Trong đó, mưa lũ làm sạt lở trên 5.000 m3 đất, đá tại các điểm Km62+200, Km75+150, Km76+220 và Km79+900 trên tuyến Quốc lộ 24C, gây ách tắc giao thông.
Nhiều tuyến đường ở miền núi bị đất đá vùi lấp gây chia cắt giao thông - Ảnh: TTO |
Ngoài ra, mưa lũ cũng làm sạt lở, hư hỏng 18 tuyến tỉnh lộ, huyện lộ và làm hỏng cây cầu Đá Om ở huyện Trà Bồng. Cụ thể, tại huyện Sơn Tây có 10 tuyến đường bị sạt lở; huyện Ba Tơ có 4 tuyến bị sạt lở; huyện Đức Phổ có 4 tuyến bị sạt lở; tổng chiều dài bị hư hỏng, sạt lở khoảng 7,7 km với khoảng 40 điểm sạt lở, gây ách tắc giao thông cục bộ tại một số địa phương. Mưa lũ còn làm sạt lở một số điểm ở tuyến đường vào xã Ba Giang và Ba Bích (huyện Ba Tơ) và xã Trà Thanh (huyện Tây Trà) gây khó khăn cho người tham gia giao thông.
Trước tình hình trên, Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với các địa phương khẩn trương khắc phục sự cố sạt lở trên các tuyến đường, đảm bảo giao thông cho người dân. Ngành Giao thông vận tải tỉnh bố trí lực lượng và phương tiện có mặt tại hiện trường dọn đất, đá sạt lở; đồng thời tổ chức cảnh giới, hướng dẫn tại các tuyến có nguy cơ sạt lở cao. Đến sáng 4/11, đường vào xã Ba Giang, Ba Bích (huyện Ba Tơ), xã Trà Thanh (huyện Tây Trà) và Quốc lộ 24C đã được thông tuyến, các phương tiện như xe máy, xe thô sơ có thể qua lại.
Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Quảng Ngãi, đến sáng 4/11, toàn tỉnh có 4 người mất tích khi đang lao động ngoài biển, 3 tàu bị chìm và 3 nhà bị sập hoàn toàn, 17 nhà bán kiên cố bị hư hỏng, 19 nhà bị ngập nước. Mưa lũ cũng làm hư hỏng 2 phòng học và một số thiết bị giáo dục ở huyện Mộ Đức, làm hư hỏng 2 đập thủy lợi ở Sơn Tây, hàng chục hecta hoa màu, lúa bị hư hỏng hoàn toàn…