Trên thực tế, Hà Nội luôn chú trọng đến việc đào tạo tay nghề cho lao động nông thôn nhưng vẫn còn những khoảng trống khi cơ cấu nghề đang bất hợp lý, tình trạng “dạy chay”, “học chay” vẫn phổ biến…, chưa đáp ứng được nhu cầu lao động của các doanh nghiệp, hợp tác xã.
Vẫn còn hình thức
Theo dự kiến của ngành nông nghiệp, đến năm 2030 cả nước sẽ có khoảng 100.000 doanh nghiệp nông nghiệp, 30.000 hợp tác xã, 70.000 tổ hợp tác và 70.000 trang trại nông nghiệp. Bên cạnh đó, quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp dự kiến cũng sẽ hình thành 13 sản phẩm chủ lực cấp quốc gia; 200 - 300 sản phẩm chủ lực cấp vùng, cấp tỉnh và khoảng 2.500 sản phẩm nông nghiệp của địa phương, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Do đó, nhu cầu đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn là rất lớn. Dự báo sẽ có từ 4,5 - 6 triệu lao động có nhu cầu đào tạo nghề nông nghiệp.
Theo đề xuất của Liên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Lao động Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội, năm 2019, Hà Nội sẽ đào tạo nghề cho 15.615 lao động nông thôn; trong đó nghề nông nghiệp là 9.060 người, nghề phi nông nghiệp là 6.555 người. Tỷ lệ lao động sau học nghề tối thiểu đạt 80% có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn.
Thông qua các khóa học dạy nghề, nông dân đã áp dụng được kỹ năng mới vào sản xuất. Nhiều lao động sau học nghề đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, đem lại thu nhập gấp 3 - 4 lần trước đây.
Đến nay, Hà Nội thực hiện đào tạo nghề cho trên 60% lao động nông thôn. Nguyên nhân lao động được đào tạo nghề của Hà Nội chưa cao do định mức hỗ trợ dạy nghề còn thấp, thời gian đào tạo đối với một số nghề chưa phù hợp, các địa phương chưa bố trí cán bộ chuyên trách về công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động sau đào tạo còn khó khăn...
Bà Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho hay, bên cạnh những kết quả đạt được, tình trạng đào tạo nghề “cung” chưa khớp với “cầu” còn khá phổ biến, chưa gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo nghề trong nông nghiệp cho lao động nông thôn với quá trình tái cơ cấu ngành và xây dựng nông thôn mới. Một số nơi chưa thực hiện tốt việc khảo sát nhu cầu học nghề, chuyển đổi nghề của lao động, từ đó chưa phát huy việc đào tạo gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển dịch lao động.
Việc dạy và học nghề ở nhiều nơi còn mang tính hình thức, cá biệt còn có tình trạng chạy theo số lượng, tập trung cho giải ngân, chưa quan tâm đến chất lượng và nhu cầu chất lượng lao động của doanh nghiệp, hợp tác xã và nhu cầu học nghề của người lao động. Tình trạng “dạy chay”, “học chay” vẫn phổ biến. Việc đào tạo cho lao động trong vùng sản xuất hàng hóa, sản xuất công nghệ cao, lao động là xã viên hợp tác xã, trang trại tỷ lệ còn thấp, mới chỉ có 260.000 lao động (chiếm 24%) lao động là thành viên hợp tác xã, trang trại và lao động có liên kết với các hợp tác xã để tiêu thụ sản phẩm.
Cần đào tạo theo nhu cầu
Theo ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, kết quả đào tạo nghề đã góp phần tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo của Hà Nội đạt trên 60%; đóng góp vào thành công của Chương trình Xây dựng nông thôn mới, phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân. Tuy vậy, ông Quý cũng nhấn mạnh, Hà Nội cần tổ chức đào tạo nghề cho nông thôn không chạy theo số lượng, nếu chất lượng không bảo đảm, điều kiện không đủ, sẽ không mở lớp.
Để việc đào tạo nghề cho nông thôn đạt kết quả cao, Hà Nội kiến nghị Trung ương cân nhắc điều chỉnh một số nội dung như tăng độ tuổi của học viên tham gia các lớp đào tạo nghề, đặc biệt là với các nghề sản xuất nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, tăng định mức hỗ trợ cho các lớp đào tạo nghề.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp xây dựng đề án đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm của ngành trong giai đoạn 2021 - 2030 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tiếp tục coi trọng việc hỗ trợ đào tạo tại các doanh nghiệp, hợp tác xã; coi trọng các dạng thực hành tại nơi sản xuất là chính, khuyến khích xã hội hóa và nâng cao chất lượng các cơ sở dạy nghề.
Đặc biệt, ngành cần chú trọng đến các nghề chính phục vụ cho phát triển sản xuất nông nghiệp tiên tiến, ứng dụng công nghệ cao; đổi mới cơ cấu nông nghiệp theo hướng lợi thế, nâng cao giá trị gia tăng; phục vụ cho Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”; đồng thời phân nghề cho các cơ sở dạy nghề phù hợp với đặc thù phát triển nghề nông nghiệp và Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” ở từng địa phương...
Bà Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, đào tạo nghề phải đa dạng, đa hình thức, gắn với nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp, hợp tác xã và người lao động nhằm nâng cao thu nhập cho người dân và lợi nhuận cho doanh nghiệp. Theo đó, các nghề cần ưu tiên đào tạo gồm chế biến, bảo quản thực phẩm. Bên cạnh đó, cần tăng cường đào tạo nghề dài hạn, tăng số thời gian thực hành nghề tại các doanh nghiệp, trang trại… Đa dạng hình thức dạy nghề, đổi mới nội dung dạy, có sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với cơ sở đào tạo nghề cũng là việc cần quan tâm.
Còn theo bà Valentina Barcucci, Phó giám đốc Văn phòng Tổ chức lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam, cần đưa hệ thống khuyến nông và hệ thống giáo dục nghề nghiệp lại gần nhau hơn. Việt Nam cần có sự công nhận, chứng chỉ đào tạo nghề. Người lao động có thể sử dụng chứng chỉ đào tạo ở mọi nơi và có thể tiếp tục nâng cao mức độ cấp chứng chỉ thông qua hệ thống công nhận kỹ năng. Do đó, Việt Nam cần xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia cho các nghề đào tạo.
Đối với vấn đề đào tạo khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ cao và năng lực tham gia chuỗi giá trị nông sản toàn cầu, TS. Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cho rằng, đối tượng được coi là lực lượng nòng cốt để chuyển giao khoa học công nghệ chính là thế hệ tri thức trẻ, các kĩ sư công nghiệp đại học về nông thôn. Bản thân các trường đại học chuyên về khối nông - lâm - ngư nghiệp cũng như các khối kinh tế đã chỉnh sửa việc đào tạo để hướng tới cho người học về đầu ra và việc xây dựng nông thôn mới tại bản, làng.
Để có lực lượng lao động nông thôn tay nghề cao đáp ứng nhu cầu nông nghiệp 4.0, đơn vị đào tạo nghề cần đổi mới tư duy trong đào tạo nghề nông nghiệp. Đó là, đa dạng hóa nội dung và hình thức đào tạo nhằm tiếp cận kịp thời thị trường lao động; tạo nền tảng vững chắc cho lao động nông nghiệp để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi nghề phi nông nghiệp và nâng cao năng lực sản xuất ở nước ngoài.