơn (tăng 7.3m).
Tuy nhiên, so với mực nước tối đa được tích trong giai đoạn lũ chính vụ thì mực nước các hồ thủy điện phía Bắc vẫn rất thấp như Sơn La (thấp hơn 9.88m), Hòa Bình (thấp hơn 2.73m), Thác Bà (thấp hơn 6.39m), Bản Vẽ (thấp hơn 20.58m), Hủa Na (thấp hơn 3.30m), Cửa Đạt (thấp hơn 30.72m).
Đối với các hồ thủy điện miền Trung và Nam hiện vẫn ở mực nước thấp mặc dù đã bước vào giai đoạn mùa lũ được hơn 1 tháng. Đến nay, có tới 16 hồ chứa thủy điện có dung tích hữu ích dành cho phát điện thấp hơn 10%, đặc biệt có một số hồ còn có mực nước thấp hơn mực nước chết như Sông Tranh 2, Sông Bung 4, Vĩnh Sơn B hoặc đang xấp xỉ mực nước chết như Hương Sơn, Quảng Trị, Hương Điền, Sông Côn 2, A Lưới, Sông Ba Hạ và Đại Ninh.
Theo quy luật hàng năm, từ giữa tháng 6 các lưu vực sông thuộc các tỉnh phía Bắc cũng như một số lưu vực ở miền Trung và miền Nam sẽ bước vào giai đoạn mùa mưa như lưu vực sông Hồng từ 15/6; sông Mã, sông Sê San và sông Đồng Nai từ 1/7 (trừ các hồ Đa Nhim, Đại Ninh); sông Cả từ 20/7. Tuy nhiên do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino nên đến cuối tháng 7/2019, hầu hết các hồ chứa thủy điện trên các lưu vực này đều có lượng nước về thấp hơn trung bình nhiều năm.
EVN cho biết, một vài ngày gần đây ở khu vực các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng có mưa vừa, mưa to và giông, lượng mưa phổ biến từ 30-60 mm, có nơi trên 60 mm nhưng nước về các hồ thủy điện khu vực Tây Nguyên cũng chưa được cải thiện cơ bản.
Một số hồ chứa có lưu lượng nước về được cải thiện một phần như các hồ: Kanak (10 m3/s), Sông Ba Hạ (105 m3/s), Buôn Tua Srah (249 m3/s), Đakr Tih (79 m3/s), Đồng Nai 2 (83 m3/s), Đồng Nai 3 (100 m3/s), Trị An (1.300 m3/s), Thác Mơ (913 m3/s), Cần Đơn (400 m3/s), Hàm Thuận (204.5 m3/s), Đam Bri (81 m3/s).
Cũng theo nguyên tắc điều tiết hồ chứa, vào cuối mùa khô các hồ chứa thủy điện sẽ được khai thác để đưa về xấp xỉ mực nước chết nhằm tạo dung tích lớn nhất có thể để đón lũ, phòng lũ.
Tuy nhiên do ảnh hưởng của thời tiết cực đoan khô hạn kéo dài nên gần như trong tháng 7 năm nay, các hồ chứa thủy điện kể trên đều không có nhiều điều kiện phát điện. Các chủ hồ thủy điện chỉ khai thác cân bằng theo lượng nước đến hồ. Các hồ chứa còn lại trên hệ thống cũng chỉ đủ phát điện để đảm bảo cấp nước cho hạ du.
Cùng với việc nước về các hồ thủy điện kém, hiện tượng El Nino còn kéo theo nền nhiệt độ ở miền Bắc và miền Trung luôn duy trì ở mức cao khiến nhu cầu sử dụng điện cũng tăng theo. Để đảm bảo an ninh cung cấp điện, trong tháng 7 vừa qua, EVN đã phải sử dụng các nguồn nhiệt điện than và tua bin khí, thậm chí cả nhiệt điện dầu (nguồn điện có giá thành cao) bù vào phần sản lượng và công suất thiếu hụt của các nhà máy thủy điện.