Vi phạm nhiều
Cơ sở chế biến tinh bột mỳ Phan Thành Tâm (xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai) đã xả thải, “bức tử” dòng sông Giếng trên địa bàn nhiều năm liền. Theo bản cam kết bảo vệ môi trường (BVMT) mà cơ sở sản xuất này lập ra và được UBND huyện xác nhận tại giấy xác nhận số 20/KKMT-UBND ngày 28/12/2006 với công suất là 950 tấn sản phẩm/năm. Nhưng thực tế đi khi đi vào hoạt động, hàng năm cơ sở này đã sản xuất và chế biến hàng nghìn tấn sản phẩm, tại thời điểm Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường thực hiện thanh tra thì cơ sở này sản xuất lên đến 6.000 tấn sản phẩm/năm.
Ô nhiễm rác thải tại thị trấn Cái Nước, Cà Mau. Ảnh: Kim Há - TTXVN |
Cơ sở đã khai báo sai sự thật về công suất sản phẩm và có dấu hiệu “lách luật” nhằm trốn trách nhiệm lập báo cáo, đánh giá tác động môi trường. Công trình xử lý nước thải thì lạc hậu, cũ kỹ, chắp vá và quá tải, gây ô nhiễm môi trường nhiều năm. Chỉ đến năm 2011, khi Bộ TN&MT thanh tra, phát hiện vi phạm thì cơ sở này mới bị lập biên bản và thực hiện giảm công suất, cải tạo xây dựng lại hệ thống xử lý nước thải…
Năm 2014, trung tâm xử lý nước thải Khu công nghiệp dệt may Phố Nối (Hưng Yên) bị phát hiện xả lượng lớn nước thải chưa qua xử lý ra môi trường. Trung tâm này đã xây dựng 2 đường ống dẫn nước thải, khi không có đoàn kiểm tra thì trung tâm mở van cho xả thẳng nước thải ra các dòng kênh. Sau khi bị đoàn thanh tra của Tổng cục Môi trường và Phòng cảnh sát tội phạm môi trường tỉnh Hưng Yên phát hiện, cơ sở này đã khai nhận mỗi ngày trung tâm mở van xả trực tiếp này 1 lần, mỗi lần 4 giờ liên tục, lượng nước thải trung bình 3.500 m3.
Theo đại diện Cục Kiểm soát hoạt động BVMT (Tổng cục Môi trường), từ năm 2011 - 2015, Bộ TN&MT đã chủ trì và phối hợp các Bộ, ngành địa phương tổ chức thanh kiểm tra với 2.945 cơ sở, KCN, CCN trên cả nước, xử phạt 1.1 tổ chức vi phạm với số tiền phạt trên 200 tỷ đồng.
Vướng trong giám sát, xử phạt
Theo đánh giá chung, hoạt động thanh tra kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về BVMT còn gặp nhiều khó khăn do hệ thống pháp luật về môi trường chưa hoàn thiện. Ông Lương Duy Hanh, Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường cho biết, hoạt động thanh kiểm tra ở địa phương hiện nay còn rất yếu. Mặc dù năm nào Bộ TN&MT cũng ban hành kế hoạch thanh tra nhưng khi tiến hành thanh tra đều trùng lặp với địa phương. Sự chồng chéo giữa các đoàn thanh kiểm tra đã gây phiền hà cho DN trong khi hiệu quả vẫn chưa cao.
Nhân lực ngành TN&MT hiện chưa đáp ứng yêu cầu cả về số lượng và chất lượng. Ở Trung ương, một số lĩnh vực còn thiếu cán bộ có trình độ cao, chuyên môn sâu, ở địa phương, mỗi huyện trung bình có 2 cán bộ, như vậy là quá ít, còn cấp xã chưa có cán bộ chuyên trách về môi trường. Lực lượng chuyên môn môi trường tại các DN còn yếu và thiếu, nên việc giám sát nội bộ và thực thi pháp luật BVMT ở các DN còn chưa hiệu quả. Ông Nguyễn Văn Tài, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường |
Đại tá Trần Trọng Bình, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) cho biết, tình hình tội phạm về lĩnh vực môi trường ngày càng tinh vi, phức tạp nhưng hệ thống văn bản pháp luật cho công tác này vẫn còn nhiều bất cập.
Cụ thể như NĐ179/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm pháp luật trong BVMT chưa quy định đầy đủ thẩm quyền cho lực lượng cảnh sát môi trường. “Chúng tôi chỉ được xem xét bắt giữ đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật nhưng lại không được kiểm tra thủ tục hành chính và hồ sơ pháp lý của họ như thế nào; không được kiểm tra báo cáo đánh giá tác động môi trường mà chỉ dược xử phạt liên quan nước thải… Như vậy sẽ rất khó để làm việc”, ông Bình cho biết.
Cùng với việc thực hiện thanh, kiểm tra, hoạt động giám sát đóng vai trò quan trọng, tuy nhiên, theo TS Võ Tuấn Nhân, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội đánh giá, hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp còn hạn chế. Việc giám sát chủ yếu dựa trên văn bản là chính, chưa sử dụng được nhiều kênh thông tin độc lập, sự tham gia của các chuyên gia và khảo sát thực tế chưa nhiều. Một số kết luận, kiến nghị kết quả hoạt động giám sát chưa được theo dõi, đôn đốc thực hiện. “Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân đa phần thiếu chuyên môn sâu trong lĩnh vực BVMT nên có lúc còn lúng túng trong thực tế. Còn việc thực hiện kiến nghị chưa cao là do chưa có chế tài về trách nhiệm thực hiện các kiến nghị sau giám sát”, TS Võ Tuấn Nhân cho biết.
Trước những bất cập đó, đại diện Bộ TN&MT cho biết, cần hoàn thiện thể chế, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về BVMT. Trước mắt, tập trung xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật BVMT 2014; triển khai các công cụ kinh tế trong quản lý môi trường như thuế, phí… Đặc biệt, đa dạng hóa nguồn lực tài chính cho BVMT, kiến nghị Quốc hội xem xét quyết định tăng dần tỷ lệ chi cho sự nghiệp môi trường theo tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, phấn đấu đạt 2% tổng chi ngân sách nhà nước vào năm 2020.