Đây là mong muốn của đại diện hầu hết các hiệp hội dệt may, da giày, túi xách, thủy sản, điện tử... tại cuộc làm việc giữa Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về góp ý cho Dự án Bộ Luật Lao động (sửa đổi) tổ chức tại Hà Nội chiều 16/9.
Nêu ý kiến tại cuộc làm việc, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký của Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam, cho biết: Đứng ở góc độ lợi ích cho ba vị trí là doanh nghiệp, người lao động và quốc gia thì mức giảm thời gian làm việc bình thường từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần như Dự án Bộ Luật Lao động (sửa đổi) đưa ra nên được cân nhắc, bởi với người lao động thì chỉ được nghỉ thêm một ít thời gian, còn với doanh nghiệp việc giảm 4 giờ làm đồng nghĩa phải tuyển thêm 10% lao động.
“Giảm giờ làm thì gánh nặng cho doanh nghiệp tăng do phải tăng thêm người lao động để bù vào sự thiếu hụt. Doanh số của doanh nghiệp vì thế cũng sẽ giảm khoảng 9%, kéo theo là kim ngạch xuất khẩu giảm. Nguy hiểm nhất là việc thu hút vốn đầu tư FDI vào lĩnh vực có lợi thế xuất khẩu là dệt may, da giày sẽ bị doanh nghiệp nước ngoài cân nhắc, từ đó tác động đến lợi ích quốc gia. Lợi ích của người lao động là chính đáng, cần xem xét. Tuy nhiên, cần phải có lộ trình và lộ trình đó sẽ giúp cho tất cả các bên tận dụng được tối đa các cơ hội”, bà Phan Thị Thanh Xuân phân tích.
Chỉ ra vấn đề chưa phù hợp với thực tế của Dự án Bộ Luật Lao động (sửa đổi), Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho rằng dự án Luật cần lưu ý tới tình hình hoạt động của doanh nghiệp.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, năng suất lao động của Việt Nam vẫn thấp. So với 15 quốc gia có cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam về xuất khẩu thì Việt Nam đang yếu thế hơn. Trong khi đó, những đề xuất tại Dự thảo lại chưa phù hợp như giảm giờ làm từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần; trần quy định giờ làm thêm không quá 400 giờ/năm, đặc biệt tiền lương giờ làm thêm được tính theo lương lũy tiến.
“Thủ tướng luôn nhắc, đất nước này muốn thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình thì phải tăng trưởng trên 7% GDP. Các quốc gia là con rồng châu Á đã làm việc cật lực không kể thời gian. Do đó, ở thời điểm này đất nước này đang dấn lên để tăng trưởng GDP thì không thể giảm 4 giờ làm/tuần”, ông Vũ Tiến Lộc nói.
Tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung chỉ rõ: Dự án Bộ Luật Lao động (sửa đổi) là một bộ luật gốc liên quan tổng thể các vấn đề về việc làm, an sinh xã hội. Đây cũng là bộ luật có phạm vi đối tượng điều chỉnh rộng. Bộ luật kỳ này có tác động sâu rộng qua nhiều vấn đề sửa đổi, nhiều vấn mới được đưa vào luật đáp ứng hội nhập và các cam kết quốc tế; đồng thời cũng để thực hiện lộ trình nhằm đảm bảo chủ trương Việt Nam phát triển nhanh, bền vững.
“Chúng ta không có phương án tối ưu thì phải tìm phương án phù hợp nhất. Quan điểm của Ban soạn thảo là làm sao để tìm ra tiếng nói chung, bộ luật này phải là bộ luật tiến bộ, hài hòa vì người lao động nhưng phải quan tâm tới sự phát triển của đất nước, quan tâm tới doanh nhân, doanh nghiệp. Ban soạn thảo sẽ lựa chọn những nội dung hợp lý để tiếp thu trong dự thảo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào ngày 20/9 trước khi trình ra Quốc hội vào tháng 10 tới”, ông Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.